Vụ Tân Hoàng Minh: Huy động vốn bằng trái phiếu là gì?

Hải Hà

(Dân trí) - Liên quan vụ Chủ tịch Tân Hoàng Minh bị bắt, bạn đọc Dân trí thắc mắc, thế nào là huy động vốn bằng trái phiếu? Doanh nghiệp huy động vốn nhưng không đầu tư như cam kết sẽ bị xử lý như thế nào?

Liên quan đến việc ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh - cùng các đồng phạm vừa bị bắt vì hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên và các công ty liên quan, phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỷ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.

Nhiều bạn đọc Dân trí thắc mắc, thế nào là huy động vốn bằng trái phiếu? Doanh nghiệp huy động tiền rồi không đầu tư như cam kết thì sẽ bị xử lý như thế nào? Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã thông báo hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu của các công ty con thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, vậy nhà đầu tư có nhận lại được tiền không?

Vụ Tân Hoàng Minh: Huy động vốn bằng trái phiếu là gì? - 1

9 đợt chào bán trái phiếu từ tháng 7/2021 đến tháng 3 năm nay của 3 công ty thuộc Tân Hoàng Minh vừa bị hủy bỏ (Ảnh: Mạnh Quân).

Thế nào là huy động vốn bằng trái phiếu?

Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hiện nay, nhu cầu tăng vốn, mở rộng thị trường là một trong những nhu cầu cấp thiết để tăng khả năng hội nhập và cạnh tranh của doanh nghiệp. Tùy theo loại hình doanh nghiệp và các đặc điểm cụ thể, mỗi doanh nghiệp có thể có các phương thức tạo vốn và huy động vốn khác nhau, trong đó có huy động vốn bằng phát hành trái phiếu.

Trái phiếu doanh nghiệp là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi, và các nghĩa vụ khác (nếu có) của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư sở hữu trái phiếu. 

Theo quy định, đối tượng được phát hành trái phiếu doanh nghiệp gồm:

- Doanh nghiệp được phát hành trái phiếu là Công ty cổ phần và công ty TNHH được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam.

- Tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Một cách hiểu khác thì trái phiếu là một loại chứng khoán xác nhận. Người sở hữu trái phiếu đang cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu vay. Khi bạn mua trái phiếu do một doanh nghiệp phát hành, lúc này bạn là chủ nợ của doanh nghiệp đó.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua đã có sự phát triển mạnh mẽ, thậm chí bỏ xa quy mô phát hành trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên, cùng với đó, kênh huy động vốn này cũng bộc lộ những rủi ro đáng báo động, đến mức các bộ, ngành phải lên tiếng cảnh báo và Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm tra, giám sát chặt.

Một hiện tượng khác của thị trường trái phiếu là trong bối cảnh dịch bệnh, doanh nghiệp không có tài sản thế chấp và không chứng minh được việc sử dụng vốn hiệu quả nên không thể vay được tiền từ ngân hàng. Từ đó, doanh nghiệp phải chuyển hướng phát hành trái phiếu với lãi suất cao nhằm thu hút tiền đầu tư của người dân. 

Doanh nghiệp huy động tiền rồi không đầu tư như cam kết bị xử lý như thế nào?

Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị cho biết, nếu doanh nghiệp huy động trái phiếu của nhà đầu tư rồi không thực hiện đúng theo cam kết, hợp đồng thì sẽ bị xử phạt hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự.

Vụ Tân Hoàng Minh: Huy động vốn bằng trái phiếu là gì? - 2

Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp Trị.

Xử phạt hành chính

Nếu vi phạm quy định về công bố thông tin, đơn vị phát hành trái phiếu sẽ bị phạt hành chính theo quy định tại khoản 5, 5a, 5b và 6 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi điểm c khoản 33 Điều 11 Nghị định 128/2021/NĐ-CP về vi phạm quy định về công bố thông tin:

- Phạt tiền từ 100 - 200 triệu đồng: Công bố thông tin sai lệch.

