1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng tái cấu trúc, lập công ty tư vấn quản lý

Mai Chi

(Dân trí) - Tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã ký quyết định tái cấu trúc nội bộ và vừa mới thành lập một công ty con có tên là CTCP Kinh doanh Thương mại Sado có vốn điều lệ xấp xỉ 500 tỷ đồng.

Cổ phiếu VIC của Vingroup trong phiên đầu tuần mới (24/8) đã thể hiện là một mã đầu tàu, có tác động lan toả và kéo thị trường tăng mạnh.

Cụ thể, VIC tăng 2.900 đồng tương ứng 3,4% lên 89.000 đồng. Theo đó, chỉ riêng mã này đã đóng góp vào mức tăng chung của VN-Index tới 2,79 điểm.

Liên quan đến mã cổ phiếu này, mới đây, Hội đồng quản trị Vingroup đã ra quyết định tái cấu trúc nội bộ: chia tách doanh nghiệp đối với công ty con là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Đồng (mã chứng khoán là SDI).

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng tái cấu trúc, lập công ty tư vấn quản lý - 1

Theo quyết định này, Công ty Sài Đồng chuyển một phần cổ phần của các cổ đông hiện hữu cùng tài sản, quyền và nghĩa vụ tương ứng để thành lập một công ty con có tên là CTCP Kinh doanh Thương mại Sado có vốn điều lệ xấp xỉ 500 tỷ đồng. 

Sau chia tách, vốn điều lệ của Công ty Sài Đồng giảm từ 1.200 tỷ đồng xuống còn 700 tỷ đồng và Vingroup sở hữu 98% cổ phần của cả 2 công ty trên. 

Theo thông tin đăng ký của Sado thì doanh nghiệp này được thành lập chính thức vào ngày 19/8/2020, trụ sở tại Khu đô thị sinh thái Vinhomes Riverside, Long Biên, Hà Nội. Doanh nghiệp này hoạt động chính trong lĩnh vực tư vấn quản lý (không bao gồm tư vấn pháp luật, tài chính, kế toán, kiểm toán, thuế và chứng khoán).

Ngoài ra, doanh nghiệp này còn hoạt động dịch vụ đại lý, môi giới, đấu giá hàng hoá (trừ hoạt động đấu giá); dịch vụ hành chính văn phòng tổng hợp; quảng cáo; dịch vụ ăn uống…

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng tái cấu trúc, lập công ty tư vấn quản lý - 2

Thị trường chứng khoán đã có một phiên “bùng nổ” đầu tuần (đúng nghĩa cả về giá cổ phiếu và thanh khoản). Các chỉ số đồng loạt tăng, giao dịch sôi động trên cả 3 sàn.

VN-Index tăng 13,9 điểm tương ứng 1,63% lên 868,68 điểm trong khi HNX-Index cũng tăng 0,53 điểm tương ứng 0,43% lên 123,16 điểm. UPCoM-Index tăng 0,59 điểm tương ứng 1,02% lên 57,98 điểm.

Trên HSX, khối lượng giao dịch đạt 381,51 triệu cổ phiếu tương ứng quy mô dòng tiền đổ vào cổ phiếu đạt 6.646,03 tỷ đồng. Con số này trên HNX là 47,97 triệu cổ phiếu tương ứng 592,12 tỷ đồng và trên UPCoM là 26,24 triệu cổ phiếu tương ứng 372,74 tỷ đồng.

Với số lượng mã “chết” thanh khoản thu hẹp còn 777 mã thì bức tranh thị trường cũng được bao trùm sắc xanh. Cụ thể, thống kê cho thấy có đến 610 mã tăng giá, 80 mã tăng trần trên toàn thị trường phiên đầu tuần, gấp 3 lần so với số mã giảm là 202 mã và 33 mã giảm sàn.

Đáng chú ý là trong phiên này, nhóm cổ phiếu bluechips đã phát huy được vai trò dẫn dắt. Bằng chứng là với 28 mã tăng và không mã nào giảm, chỉ số VN30-Index ghi nhận mức tăng 16,09 điểm tương ứng 2,03% lên 809,69 điểm. Biên độ tăng của nhóm chỉ số này rộng hơn so với biên độ tăng của VN-Index.

Bên cạnh VIC thì trong phiên này một loạt mã lớn khác cũng đang tăng giá mạnh. MSN tăng 1,9%; SAB tăng 1,9%; BID tăng 1,8%; HPG tăng 1,8%; VRE tăng 1,5%; GAS tăng 1,4%; VCB tăng 1,2%. VNM và VHM cũng lần lượt tăng 0,8% và 0,6%, có tác động tích cực lên chỉ số.

Đáng chú ý, trong phiên còn chứng kiến loạt cổ phiếu nhỏ khác được giao dịch sôi động và tăng giá mạnh. HQC tăng trần, khớp lệnh đạt 17,47 triệu cổ phiếu; DGC, DRH, TDH cũng được khớp từ hơn 4 triệu đến gần 5 triệu cổ phiếu và đều đang tăng trần; MBG tăng trần, khớp lệnh đạt hơn 2,6 triệu đơn vị.

Các chuyên gia tại Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, với một ngày tăng điểm mạnh cùng với thanh khoản của thị trường được đẩy lên cao cho thấy dấu hiệu bứt phá ra khỏi vùng “sideway” (đi ngang) trước đó rất tích cực.

Dấu hiệu này biểu hiện thị trường chứng khoán vẫn đang duy trì đà tăng trưởng và đồng đều hơn. Xu hướng đã rõ nét hơn nên các nhà đầu tư có thể gia tăng tỉ trọng cổ phiếu để thực hiện hóa lợi nhuận của mình.