U oát thần thánh trở lại: Ô tô Nga về thời oanh liệt

Ngoài các nhà sản xuất ô tô quen thuộc, các thương hiệu ô tô Nga “made in Việt Nam” cũng sẽ sớm xuất hiện. Điều này khiến thị trường ô tô Việt thêm cạnh tranh quyết liệt.

Thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh Kinh tế Á - Âu (Việt Nam - EAEU FTA), Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định hướng dẫn thực hiện Nghị định thư giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Nga về hỗ trợ sản xuất phương tiện vận tải có động cơ trên lãnh thổ Việt Nam.

Như vậy, ngoài việc nhập khẩu các thương hiệu ô tô quen thuộc, ô tô Nga cũng sẽ sớm được sản xuất tại Việt Nam.

Cụ thể, theo quyết định này, mỗi DN được ủy quyền của Nga chỉ được phép thành lập một liên doanh tại Việt Nam, với phần vốn đối tác Việt Nam trong liên doanh phải đạt ít nhất 50% tổng vốn điều lệ của liên doanh. Các liên doanh phải hoạt động trong ít nhất 10 năm và không quá 30 năm.


Ô tô Nga từng có thời hoàng kim ở Việt Nam.

Ô tô Nga từng có thời hoàng kim ở Việt Nam.

Các DN được ủy quyền của Nga không được chuyển nhượng vốn trong các liên doanh cho bất cứ bên thứ 3 của một nước nào.

Việc liên doanh sản xuất ô tô Nga ở Việt Nam phải đảm bảo các cam kết chặt chẽ.

Cụ thể, xe thể thao đa dụng (SUV) của hãng UAZ phải đạt tỷ lệ nội địa hóa 30% vào năm 2020 và 40% vào 2025; phương tiện vận tải từ 10 chỗ trở lên phải nội địa hóa 35% vào 2020 và 50% vào 2025; xe tải có tỷ lệ nội địa hóa lần lượt là 30-45% và xe chuyên dụng là 25-40%.

Tổng hạn ngạch thuế quan ưu đãi cho tất cả các liên doanh đến 2021 là 2.550 xe có động cơ và 13.500 bộ linh kiện SKD. Hạn ngạch này có thể bị giảm trừ phụ thuộc vào tỷ lệ nội địa hóa có đạt theo yêu cầu hay không. Mức thuế cho các phương tiện/linh kiện trong hạn ngạch là 0% nếu hàng hóa có xuất xứ phù hợp với Hiệp định.

Liên doanh không đạt tỷ lệ nội địa hóa trong vòng 10 năm kể từ khi Nghị định thư có hiệu lực có thể bị thu hồi giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch.

Quyết định sẽ có hiệu lực từ 15/5 tới.

Hiện Nga đang có 3 DN được ủy quyền có thể thành lập liên doanh ở Việt Nam, bao gồm: Nhà máy sản xuất ô tô “GAZ”; Công ty Thương mại Quốc tế “Kamaz” và Công ty Cổ phần đại chúng “Ulyanovsky Avtomobilny Zavod” (UAZ).

Tương tự, một DN của Belarus là Công ty cổ phần Minsk Automobile Plant - công ty quản lý của Belautomaz (MAZ) cũng có thể thành lập liên doanh với Việt Nam để sản xuất một số loại xe tải và xe có động cơ dùng chở 10 người trở lên với các quy tắc tương tự.

Tỷ lệ nội địa hóa của liên doanh này sẽ phải đạt mức 40% vào 2020 và 60% vào 2026. Hạn ngạch thuế quan đối với quốc gia này là 750 xe và 4.000 bộ linh kiện.

Theo: Lương Bằng

Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm