Tỷ phú Trần Bá Dương tiết lộ cách Thaco huy động vốn

Văn Hưng

(Dân trí) - Chủ tịch Trần Bá Dương chia sẻ Thaco huy động vốn vay một cách chân phương từ các ngân hàng lớn, không sử dụng các đòn bẩy và không đầu tư vào ngân hàng hay định chế tài chính nào.

Chiều 22/4, hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế diễn ra tại Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.

Thaco huy động vốn trái phiếu thế nào?

Tại hội nghị, chia sẻ về kinh nghiệm huy động vốn trái phiếu, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco), cho biết trong suốt 25 năm thành lập, Thaco luôn phát triển sản xuất kinh doanh từ nhỏ đến lớn hơn trong khả năng quản trị của mình. Ông đề cao sự tư vấn và tham gia kiểm soát của các tổ chức kiểm toán quốc tế.

Chủ tịch Trần Bá Dương kể, doanh nghiệp mình huy động vốn vay một cách chân phương từ các ngân hàng lớn trong, ngoài nước và được thẩm định cho vay với các chuẩn mực an toàn; không sử dụng các đòn bẩy tài chính, chưa tham gia thị trường chứng khoán và chỉ mới phát hành bán vốn cho một tập đoàn nước ngoài nắm giữ 26,5% và cán bộ nhân viên 2%; không đầu tư vào một ngân hàng hay định chế tài chính nào.

Tỷ phú Trần Bá Dương tiết lộ cách Thaco huy động vốn  - 1

Ông Trần Bá Dương chia sẻ Thaco chỉ sử dụng lợi nhuận và trích khấu hao hàng năm cùng với vốn vay dài hạn với tỷ lệ hợp lý để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Bắt đầu từ năm nay, doanh nghiệp đa ngành này tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông theo hình thức PPP và các phương thức xã hội hóa khác, góp phần phát triển hạ tầng giao thông cho đất nước và cho các địa phương.

Thông qua việc đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, ô tô và công nghiệp hỗ trợ, từng bước Thaco sẽ tự cân đối ngoại tệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình... phấn đấu đến năm 2028 cơ bản cân đối được ngoại tệ trong xuất nhập khẩu, ông Dương nói.

Hiến kế ổn định thị trường vốn, lãnh đạo doanh nghiệp này đề nghị Chính phủ tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành nguồn vốn và phân bổ tập trung vào các lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông, sản xuất trong công nghiệp, nông nghiệp và logistics nhằm hướng doanh nghiệp tham gia nhiều hơn kéo theo các nguồn lực khác như tài chính, đất đai và nguồn nhân lực trong các lĩnh vực này.

Trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều tiềm năng và dư địa phát triển

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), cho rằng phát triển thị trường vốn là điều kiện tất yếu để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế.

Đối với Vietcombank, hiện danh mục đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong danh mục tín dụng của nhà băng. Tại thời điểm 31/3, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của Vietcombank ở mức 11.400 tỷ đồng (chiếm khoảng 1% tổng dư nợ cho vay) và đều được phân loại nợ nhóm 1, tức các doanh nghiệp phát hành đều kinh doanh hiệu quả và thanh toán đúng hạn.

Vietcombank đánh giá thị trường trái phiếu doanh nghiệp đầy tiềm năng và còn nhiều dư địa để phát triển.

Tỷ phú Trần Bá Dương tiết lộ cách Thaco huy động vốn  - 2

Ông Phạm Quang Dũng khẳng định Thị trường trái phiếu doanh nghiệp là yêu cầu chính đáng và tất yếu của doanh nghiệp và nền kinh tế (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Ngân hàng này đề xuất nên có xếp hạng tín nhiệm độc lập để đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường vốn nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng. Mặt khác cần sớm yêu cầu xếp hạng tín nhiệm độc lập bắt buộc đối với doanh nghiệp phát hành và trái phiếu phát hành.

Thứ hai, quy mô trái phiếu phát hành riêng lẻ đã lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng mỗi năm và lớn hơn nhiều so với quy mô trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng. Vietcombank kiến nghị sớm xem xét, hình thành thị trường giao dịch tập trung đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.

"Điều này sẽ làm tăng tính minh bạch của thị trường, tăng khả năng giám sát của các cơ quan quản lý, bảo vệ tốt hơn cho nhà đầu tư", ông Dũng nói.

Thứ ba, cơ chế bảo vệ nhà đầu tư cũng cần được liên tục cải thiện. Công tác hậu kiểm và chế tài đi kèm đối với các doanh nghiệp phát hành, các tổ chức tham gia vào quy trình phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp cũng cần phải đủ sức răn đe để đảm bảo thị trường hoạt động công khai, minh bạch.