Tỷ giá USD/VND "quay đầu" giảm sâu
(Dân trí) - Chiều nay 12/5, giá USD tại các ngân hàng thương mại tiếp tục điều chỉnh và giảm về mức thấp nhất trong 1 tháng qua. Trong khi đó, tỷ giá trung tâm cũng "quay đầu" giảm nhẹ, sau 4 phiên được điều chỉnh tăng liên tiếp.
Chiều nay 12/5, giá USD tại ngân hàng Vietcombank niêm yết giao dịch ở mức 22.655 VND (mua vào) - 22.725 VND (bán ra), giảm tiếp mỗi chiều 10 VND so với sáng nay và giảm 20 VND so với hôm qua.
Trong khi đó, BIDV và VietinBank cùng giảm tiếp mỗi chiều 20 VND so với phiên sáng và giảm 35 VND so với hôm qua, xuống còn 22.650 VND - 22.720 VND. Phiên sáng nay, giá USD tại 2 ngân hàng này giao dịch ở mức 22.670 VND - 22.740 VND.
Tại Eximbank, giá USD hiện giao dịch ở mức 22.630 VND - 22.730 VND, tức giảm 30 VND chiều mua vào và giảm 10 VND chiều bán ra so với sáng nay.
Sau 13 lần điều chỉnh từ sáng đến nay, giá USD giao dịch tại Ngân hàng ACB còn mức 22.650 VND - 22.720 VND, tức giảm 20 VND so với hôm qua...
Với các mức giảm trên, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại đang ở mức thấp nhất trong 1 tháng qua.
Hôm nay, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD là 22.375 đồng, giảm 2 đồng so với sáng qua.
Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng hôm nay là 23.046 VND/USD và tỷ giá sàn là 21.704 VND/USD.
Báo cáo kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia lấy dữ liệu tính đến 20/4 cho thấy, tỷ giá ngân hàng thương mại (NHTM) quanh mức 22.740 VND/USD, giảm 0,12 % so với đầu năm, tỷ giá thị trường tự do giảm 1,52% so với đầu năm và hiện bám khá sát với tỷ giá của các NHTM.
Trong khi đó, tỷ giá trung tâm đã điều chỉnh tăng 0,77%. "Điều này cho thấy Ngân hàng Nhà nước đã có động thái điều chỉnh tỷ giá theo từng bước nhằm tránh những cú sốc về chính sách tỷ giá trong thời gian tới", Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia bình luận.
Dự báo trong năm 2017, cơ quan này cho biết, tỷ giá chịu áp lực lớn nhất từ phía cầu ngoại tệ do sức ép nhập siêu gia tăng (dự báo cán cân thương mại có thể thâm hụt ở mức tương đương 3,5% tổng kim ngạch xuất khẩu). Tuy nhiên, nguồn cung ngoại tệ và yếu tố quốc tế tiếp tục hỗ trợ làm giảm áp lực lên tỷ giá. Cụ thể: nguồn cung ngoại tệ dồi dào đến từ nguồn vốn FII (mua bán sát nhập) và FDI tăng mạnh11; chỉ số Bloomberg Dollar Index nhiều phiên giảm liên tiếp, giảm áp lực đáng kể lên tỷ giá VND/USD. Việc Fed tăng lãi suất trong ngắn hạn cũng chưa gây áp lực đối với tỷ giá do hiện nay chênh lệch giữa lãi suất VND và USD vẫn nghiêng về việc nắm giữ VND (hiện đang ở mức 5,2%).
Về dài hạn, với lộ trình tăng lãi suất thêm nhiều lần của Fed trong các năm tiếp theo với mục tiêu nâng lên mức 3% vào cuối năm 2019, tỷ giá có thể sẽ chịu áp lực lớn hơn. Đặc biệt là xu hướng mất giá mạnh của đồng NDT sẽ tác động lớn đến kinh tế Việt Nam do thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc đang có xu hướng tăng, từ mức 23,7 tỷ USD trong năm 2013 lên mức 28 tỷ USD trong năm 2016.
Nếu so với GDP, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc là 14%, cao hơn nhiều mức 2% thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc.
An Hạ