Tùy biến điều chỉnh liệu có kìm được "cơn điên" của giá xăng?

Văn Hưng

(Dân trí) - Bộ Tài chính cho rằng chu kỳ điều hành giá xăng dầu 10 ngày/lần là phù hợp và giúp giá trong nước phản ánh sát với giá xăng dầu trên thị trường thế giới.

Trả lời báo chí về kiến nghị linh hoạt điều hành để ghìm cương giá xăng dầu, Bộ Tài chính cho biết bước sang năm 2022, chu kỳ điều hành đã giảm xuống chỉ còn 10 ngày (trước đây là 15 ngày).

Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu cho phù hợp.

Bộ Tài chính nhìn nhận thời gian điều hành giá vào các ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng như hiện tại là phù hợp với thực tế mua bán xăng dầu của đa số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và giúp giá trong nước phản ánh sát với giá xăng dầu trên thị trường thế giới. Đồng thời, góp phần đảm bảo được tính công khai, minh bạch trong công tác điều hành giá.

Tùy biến điều chỉnh liệu có kìm được cơn điên của giá xăng? - 1

(Biểu đồ: Văn Hưng).

Trong khi đó, đối với kiến nghị điều chỉnh chi phí kinh doanh định mức trong giá cơ sở xăng dầu, Bộ Tài chính thông tin mức chi phí kinh doanh định mức hiện nay đối với xăng RON 95 và E5 RON 92 lần lượt là 1.050 đồng/lít và 1.250 đồng/lít.

Việc rà soát, đánh giá điều chỉnh chi phí trong kinh doanh xăng dầu đã và đang được cơ quan này rà soát hàng năm theo quy định và cần phải dựa trên báo cáo chuyên đề chi phí kinh doanh được kiểm toán gửi về Bộ Tài chính (kỳ báo cáo chậm nhất là ngày 31/3 hàng năm).

Bộ Tài chính nhìn nhận với xu hướng giá thế giới tăng cao, việc tăng chi phí kinh doanh định mức trong giá cơ sở sẽ tác động thêm làm tăng giá xăng dầu trong nước và qua đó tác động đến người tiêu dùng.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) đã có công văn đề nghị các thương nhân đầu mối báo cáo chi phí kinh doanh theo quy định (gửi về trước 31/3), trên cơ sở đó sẽ tổng hợp, rà soát và đánh giá.

Theo Bộ Công Thương, giá xăng dầu thế giới vừa qua tăng mạnh, trong khi nguồn cung khan hiếm do ảnh hưởng của các yếu tố chính như căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine; bất ổn chính trị tại một số nước. Bên cạnh đó, lạm phát tăng cao tại nhiều nước lớn như Mỹ, Trung Quốc… cũng tác động đến giá xăng dầu thế giới. Và việc giá xăng dầu thành phẩm thế giới tăng cao đã tác động khiến giá xăng dầu trong nước lập đỉnh lịch sử.

Mới đây, Bộ Công Thương đã đề nghị Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu, trong đó có các loại thuế, nhất là thuế bảo vệ môi trường.

Về phần mình, Bộ Tài chính cho biết đã có văn bản báo cáo Thủ tướng về chính sách thuế đối với mặt hàng xăng dầu, đồng thời xây dựng đề cương về việc điều chỉnh Luật Thuế bảo vệ môi trường sao cho phù hợp. Hiện nay, các sắc thuế áp dụng đối với mặt hàng xăng dầu bao gồm thuế nhập khẩu (đối với xăng dầu nhập khẩu), thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt (đối với xăng) và thuế bảo vệ môi trường.