Vấn đề kinh tế trong tuần:
U23 nhận “bão” tiền thưởng; vé trúng độc đắc 75 tỷ đồng
(Dân trí) - Số tiền thưởng mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân hứa tặng thưởng cho U23 Việt Nam đến trước trận chung kết đã lên tới trên 20 tỷ đồng; một vé số trúng Jackpot 75 tỷ đồng; kết luận của Kiểm toán Nhà nước trong lĩnh vực xăng dầu; sự cố sập sàn chứng khoán… là những thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần qua.
Chiến thắng quật khởi trước U23 Qatar, U23 Việt Nam nhận “bão” tiền thưởng
Chiến thắng của U23 Việt Nam trước đối thủ cực mạnh của Tây Á U23 Qatar được báo chí châu Á gọi là “bộ phim kinh dị” khi các cầu thủ Việt Nam đưa khán giả đi đến mọi cung bậc cảm xúc.
U23 Qatar là tập hợp các cầu thủ trẻ triển vọng nhất của đất nước giàu có, tài năng nhất của Qatar và là những con “gà nòi” được đào tạo từ các học viện lớn Tây Á, châu Âu để nước này chăm bẵm cho vòng chung kết Worldcup năm 2022 được tổ chức tại Qatar.
Chiến thắng lịch sử của đội tuyển U23 Việt Nam trước U23 Qatar tại trận bán kết chiều 23/1 đã làm hàng chục triệu trái tim người hâm mộ vỡ òa vui sướng, tự hào; theo đó, nhiều doanh nhân, tập đoàn lớn cũng tuyên bố tặng thưởng số tiền lớn để thể hiện niềm vui, khích lệ đội tuyển U23 Việt Nam.
Tổng số tiền thưởng dành cho đội tuyển đến trước trận chung kết ước tính khoảng trên 20 tỷ đồng.
Cũng trong tuần qua, doanh nghiệp, người kinh doanh cũng đã có những chương trình kích cầu liên quan đến U23, nhiều người kiếm bộn tiền với kinh doanh trang phục cổ vũ cho đội tuyển.
Một vé số trúng độc đắc hơn 75 tỷ đồng
Tối 26/1, Công ty Xổ số Điện toán Việt Nam (Vietlott) phát thông báo, trong kỳ quay thưởng thứ 238 của loại hình xổ số Mega 6/45 đã có người trúng giải Jackpot trị giá hơn 75 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Vietlott cũng đã xác định có 69 giải nhất với trị giá mỗi giải là 10 triệu đồng, 2.864 giải nhì với mỗi giải trị giá 300 ngàn đồng và 43.242 giải ba, mỗi giải trị giá 30 ngàn đồng.
Mặc dù giải độc đắc của loại hình xổ số Mega 6/45 liên tục “nổ” thế nhưng giải đặc biệt Jackpot 1 của loại hình xổ số Power 6/55 vẫn chưa có người trúng thưởng kể từ khi phát hành. Trị giá của giải Jackpot 1 của xổ số Power 6/55 đang rất “khủng”, lên tới hơn 281 tỷ đồng.
Thủ tướng: Ngành thống kê “bỏ lọt” con số mua nhà lầu, xe hơi, thịt bò và rượu ngoại
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Tổng cục Thống kê sáng 22/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu cho ngành này sắp tới phải thống kê được kinh tế không chính thức để đảm bảo công bằng, đồng thời yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch các tỉnh không được coi thường thống kê.
Thủ tướng cho rằng: “Chúng ta không gọi là kinh tế ngầm mà gọi là kinh tế không chính thức, khu vực này còn rất lớn. Người dân mua nhà lầu, xe hơi, ăn thịt bò, uống rượu số lượng lớn nhưng chưa tính được”.
Khoảng 20% GDP đã bị bỏ sót bởi không có số liệu quản lý từ cấp dưới lên trên về kinh tế không chính thức này. Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, ngoài việc không tính được GDP, không có số liệu thống kê kinh tế phi chính thức khiến ngành thuế thất thu, mất công bằng trong phát triển.
