Tỷ giá trong tăng, ngoài giảm
Trái ngược với chiều hướng trên thị trường liên ngân hàng và các ngân hàng thương mại, tỷ giá trên thị trường tự do lại giảm nhẹ.
Đồng USD được giao dịch ngoài thị trường tự do vào chiều 13/10 với giá 18.230 - 18.300 VND/USD (mua - bán). Còn tỷ giá liên ngân hàng do NHNN công bố ngày 13/10 là 17.003 VND/USD, trong khi cuối tháng 9/2009 chỉ ở mức 16.991 VND/USD. Tỷ giá hối đoái niêm yết tại các NHTM cũng luôn được niêm yết đụng trần, đạt mức 17.853 VND/USD (cả mua vào và bán ra).
Sở dĩ có hiện tượng trên theo lý giải của các nhà lãnh đạo ngành ngân hàng, một phần do tâm lý của DN xuất khẩu đã được giải tỏa. Còn nhà nhập khẩu đã không tìm mọi cách để mua USD trên thị trường chợ đen, thay vào đó là mượn vốn bằng ngoại tệ của ngân hàng để thanh toán cho các hợp đồng nhập khẩu đến hạn.
Ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc NHNN - Chi nhánh TPHCM cũng đưa ra nhận định, chính tâm lý của các nhà xuất khẩu kỳ vọng tỷ giá còn tăng và lượng ngoại tệ được duy trì trên tài khoản đã góp phần đẩy đồng USD trên thị trường tự do đi lên trước đó. Đến nay, tâm lý của DN phần nào được giải tỏa và vốn hỗ trợ lãi suất VND ngắn hạn sắp đến thời hạn kết thúc, do đó các nhà xuất khẩu đã bán ngoại tệ.
Còn với nhà nhập khẩu, xu hướng vay vốn bằng USD đang dần đẩy tỷ lệ dư nợ ngoại tệ của các ngân hàng gia tăng. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, Phó tổng giám đốc thường trực Ngân hàng Đông Á (DongA Bank), tính đến nay dư nợ cho vay bằng USD của DongA Bank đạt trên 181 triệu USD, tăng khá so với đầu năm.
Tuy nhiên, bà Vân cho biết, do cung chưa thể đáp ứng đủ cầu nên Ngân hàng chỉ lựa chọn những DN nhập khẩu thường xuyên có quan hệ tín dụng để cho vay vốn bằng USD.
Cũng theo đánh giá của bà Vân, so với 7 tháng đầu năm, hiện tình trạng "găm" ngoại tệ của các nhà xuất khẩu đã giảm, song lượng ngoại tệ vào ngân hàng vẫn khan hiếm.
Đây cũng là một trong những lý do được một cán bộ cấp cao ngành ngân hàng giải thích cho việc vì sao tỷ giá niêm yết trên thị trường liên ngân hàng do NHNN công bố nhích dần trong thời gian gần đây. Tỷ giá niêm yết trên thị trường liên ngân hàng tăng, các NHTM có thêm điều kiện để nâng tỷ giá niêm yết cao hơn trước, nhằm "hút" được nguồn ngoại tệ.
Như vậy, các ngân hàng sẽ có nguồn để đáp ứng cầu của nhà nhập khẩu, nhất là trong giai đoạn từ nay đến cuối năm 2009 khi lượng hàng phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán sẽ cao hơn các tháng đầu năm.
Tính thanh khoản của thị trường ngoại hối đã được cải thiện. Nhiều NHTM đã mua được ngoại tệ từ khách hàng, đặc biệt là các DN xuất khẩu, giúp cho trạng thái ngoại tệ của hệ thống NHTM được cải thiện. Song tổng giám đốc một ngân hàng tại TP. HCM cho biết, do nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của DN thường tăng trong quý IV nên cung ngoại tệ vẫn khó đáp ứng cầu.
Để tránh rủi ro biến động tỷ giá 7 tháng đầu năm, các DN chỉ chọn vay tiền đồng, sau đó tìm cách mua ngoại tệ, bất chấp tỷ giá hối đoái trên thị trường tự do tăng. Chính điều này đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của các DN chuyên nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa ở nước ngoài tiêu thụ trên thị trường nội địa.
Đơn cử như CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên tại Đồng Nai cho biết, 9 tháng đầu năm 2009 chi phí chênh lệch tỷ giá của Công ty đã lên đến 60 tỷ đồng. Đến nay, DN nhập khẩu đã tìm đến vốn vay bằng USD, song theo khuyến cáo của đại diện một ngân hàng, rủi ro tỷ giá vẫn là một trong những yếu tố cần được cân nhắc và tính toán kỹ.
Hiện đường cong lãi suất huy động và cho vay bằng USD đang được các ngân hàng điều chỉnh tăng dần từ 0,5 - 1%/năm (đối với huy động) so với 7 tháng đầu năm 2009 và đang áp dụng mức lãi suất cho vay phổ biến ở mức 3,5 - 7,5%/năm, không còn trần cao nhất là 3%/năm như đồng thuận của các ngân hàng hồi đầu tháng 6/2009.
Theo Vân Linh
Đầu tư Chứng khoán