Tỷ lệ thua lỗ, phá sản của doanh nghiệp tư nhân lên tới 45%

(Dân trí) - Tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân thua lỗ, phá sản còn cao, bình quân 45% giai đoạn 2007-2015 – đây là một trong những thực tế cho thấy nội lực của khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam còn yếu.

Số lượng tăng nhanh, tăng trưởng chậm lại

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân (KTTN) trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước lần thứ nhất diễn ra sáng nay (26/4), ông Nguyễn Văn Bình – Trưởng Ban kinh tế Trung ương đánh giá, thời gian qua, KTTN ngày càng đóng góp lớn hơn cho tăng trưởng và chuyển dịch kinh tế, thu ngân sách, tạo công ăn việc làm, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển…

Theo ông Nguyễn Văn Bình, cần thống nhất quan điểm: Kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể cùng với KTTN là nòng cốt để phát triển một nền kinh tế độc lập, tự chủ
Theo ông Nguyễn Văn Bình, cần thống nhất quan điểm: Kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể cùng với KTTN là nòng cốt để phát triển một nền kinh tế độc lập, tự chủ

Cụ thể, tỷ trọng đóng góp GDP của KTTN luôn lớn nhất so với các thành phần kinh tế khác và duy trì ổn định ở mức 39-40%. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của khối này giai đoạn 2003-2015 là 10,2%/năm.

Số lượng các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) ngày càng tăng mạnh, từ 55.236 DN năm 2002 lên 495.826 DN năm 2015 với nhiều loại hình đa dạng. Trong đó, số hộ kinh doanh phi nông nghiệp tăng nhanh từ 2,6 triệu hộ lên 4,6 triệu hộ trong cùng thời kỳ.

Tổng doanh thu của DNTN từ năm 2007 đến năm 2015 cũng đã tăng mạnh 4,4 lần, từ 3,5 triệu tỷ đồng năm 2007 lên 15,5 triệu tỷ đồng năm 2015. Hiện nay, khu vực KTTN đã tạo việc làm cho trên 85% lao động đang làm việc của nền kinh tế.

Tuy vậy, theo ông Nguyễn Văn Bình, nếu thẳng thắn nhìn nhận và đánh giá thì cho đến nay, KTTN vẫn chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Nội lực của KTTN vẫn còn yếu, chủ yếu là kinh tế hộ gia đình, có thể chiếm tới 31,33% GDP trong khi các thành phần khác của KTTN chỉ chiếm 7,88% GDP năm 2015.

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng khu vực này có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Nếu giai đoạn 2003-2010 là 11,93%/năm thì giai đoạn 2011-2015 là 7,54%.

Đáng chú ý là có đến 97% DNTN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, trình độ công nghệ thấp và chậm đổi mới, năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh còn thấp; trình độ quản trị, tính liên kết yếu, khả năng tham gia chuỗi giá trị trong nước và quốc tế còn thấp.

Ông Bình cũng cho biết, tỷ lệ DNTN thua lỗ, phá sản còn khá cao, bình quân giai đoạn 2007-2015 là 45%. Cơ cấu ngành nghề còn nhiều bất cấp, có đến 81% tập trung vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ, trong khi chỉ có 1% đầu tư vào nông nghiệp, số lượng DNTN trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo còn rất nhỏ.

Chưa kể, tình trạng vi phạm pháp luật và cạnh tranh không lành mạnh, sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, gian lận thương mại của KTTN diễn ra ngày càng tăng, mức độ ngày càng nghiêm trọng, phức tạp hơn.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn Kinh tế tư nhân sáng 26/4
Các đại biểu tham dự Diễn đàn Kinh tế tư nhân sáng 26/4

Sắp ban hành Nghị quyết về phát triển KTTN

Điểm qua nguyên nhân của những hạn chế nói trên, ông Bình cho rằng, có nguyên nhân thể chế về phát triển DN, doanh nhân còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân là xuất phát điểm phát triển và năng lực nội tại của KTTN còn thấp, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận doanh nhân tư nhân còn chưa cao.

Một thông tin quan trọng là tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII họp vào đầu tháng 5/2017 sắp tới sẽ tạo ra bước phát triển mới cho KTTN Việt Nam với việc ban hành Nghị quyết về phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN, hướng đến mục tiêu tổng quát: “KTTN thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN…”.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, trong thời gian tới, phát triển KTTN là yêu cầu tất yếu, khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài trong quá trình hoàn thành thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Trong đó, phát huy thế mạnh và tiềm năng to lớn của KTTN phải đi đôi với khắc phục triệt để những mặt trái phát sinh trong quá trình phát triển KTTN. Cần thống nhất quan điểm: Kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể cùng với KTTN là nòng cốt để phát triển một nền kinh tế độc lập, tự chủ. Coi phát triển KTTN lành mạnh theo cơ chế thị trường là một phương sách quan trọng để huy động và phân bổ các nguồn lực và giải phóng sức sản xuất. Tạo điều kiện thuận lợi đền KTTN phát triển ở tất cả các lĩnh vực mà pháp luật không cấm.

Đồng thời, ông Nguyễn Văn Bình cũng đề nghị cần chăm lo phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng vững mạnh, có ý thức chấp hành pháp luật, có trách nhiệm với xã hội và kỹ năng lãnh đạo, quản trị cao.

Bích Diệp