“Ai dại gì tự nhiên đi dâng tô, tính thuế nên ngành thống kê phải làm sao tính được GDP và thu thuế khu vực này để đảm bảo công bằng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Kiểm toán Nhà nước: Đầu mối xăng dầu hưởng lợi hơn 4.700 tỷ đồng vì chênh lệch thuế
Kiểm toán Nhà nước cho biết, năm 2015 và 5 kỳ điều hành đầu tiên năm 2016: Liên bộ Công Thương - Tài chính đã áp dụng thuế MFN trong điều hành và được Kiểm toán nhà nước cho là không phù hợp với thực tế phát sinh tại các đầu mối nhập khẩu, dẫn tới giá cơ sở tăng lên, tạo nên một khoản chênh lệch lớn không hợp lý cho các đơn vị đầu mối.
Theo tính toán, nhờ khoản chênh lệch về thuế nhập khẩu này, 10 thương nhân đầu mối được kiểm toán đã hưởng lợi khoảng hơn 3.375 tỷ đồng.
Năm 2016, từ kỳ điều hành 21/3, việc tính toán giá cơ sở tại Liên Bộ được áp dụng thuế bình quân gia quyền, tuy có hợp lý hơn, nhưng chỉ mang tính tình thế, không giải quyết được tận gốc vấn đề, vì vẫn phát sinh chênh lệch thuế nhập khẩu giữa xây dựng và thực tế. Theo tính toán, tại 10 thương nhân đầu mối trong năm 2016 vẫn phát sinh chênh lệch hơn 1.433 tỷ đồng.
Kiểm toán Nhà nước cho rằng, việc áp dụng thuế bình quân gia quyền chưa đảm bảo cơ sở pháp lý vững chắc, cũng như tính minh bạch, rõ ràng trong quy định.
Đường sắt Cát Linh-Hà Đông chậm trễ, VN vẫn trả tiền vay đúng hạn cho ngân hàng TQ
Mặc dù dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông đã liên tục bị chậm tiến độ, gây thiệt hại lớn nhưng Việt Nam vẫn phải trả đúng hạn, cả gốc lẫn lãi tiền vay từ ngân hàng Trung Quốc-China Eximbank.
Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết, sẽ thực hiện thanh toán đúng hạn cho China Eximbank gốc đến hạn, lãi và phí cam kết đến hạn phải trả ngày 21/1/2018 đối với khoản tín dụng ưu đãi giá trị 250 triệu USD cho dự án. Cụ thể, dư nợ là 38,56 triệu USD, cộng cả gốc và lãi phải trả là hơn 2,99 triệu USD (tương đương 67,8 tỷ đồng), trong đó lãi vay là hơn 580 nghìn USD (13,16 tỷ đồng).
Còn phí cam kết tạm tính đối với phần vốn cho vay lại đã thực hiện rút trong kỳ là 229,5 nghìn USD (5,2 tỷ đồng).
Sự cố chưa từng có trên thị trường chứng khoán: Sập sàn HoSE
Vào phiên giao dịch ngày 22/01, lúc 14 giờ 31 phút trong đợt khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa đã xảy ra sự cố đối với hoạt động giao dịch tại sở. Theo đó, hệ thống giao dịch không thể khớp lệnh trong đợt khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa.
Sự cố này đã khiến sàn giao dịch TPHCM (HoSE) phải đóng cửa trong hai ngày 23 và 24/1. Ông Trần Văn Dũng – Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã phải lên tiếng trấn an: “Tôi rất mong muốn nhà đầu tư bình tĩnh nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan các tác động của sự cố kỹ thuật này đến thị trường và đến hoạt động đầu tư bình thường”.
Đến sáng ngày 25/1, sự cố này đã được khắc phục. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư tỏ ra không thỏa mãn khi không nhận được lời xin lỗi nào từ phía HoSE cho dù thiệt hại cho nhà đầu tư và các thành viên tham gia thị trường là rất lớn.
Bích Diệp (tổng hợp)