Tỷ phú Phạm Nhật Vượng khiến dân Việt "nức lòng", cổ phiếu tăng giá
(Dân trí) - Giá cổ phiếu VIC của Vingroup đã diễn biến tích cực trong sáng nay sau khi tập đoàn này công bố thông tin ra mắt Quỹ VinFuture - một trong những giải thưởng thường niên có giá trị lớn nhất thế giới.
Tiền vẫn đổ mạnh vào mua cổ phiếu
Nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán dường như vẫn đang trong "cơn say" kiếm lời. Dòng tiền tiếp tục chảy mạnh vào thị trường mua cổ phiếu với tổng giá trị vượt 10.000 tỷ đồng
Trong đó, giá trị giao dịch trên HSX là 8.896,9 tỷ đồng, khối lượng giao dịch đạt 454,58 triệu cổ phiếu. HNX có 82,08 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 1.024,84 tỷ đồng và con số này trên UPCoM là 35,21 triệu cổ phiếu tương ứng 420,74 tỷ đồng.
VN-Index tăng 5,88 điểm tương ứng 0,55% lên 1073,34 điểm HNX-Index cũng tăng 0,91 điểm tương ứng 0,51% lên 177,93 điểm và UPCoM-Index tăng 0,23 điểm tương ứng 0,32% lên 71,17 điểm.
Cổ phiếu VIC của Vingroup sáng nay tăng 0,86% lên 105.600 đồng sau 4 phiên liên tục không tăng giá.
Thị giá của VIC diễn biến tích cực sau khi tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng công bố ra mắt Quỹ VinFuture để tổ chức giải thưởng khoa học và công nghệ quốc tế đầu tiên do người Việt Nam khởi xướng và là một trong những giải thưởng thường niên có giá trị lớn nhất thế giới.
Người sáng lập Giải thưởng VinFuture là ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup và phu nhân là bà Phạm Thu Hương.
Đáng chú ý, trong cơ cấu, hàng năm giải thưởng VinFuture có 1 giải thưởng chính và 3 giải Đặc biệt, với tổng trị giá 104,5 tỷ đồng (tương đương 4,5 triệu USD).
Vingroup là một trong những doanh nghiệp hoạt động rất tích cực trong hoạt động vì cộng đồng. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3 của tập đoàn này, trong kỳ, tập đoàn này có khoản chuyển tiền tài trợ cho Quỹ Thiện Tâm lên tới 2.309,3 tỷ đồng; chi phí tài trợ 738 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, mặc dù VIC đã mất "ngôi vương" về quy mô vốn hóa về tay VCB, song mã này vẫn trong top dẫn đầu với giá trị vốn hóa đạt 357.185 tỷ đồng.
Cổ phiếu các công ty chứng khoán thay phiên nhau tăng trần
Trên quy mô toàn thị trường, số lượng mã tăng giá vẫn chiếm ưu thế với 450 mã tăng giá, 69 mã tăng trần so với 289 mã giảm, 10 mã giảm sàn.
Cổ phiếu VN30 vẫn hút dòng tiền và đóng vai trò dẫn dắt thị trường dù chỉ có 15 mã trong số này tăng giá. VN30-Index tạm đóng cửa với mức tăng 7,16 điểm tương ứng 0,69% lên 1043,81 điểm.
Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn cần chú ý bởi các chỉ số đều đang chịu áp lực chốt lời tương đối mạnh và đang có xu hướng thu hẹp đà tăng kể từ khoảng 11 giờ.
Trong rổ VN30 sáng nay, EIB gây bất ngờ khi bứt phá tăng trần lên 18.400 đồng, không hề còn dư bán và dư mua giá trần.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng có diễn biến tương đối khả quan. HDB tăng 3,8%; VPB tăng 2,4%; TPB tăng 6,2%; SHB tăng 2,3%; BVB tăng 2,2%; LPB tăng 1,7%.
Tương tự, cổ phiếu các công ty chứng khoán tiếp tục hưởng lợi trong bối cảnh thanh khoản thị trường liên tục duy trì mức cao với giao dịch sôi động. VND tăng trần lên 25.800 đồng; SSI tăng 6% lên 28.400 đồng; HCM tăng 2,7% lên 30.000 đồng; VCI tăng 5,2% lên 49.400 đồng; HSH tăng 6,9% lên 18.500 đồng; MBS tăng 7,1% lên 15.000 đồng; CTS tăng 5,6% lên 12.300 đồng; BSI tăng 6,4% lên 12.550 đồng.
Đáng chú ý, SBS tăng trần lên 4.000 đồng với biên độ tăng 14,3%. Mã này không hề có dư bán trong khi vẫn còn dư mua giá trần lên tới 1,25 triệu đơn vị.
GVR vẫn đang chứng tỏ mình là "siêu cổ phiếu" với diễn biến tăng trần trong sáng nay lên 27.100 đồng. Ở mã này không hề có dư bán trong khi vẫn còn dư mua giá trần.
HDC cũng tăng trần lên 36.850 đồng, không có dư bán. QCG tăng trần lên 7.430 đồng, không còn dư bán. KBC có lúc tăng trần lên 19.000 đồng nhưng sau đó, biên độ tăng được rút lại.
Ở chiều ngược lại, một số mã đã bị chốt lời đáng kể. GTN giảm 2,1%; VCB giảm 1,5%; HSG giảm 1,4%; HAG giảm 1%; HNG giảm 2,7%; SAB giảm 0,9%; MSN giảm nhẹ 0,1%.