- Phạt tiền từ 200 - 300 triệu đồng: Tạo dựng thông tin sai sự thật hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.

- Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán, văn phòng đại diện, lưu ký, bù trừ, thanh toán chứng khoán, giao dịch chứng khoán có thời hạn từ 01 - 03 tháng nếu tạo dựng thông tin sai sự thật/che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.

- Biện pháp khắc phục hậu quả: Hủy bỏ thông tin hoặc cải chính thông tin sai sự thật.

Chịu trách nhiệm hình sự

Nếu tính chất của hành vi vi phạm nặng hơn mức bị phạt hành chính, tổ chức phát hành trái phiếu còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán tại Điều 209 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017:

Hành vi phạm tội

Cá nhân

Pháp nhân thương mại

Cố ý công bố thông tin sai lệch/che giấu thông tin trong hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, kinh doanh chứng khoán... thuộc một trong các trường hợp:

- Gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 01 - dưới 03 tỷ đồng;

- Thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng - dưới 01 tỷ đồng;

- Đã bị xử phạt hành chính hoặc bị kết án mà chưa được xóa án tích và tiếp tục vi phạm.

- Bị phạt tiền từ 100 - 500 triệu đồng

- Phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc từ 03 tháng - 02 năm

Phạt tiền từ 500 triệu đồng - 02 tỷ đồng

Phạm tội có tổ chức, tái phạm nguy hiểm, gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 03 tỷ đồng trở lên; tái phạm nguy hiểm.

- Phạt tiền từ 500 triệu đồng - 02 tỷ đồng hoặc

- Phạt tù từ 01 - 05 năm

Phạt tiền từ 02 - 05 tỷ đồng

Đồng thời, pháp nhân thương mại còn có thể bị cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 - 03 năm.

Hủy bỏ đợt chào bán trái phiếu, nhà đầu tư nhận lại tiền thế nào?

Khoản 3 Điều 28 Luật Chứng khoán năm 2019 quy định:

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày đợt chào bán chứng khoán ra công chúng bị hủy bỏ, tổ chức phát hành phải công bố việc hủy bỏ chào bán chứng khoán ra công chúng theo phương thức quy định tại khoản 3 Điều 25 của Luật này và phải thu hồi chứng khoán đã phát hành, đồng thời hoàn trả tiền cho nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đợt chào bán bị hủy bỏ. Hết thời hạn này, tổ chức phát hành phải bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư theo các điều khoản đã cam kết với nhà đầu tư.

- Với Hợp đồng đến hạn thanh toán: Sẽ hoàn trả tiền đầu tư của nhà đầu tư trong thời gian sớm nhất.

- Với Hợp đồng chưa đến hạn thanh toán: Khẩn trương phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, làm việc với doanh nghiệp phát hành, ngân hàng quản lý tài sản để xử lý và hoàn trả lại khách hàng theo đúng hướng dẫn, chỉ đạo của các cơ quan chức năng trên tinh thần thiện chí và tuân thủ quy định của pháp luật.

Trước sự phát triển bất thường của thị trường trái phiếu, đầu tháng 12/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký công điện yêu cầu Bộ Tài chính tiến hành thanh - kiểm tra việc phát hành, sử dụng vốn thu được từ trái phiếu doanh nghiệp (DN), nhất là trái phiếu riêng lẻ của các DN bất động sản, ngân hàng có liên quan tới DN bất động sản.

Trước đó, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng cũng liên tục khuyến cáo nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ rủi ro khi quyết định đầu tư trái phiếu DN. Đặc biệt, cần hết sức thận trọng khi quyết định mua trái phiếu của DN có tình hình tài chính kém, kinh doanh thua lỗ hay những doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã tiến hành đánh giá tình hình thị trường thời gian qua để xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu DN riêng lẻ. Trong đó có một số nội dung đáng chú ý như quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của DN phát hành trong việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu đúng mục đích; bổ sung quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với một số loại trái phiếu phát hành...