Ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng chính quyền điện tử

Trường Thịnh Hồng Sơn

(Dân trí) - Hướng tới một chính quyền hoạt động linh hoạt, hiệu quả và có tính chuyên nghiệp cao, huyện Nam Đàn (Nghệ An) đang tập trung nhiều nguồn lực cho việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT) và cải cách hành chính.

Đây là chìa khoá góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và từng bước nâng cao chất lượng phục vụ các dịch vụ hành chính công, hướng tới sự hài lòng cho người dân.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Đó là chìa khoá vàng để tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận và giải quyết các thủ tục hành chính cần thiết của mình nhằm phục vụ cho việc sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế. Đồng thời hoàn thành tốt mục tiêu cải cách hành chính, xây dựng Nam Đàn thành huyện Nông thôn mới - Nông thôn mới kiểu mẫu, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển chung huyện nhà.

Ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng chính quyền điện tử - 1

Trung tâm giao dịch một cửa - một cửa liên thông huyện Nam Đàn (Nghệ An) luôn đem lại sự hài lòng cho người dân.

Từ kế hoạch số 102/KH-UBND về việc triển khai hệ thống phần mềm một cửa liên thông phục vụ công tác quản lý cơ chế một cửa và Cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Nghệ An (I-Gate), huyện Nam Đàn đã ban hành quyết định số 8135/QĐ-CTUBND ngày 22/11/2016 về việc thực hiện đề án ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động công vụ của cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện giai đoạn 2018 - 2020.

Sau năm năm triển khai thực hiện, Nam Đàn đã xây dựng được một cơ sở hạ tầng CNTT tương đối hoàn chỉnh. Hệ thống giao ban trực tuyến triển khai đến tận cấp xã, thị trấn. Từ đó giảm thiểu được thời gian và chi phí đi lại của cán bộ và công chức. Hệ thống kết cấu hạ tầng được phát triển với 24/24 xã, thị trấn đều có điểm bưu chính trong đó có 22 điểm bưu điện văn hoá xã và 4 bưu cục và tất cả đều được kết nối Internet băng thông rộng.

UBND huyện đã cung cấp 28 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trên hệ thống một cửa điện tử liên thông. Giao dịch gửi, nhận các văn bản thư điện tử, tiếp nhận hồ sơ đều được thực hiện thông qua hệ thống.

Số hồ sơ được giải quyết trước hạn và đúng hạn đạt 97%. Ứng dụng chữ ký số được triển khai đến tất cả các xã với tổng số 50 chứng thư đã được cấp và có thể ký số trực tiếp trên phần mềm VNPT-Ioffice.

Xây dựng Chính quyền điện tử là hướng tới sự hài lòng cho người dân

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công đó chính là hướng tới sự hài lòng cho người dân. Hệ thống VNPT Ioffice được triển khai đến tất cả các phòng, ngành, xã thị trấn với tổng số 559 tài khoản người dùng được khai báo trong đó có 492 số tài khoản người dùng thường xuyên.

Từ khi triển khai phần mềm đến nay đã có 40.970 văn bản chuyển đến trên hệ thống, 1.414 văn bản chuyển đi và 982 văn bản liên thông. Việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng được ưu tiên cho nhiều ngành quan trọng. Phần mềm quản lý giáo dục được triển khai ở tất cả các cấp học trên địa bàn toàn huyện.

Phần mềm quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế được triển khai ở các bệnh viện, trung tâm y tế từ tuyển tỉnh đến xã thị trấn. Bảo đảm kết nối thông qua hệ thống thông tin khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh ở các tuyến trong tỉnh.

Phần mềm quản lý đối tượng chính sách và bảo trợ xã hội, phần mềm quản lý cập nhật dữ liệu về đất đai đến cấp huyện của ngành tài nguyên môi trường…

Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, thông qua hệ thống kết nối thông tin ngành, Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An đã phối hợp với VNPT tập huấn cung cấp giải pháp giáo dục điện tử VNPT E-Learning.

Kịp thời hỗ trợ cho các trường trong thời gian nghỉ học trên địa bàn toàn tỉnh, giúp giáo viên tiếp cận các em học sinh từ xa để ôn truyền thụ kiến thức. Với giải pháp này, giáo viên có đầy đủ điều kiện để quản lý và thiết kế kho bài giảng điện tử, bài kiểm tra cho học sinh một cách dễ dàng.

Tuy nhiên trong qúa trình triển khai ứng dụng CNTT huyện Nam Đàn còn bộc lộ một số hạn chế đó là: Trách nhiệm của người đứng đầu chưa cao, chưa quyết liệt trong việc chỉ đạo thực hiện phục vụ cải cách hành chính và quản lý văn bản điều hành.

Cơ sở vất chất tại nhiều xã còn thiếu, kinh phí đầu tư cho ứng dụng CNTT còn hạn chế. Ứng dụng chữ ký số ở một số xã, thị trấn đã triển khai tuy nhiên không thường xuyên. Việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy và đào tạo chất lượng chưa cao, chưa quan tâm đào tạo CNTT trong hướng nghiệp và dạy nghề cho thanh thiếu niên.

Bàn về giải pháp cho thời gian tới, ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó CT UBND huyện Nam Đàn cho biết: Cần đưa Tin học, ứng dụng công nghệ thông tin vào chương trình mũi nhọn phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, là động lực để đưa Nam Đàn trở thành huyện Nông thôn mới kiểu mẫu. Kiện toàn bộ máy để tăng cường công tác quản lý và giám sát trong phát triển hạ tầng thông tin.

Chỉ đạo các đơn vị viễn thông xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng viễn thông thụ động trên địa bàn bảo đảm phục vụ tốt hoạt động sản xuất kinh doanh và quản lý nhà nước. Tăng cường sử dụng văn bản điện tử, thực hiện kết nối, liên thông văn bản điện tử từ cấp xã đến Trung ương.

Phấn đấu 100% cán bộ công chức thường xuyên ứng dung CNTT trong hoạt động công vụ và áp dung chữ ký số để xử lý văn bản. Đặc biệt, là triển khai xây dựng Cổng thông tin du lịch và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động. Phấn đấu sớm xây dựng ngành du lịch Nam Đàn đạt chuẩn chất lượng cao góp phần hoàn thành việc xây dựng Nam Đàn trở thành huyện Nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm