Tỷ phú Vượng "bỏ túi" 1.900 tỷ đồng hôm nay, VinFast tiến gần tham vọng
(Dân trí) - Với việc tuyển các nhân sự cấp cao tại những hãng xe hàng đầu, VinFast quyết theo đuổi mục tiêu toàn cầu. Cổ phiếu VIC tích cực hỗ trợ TTCK và giúp tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng.
Phiên chiều: Nhóm VN-30 "dìm" thị trường
Mặc dù có khởi đầu thuận lợi trong phiên sáng, sự thận trọng của nhà đầu tư vẫn đang "làm khó" thị trường. Khi VN-Index về vùng 1.280 điểm, áp lực chốt lời "lướt T+" khiến chỉ số phải thoái lui và rơi vào tình trạng giảm ở phiên chiều.
Vùng 1.270 điểm vẫn hỗ trợ tâm lý khá tốt cho nhà đầu tư. Theo đó, VN-Index vẫn đóng cửa trên ngưỡng này, tại 1.270,79 điểm, giảm 2,5 điểm tương ứng 0,2%. VN30-Index giảm 4,48 điểm còn 1.406,54 điểm, tương ứng mức giảm 0,32%; HNX-Index giảm 0,1%, tương đương 0,3 điểm còn UPCoM-Index vẫn tăng 0,61 điểm tương ứng 0,72% lên 84,3 điểm.
Thanh khoản chưa có sự bứt phá mạnh mẽ trong phiên hôm nay, nhiều khả năng do nhà đầu tư vẫn dè chừng với biến động thị trường trong vòng 3 phiên tới.
Tổng khối lượng giao dịch trên HSX cả phiên đạt 451,95 triệu cổ phiếu tương ứng 16.003,38 tỷ đồng; HNX có 59,48 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 1.372,31 tỷ đồng. Còn giao dịch trên UPCoM đạt 31,34 triệu đơn vị tương ứng 647,52 tỷ đồng.
Chỉ số điều chỉnh song phần lớn cổ phiếu trên thị trường vẫn tăng. 468 mã tăng, 32 mã tăng trần so với 351 mã giảm, 16 mã giảm sàn. Nguyên nhân khiến chỉ số bị "dìm" chủ yếu nằm ở cổ phiếu trong rổ VN30. Hơn 2/3 cổ phiếu trong rổ VN30 giảm giá.
Trong đó, VCB giảm 1,2% đã tác động lên VN-Index gần 1,2 điểm; GAS giảm 1,8% ảnh hưởng 0,83 điểm. HPG, GVR, HDB, CTG, VNM cũng khiến VN-Index bị tác động tiêu cực.
Ngược lại, nhóm cổ phiếu họ Vingroup và TCB vẫn tiếp tục đóng góp tích cực. VIC tăng 1.000 đồng tương ứng 1% lên 104.000 đồng, VHM tăng 1,3%; VRE tăng 2,6%; TCB tăng 1,6%.
Với diễn biến này, trong ngày hôm nay, giá trị tài sản trên sàn chứng khoán của ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup - tăng thêm 1.916,4 tỷ đồng. Ông Vượng hiện vẫn là người giàu nhất Việt Nam.
Phiên sáng: Đầy tích cực, công lớn thuộc về cổ phiếu "họ" Vin
Trước đó trong phiên sáng, mặc dù diễn biến rung lắc, các chỉ số chính trên thị trường vẫn đạt được trạng thái tăng điểm.
VN-Index tăng 6,01 điểm tương ứng 0,47% lên 1.279,3 điểm; VN30-Index tăng 6,31 điểm tương ứng 0,45% lên 1.417,33 điểm. Trong khi đó, HNX-Index tăng 1,87 điểm tương ứng 0,62% lên 302,98 điểm; UPCoM-Index tăng 0,76 điểm tương ứng 0,91% lên 84,45 điểm.
Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn thận trọng dù đã có một phiên hồi phục mạnh của thị trường trong ngành hôm qua. Tổng giá trị giao dịch trên HSX đạt 10.085,91 tỷ đồng; khối lượng giao dịch ở mức 271,11 triệu cổ phiếu. HNX có 33,6 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 785,67 tỷ đồng và con số này trên UPCoM là 17,26 triệu cổ phiếu tương ứng 358,25 tỷ đồng.
Mặc dù dồn dập công bố báo cáo kết quả kinh doanh khả quan, cổ phiếu các doanh nghiệp ngành tài chính (ngân hàng, chứng khoán) vẫn phân hóa, nhiều mã giảm.
PHS giảm 6,5%; APS giảm 2,4%; HCM giảm 1,7%; BSI giảm 1%; VDS giảm 0,9%; SSI giảm 0,9%; AGR giảm 0,8%; CTS giảm 0,7%; BVS giảm 0,7%.
Cổ phiếu ngân hàng tích cực hơn khi có BVB tăng 4,1%; VBB tăng 3,9%; KLB và NAB tăng 3,3%. Những mã lớn như TCB cũng tăng 2,6%; MBB tăng 1,1%. Tuy nhiên, VCB và BID lại lần lượt giảm nhẹ 0,3% và 0,4%.
Điểm tích cực là nhìn chung bức tranh thị trường vẫn đang nghiêng rất rõ rệt về phía các mã tăng giá với 454 mã tăng, 22 mã tăng trần so với 284 mã giảm, 10 mã giảm sàn.
VN30-Index tuy tăng giá nhưng trong rổ này cũng không có sự đồng thuận. Cổ phiếu "họ" Vingroup kéo chỉ số. Trong đó, VIC tăng 1.700 đồng tương ứng 1,7% và đóng góp 1,55 điểm cho chỉ số chính, VHM tăng 1,8% và đóng góp 1,71 điểm; VRE tăng 3,6% đóng góp gần 0,6 điểm cho VN-Index.
Tuy nhiên, sáng nay, khối nhà đầu tư ngoại lại bán ròng mạnh 1.180 tỷ đồng cổ phiếu VIC với khối lượng gần 11,4 triệu cổ phiếu (chủ yếu thông qua giao dịch thỏa thuận) và giá trị bán ròng của khối ngoại trên HSX gần 1.150 tỷ đồng.
Cổ phiếu họ Vingroup diễn biến tích cực trong bối cảnh Forbes vừa thông tin việc VinFast sẽ tung ra các mẫu xe điện mới nhất tại những showroom ở Bắc Mỹ và Châu Âu vào tháng 3 năm sau, qua đó tạo ra sự cạnh tranh với Tesla trên toàn cầu.
Để theo đuổi mục tiêu, hãng xe Việt Nam đã tuyển dụng các giám đốc điều hành cấp cao từ nhiều nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới như Tesla, BMW, Porsche, Toyota và Nissan.