Tỷ phú Phạm Nhật Vượng sắp "chơi lớn" với VinFast

Mai Chi

(Dân trí) - Chịu ảnh hưởng bởi tình hình giãn cách trong quý III, doanh thu, lợi nhuận của Vingroup đều sụt giảm. Tuy nhiên, ô tô VinFast vẫn bán "khỏe", chuẩn bị ra mắt xe điện ở nước ngoài.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng sắp chơi lớn với VinFast - 1

Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng chịu tác động chung của tình hình giãn cách xã hội do Covid-19 (Ảnh: Vingroup/Forbes).

Suy giảm doanh thu, lợi nhuận; lĩnh vực sản xuất đón tin vui

Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán: VIC) vừa công bố báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý III với các chỉ tiêu hầu hết đều sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, tổng doanh thu thuần hợp nhất trong kỳ đạt 30.112 tỷ đồng, giảm 16,2%. Lợi nhuận trước thuế đạt 3.315 tỷ đồng, giảm 8,1% so với quý III/2020.

Tuy nhiên, điểm sáng là ở lĩnh vực công nghiệp, VinFast vẫn đang tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu tại Việt Nam cũng như tăng tốc chiến lược mở rộng ra các thị trường nước ngoài.

Hãng xe này tiếp tục dẫn đầu ở cả 3 phân khúc xe ô tô và phân khúc xe máy điện trong nước. Riêng Fadil tiếp tục đạt doanh số ấn tượng với hơn 6.000 xe được bán ra trong quý III, lũy kế từ đầu năm có 17.668 xe được bán ra và trở thành mẫu xe bán chạy nhất thị trường.

VinFast cũng khẳng định vị thế tiên phong trong lĩnh vực xe điện khi chính thức ra mắt mẫu xe điện VF e34. Song song với đó, Vingroup đang tiếp tục triển khai lắp đặt các trạm sạc trên khắp cả nước.

Tính đến hết quý III, hơn 10.000 trạm sạc trên 62/63 tỉnh thành đã được hoàn thành, hướng đến mục tiêu hoàn thành 40.000 cổng sạc trên khắp cả nước vào cuối năm 2021. Đây sẽ là tiền đề cho việc đưa các phương tiện chạy điện vào sử dụng rộng rãi trên toàn quốc. 

Với thị trường quốc tế, VinFast đang tích cực chuẩn bị cho sự kiện ra mắt 2 mẫu xe điện VF e35 và VF e36 tại Los Angeles Auto Show 2021 vào tháng 11 tới, sẵn sàng mở bán tại thị trường toàn cầu vào năm 2022.

Cũng theo Vingroup, trong lĩnh vực y tế, tập đoàn này đã nhập về 1,7 triệu lọ Remdesivir và hơn 4 triệu viên Molnupiravir để điều trị Covid-19 và tiến hành chuyển giao cho Bộ Y Tế.

Tháng 8, VinBiocare, một công ty con của Tập đoàn Vingroup, tiếp nhận chuyển giao độc quyền công nghệ sản xuất vaccine mRNA phòng Covid-19 và dự kiến sẽ xuất xưởng những lô vaccine đầu tiên vào đầu từ năm 2022.

Tại ngày 30/9, tổng tài sản Vingroup đạt 433.603 tỷ đồng, tăng 2,6% so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu đạt 164.297 tỷ đồng, tăng 20,9% so với đầu năm, chủ yếu nhờ tăng lợi nhuận trong kỳ.

Vinhome giảm 22%, Vincom Retail sụt mạnh 55% doanh thu quý III

Trước đó, Vinhomes và Vincom Retail cũng đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III. Theo đó, trong quý vừa rồi, Vinhomes đạt tổng doanh thu thuần hợp nhất 20.679 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế lại đạt 13.812 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất sau thuế thuộc về công ty mẹ đạt 11.167 tỷ đồng, đều tăng trưởng 84% so với cùng kỳ năm 2020.

Vinhomes cho biết, lợi nhuận doanh nghiệp tăng chủ yếu từ việc bàn giao nhiều căn hộ thấp tầng với biên lợi nhuận cao hơn. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) trong quý III đạt 2.586 đồng.

Tại thời điểm 30/9, tổng tài sản Vinhomes đạt 219.639 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 119.542 tỷ đồng, tăng tương ứng ở mức 4% và 34% so với đầu năm.

Về phía Vincom Retail, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này chịu nhiều tác động từ đợt giãn cách xã hội kéo dài nhất từ trước đến nay.

Tổng doanh thu thuần hợp nhất đạt 787 tỷ đồng, giảm 55% so với quý III/2020. Trong đó, doanh thu cho thuê bất động sản đầu tư và cung cấp các dịch vụ liên quan đạt 728 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ năm 2020; doanh thu chuyển nhượng bất động sản đạt 20 tỷ đồng, giảm 81% so với cùng kỳ năm trước.

Kết thúc quý III, lợi nhuận sau thuế của Vincom Retail đạt 24 tỷ đồng, tương đương 4,2% cùng kỳ năm 2020.

Tính tới ngày 30/9, Vincom Retail đang vận hành 80 trung tâm thương mại với tổng diện tích sàn bán lẻ đạt 1,7 triệu m2 tại 43 tỉnh và thành phố trên toàn quốc.