Uber trong “cuộc chiến” pháp lý tại Việt Nam: Đối đầu hay nhượng bộ?
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, kết hợp với các cơ quan liên quan xem xét hoạt động của Uber tại Việt Nam. Động thái này cho thấy, Chính phủ Việt Nam đang hoàn toàn nghiêm túc với công ty công nghệ này.
Điều dư luận quan tâm lúc này là lãnh đạo Uber sẽ nhượng bộ để phù hợp với luật pháp sở tại hay vẫn áp dụng đường lối cứng rắn như đã làm ở khắp nơi trên thế giới.
Cung cấp công nghệ - dịch vụ taxi: Bao giờ thôi lập lờ?
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Ở phía ngược lại, ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM trong đơn kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ Gia thông vận tải đã phân tích rõ: “Uber hiện đang biện minh họ là môi giới (“cò”). Nếu là môi giới, thì Uber chỉ có nhiệm vụ duy nhất là giới thiệu và chờ nhận tiền cò (hoa hồng)… mọi vấn đề khác do các bên đối tác tự đàm phán, thương lượng và độc lập quyết định không có sự tham gia của môi giới. Đằng này, Uber đã và đang điều hành trọn vẹn một quy trình phục vụ hành khách giống như hoạt động của một hãng taxi thực sự”.
Theo ông Hỷ, quy trình của Uber sơ lược như sau: Uber tiếp nhận yêu cầu của khách – cung cấp thông tin 2 chiều cho lái xe và khách -> điều xe và quyết định hành trình chạy xe -> quyết định giá cước -> giám sát hành trình -> thu tiền cước khi kết thúc hành trình -> thực hiện việc ăn chia với chủ xe… Ngoài ra, Uber còn tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho lái xe, quy định chế tài xử phạt khi lái xe có lỗi, phạt hành khách (5.000 đồng) nếu khách kêu xe mà bỏ cuộc…
Chủ tịch Hiệp hội taxi TP.HCM khẳng định: “Rõ ràng các hành vi nói trên là hoạt động điều hành vận tải hành khách thực sự, chứ không phải là hành động của cò (môi giới) như giọng điệu của Uber. Một vấn đề cũng cần quan tâm là các công ty cho thuê xe, chủ xe và lái xe được Uber điều động tham gia hành trình phục vụ khách đều không có chức năng kinh doanh taxi như pháp luật quy định”.
Tạm gác một bên những tranh luận này, chúng tôi thử tìm hiểu từ nhiều người tiêu dùng sử dụng dịch vụ taxi Uber, hầu như tất cả đều khẳng định Uber là một hãng taxi, có giá rẻ hơn taxi truyền thống trong nước. Vậy, sự “hiểu nhầm” này là lỗi của người tiêu dùng, của các cơ quan chức năng tại Việt Nam hay đây là sự lập lờ có chủ ý của Uber?
Các nước “ứng xử” với Uber như thế nào?
Pháp là quốc gia mới nhất ban bố lệnh “khai tử” Uber kể từ ngày 1/1/2015. Trước đó, Uber bị cấm hoạt động tại Bỉ, Hàn Quốc, Hà Lan, Tây Ban Nha, Đức, Thái Lan... Đặc biệt có cả một số bang ở Mỹ, nơi khai sinh Uber.
Có những điểm chung cơ bản khiến dịch vụ taxi này bị loại bỏ khỏi các quốc gia trên. Thứ nhất, Uber không đăng kí kinh doanh dịch vụ taxi, dẫn đến việc hoạt động sai quy định vận tải hành khách về: giấy phép, cước phí, trình độ tài xế, phương thức hoạt động đón trả khách… Thứ hai, Uber thường “làm trước - báo sau” dẫn đến việc bị phát hiện hoạt động “chui” tại hầu hết các quốc gia. Thứ ba, dịch vụ này liên tục bị phanh phui những scandal như: chơi xấu đối thủ, lợi dụng thông tin khách hàng để điều tra “tình một đêm” (Mỹ), tài xế hiếp dâm khách hàng (Ấn Độ), nguy cơ về việc tài xế buôn bán ma túy mà khách hàng chịu hệ lụy và gây tình trạng bất ổn, biểu tình (tại hầu hết các quốc gia)… Gần nhất là việc khách hàng của Uber tố hãng này tăng giá sốc theo kiểu “thừa nước đục thả câu”. Tờ N.Y Daily News đưa tin một hành khách sau 25 phút ngồi trên taxi Uber vào dịp lễ Halloween vừa rồi phải trả cước phí tăng gấp 7 lần, 539 USD ( hơn 11 triệu đồng). Các hành khách ở khu vực xảy ra vụ bắt cóc con tin ở Sydney (Úc) cũng buộc phải trả phí cao gấp 4 để rời khỏi hiện trường.
Uber vào Việt Nam từ tháng 6/2014 và lập tức gây tranh cãi, nhất là sự phản ứng mạnh mẽ từ các hiệp hội taxi. Rõ ràng, Uber đang đi ngoài luật vận tải hành khách và gây khó khăn cho các doanh nghiệp taxi truyền thống trong nước đang hoạt động theo sự quản lý của pháp luật. Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, từng khẳng định trước báo giới taxi Uber hoạt động giống “xe dù”. Ông cho rằng, đây thực chất là một loại xe hợp đồng trá hình. Kinh doanh vận tải thì bắt buộc phải đăng ký hoạt động và nộp thuế.
Chấp nhận Uber - Câu chuyện đường dài
Theo quan điểm của Uber, dịch vụ taxi này có thể đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách với giá rẻ. Bên cạnh đó, mang đến cho khách những trải nghiệm mới mẻ và sang trọng hơn. Từng sử dụng loại hình taxi này và theo ý kiến của nhiều người tiêu dùng, chúng tôi cho rằng Uber quả thật là một sự lựa chọn đi lại không tồi. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, Uber vẫn đang tham gia vào hoạt động taxi một cách trái phép. Dịch vụ này đẩy hàng chục ngàn tài xế taxi truyền thống vào nguy cơ thất nghiệp, phớt lờ hầu hết các quy định về vận chuyển hành khách và nhất là phá bỏ các chính sách về hạn chế số đầu xe taxi tại một số tỉnh thành.
Mới nhất, sau buổi làm việc với đại diện Uber, Tổng cục thuế đã đưa ra 2 phương án: Nếu coi Uber là công ty kinh doanh vận tải thì tính thuế giá trị gia tăng ở mức 3% và thuế thu nhập doanh nghiệp là 2%. Còn nếu xác định Uber chỉ là công ty kết nối trung gian thì thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ ở mức 5% tổng doanh thu.
Động thái này cho thấy, Chính phủ Việt Nam không đi ngược với quyền lợi của người dân, sẵn sàng đối thoại và chấp nhận những loại hình dịch vụ mới theo kịp thời đại. Đến đây, điều người tiêu dùng mong mỏi nhất là thiện chí từ lãnh đạo Uber trong việc hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Về phía nước ta, gần như chắc chắn sẽ không có chuyện Chính phủ thỏa hiệp với những khái niệm bị “lập lờ” và phương thức hoạt động đứng ngoài rìa luật pháp của Uber.