UNCTAD: Mất cân đối sẽ ảnh hưởng tới nền Kinh tế thế giới

(Dân trí) - Báo cáo năm 2005 của Tổ chức Thương mại và Phát triển Liên Hiệp quốc (UNCTAD) ngày 2/9/2005 cho biết: Nền kinh tế thế giới tăng trưởng gần 4% trong năm 2004 (cao nhất kể từ năm 2000). Song đã xuất hiện những nguy cơ thụt lùi nghiêm trọng, và tình trạng suy giảm về mức độ tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2005.

Báo cáo cho rằng động cơ tăng trưởng chính, nền kinh tế Hoa Kỳ, có thể sẽ hết nhiên liệu trước khi các nước hay khu vực khác có đủ khả năng thay thế nó. Các nước thành viên của Liên minh Tiền tệ Châu Âu đã không thể thoát ra khỏi tình trạng trì trệ về kinh tế kéo dài, và Nhật Bản, tuy đã đạt được một số tiến bộ, vẫn đang phải vật lộn với sự giảm phát.

 

Trong khi đó, một số nước đông dân ở Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, đã nổi lên như là những động cơ tăng trưởng kinh tế mới. Nhờ có sự phát triển mạnh mẽ và nhu cầu lớn về tài nguyên thiên nhiên của những nước này mà nhiều nước đang phát triển có quan hệ buôn bán với họ, lần đầu tiên trong 20 năm qua, đã gặt hái được những khoản lợi nhuận trời cho từ sự tăng giá cả hàng hoá cũng như từ sự tăng vọt về nhu cầu đối với các sản phẩm trung gian.

 

Các chuyên gia kinh tế của UNCTAD cho rằng những sự mất cân đối về tài khoản vãng lai toàn cầu - trong đó mức thâm hụt của Hoa Kỳ tương đương với hai phần ba mức thặng dư toàn cầu - cần được giải quyết trên cơ sở phối hợp và hợp tác đa phương để không ảnh hưởng tới những kết quả thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) đạt được gần đây.

 

Sự mất cân đối về tài khoản vãng lai toàn cầu đã dẫn đến áp lực chính trị ngày càng tăng đối với một số nước đạt được thặng dư buộc các nước này phải để cho đồng tiền của họ tăng giá. Áp lực đó vẫn tồn tại, mặc dù vào tháng 7 vừa qua Trung Quốc đã quyết định điều chỉnh chế độ tỷ giá hối đoái của nước này.

 

Việc nhiều ngân hàng trung ương tại các nước đang phát triển, đặc biệt là ở Châu Á, sẵn sàng duy trì ổn định tỷ giá hối đoái thông qua sự can thiệp vào thị trường tiền tệ được coi là một trong những yếu tố chính gây cản trở quá trình tháo gỡ một cách suôn sẻ những sự mất cân đối nêu trên.

 

Báo cáo của UNCTAD cho rằng, cần thiết lập hệ thống tỷ giá hối đoái đa phương có khả năng đáp ứng được những mối quan tâm của các nền kinh tế nhỏ, kém phát triển và mở cửa để giải quyết vấn đề này.     

          

Để khắc phục những sự mất cân đối về kinh tế, cần phải tránh để xảy ra tình trạng đình trệ và suy thoái - ở cả các nước phát triển mà từ trước đến nay sự tăng trưởng của họ phụ thuộc quá nhiều vào nền kinh tế Hoa Kỳ cũng như ở các nước đang phát triển có nền kinh tế và tiền tệ quá mỏng manh. Nếu tìm tiếm cách khắc phục, đặc biệt đối với sự thâm hụt ngoại thương của Hoa Kỳ, thông qua việc tăng thật mạnh tỷ giá hối đoái ở Trung Quốc và các nước đang phát triển khác ở Châu Á, thì tác động giảm phát đối với nền kinh tế thế giới là điều tất yếu.

 

Tình hình đó không những làm phức tạp thêm nỗ lực của Trung Quốc trong việc hoà nhập một đội ngũ đông đảo lao động nông thôn vào nền kinh tế đô thị đang đi theo hướng hiện đại hoá và như vậy không những đe doạ ảnh hưởng tới tiến độ xoá đói giảm nghèo của nước này mà còn cản trở nỗ lực của các nước đang phát triển khác trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG).   

 

UNCTAD cảnh báo rằng, chỉ có thể tránh được sự giảm phát bắt nguồn từ một điều chỉnh đối với những sự mất cân đối toàn cầu nếu nhu cầu nội địa ở khu vực sử dụng đồng Euro và Nhật Bản được khôi phục rõ rệt.

 

Sự thâm hụt ngoại thương lớn của Hoa Kỳ chủ yếu là so với các khoản thặng dư của khu vực sử dụng đồng Euro và Nhật Bản. Những khoản thặng dư này vẫn đang lớn lên nhanh chóng, mặc dù chi phí nhập khẩu dầu mỏ và các mặt hàng thiết yếu khác đang gia tăng.

Trung Quốc, đất nước đã chịu sức ép lớn nhất về việc định giá lại, chiếm dưới 8% mức thặng dư tài khoản vãng lai toàn cầu.

 

Thanh Trầm