Tưởng mua được Đào Thất thốn giá rẻ, người Việt ngán ngẩm

Anh Hùng chi 5 triệu đồng mua cây đào mini được người bán giới thiệu là đào Thất thốn, nhưng thực chất đây là đào ghép cành từ Trung Quốc.

Cố chơi sang để nhận thất vọng

Vừa mới mua được căn chung cư tại TP. Hà Nội nên ngày 26/1/2019, anh Nguyễn Văn Hùng (33 tuổi, quê Hà Nam) quyết định bỏ tiền ra chợ hoa mua cây đào mini cao khoảng 45cm với giá 5 triệu đồng để trưng bày trong căn hộ mới cho sang.

Khi tìm hiểu mua, anh Hùng được người bán giới thiệu đây là loại đào Thất thốn nổi tiếng ở Nhật Tân, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội. Đây là loại đào quý, ngày xưa thường được đem vào cung tiến vua trong dịp Tết Nguyên đán. Đặc điểm của loại đào này là cành mập mạp, hoa đỏ tươi, bông to và đều. Sau khi chơi xong dịp Tết, người chủ có thể trồng lại để năm sau chơi tiếp.

Với vốn hiểu biết ít ỏi của mình về loại đào này, cũng từng nghe được nhiều thông tin một cây đào Thất thốn thường có giá lên tới hàng chục triệu đồng nên anh Hùng nghĩ rằng mình đã mua được cây đào Thất thốn với giá hời nên không ngần ngại, quyết chi tiền sở hữu.

Tưởng mua được Đào Thất thốn giá rẻ, người Việt ngán ngẩm - 1

Những cây đào có xuất xứ từ Trung Quốc khiến nhiều người Việt Nam tưởng nhầm là đào Thất thốn.

"Mua nhà gần 2 tỷ đồng thì vợ chồng mình vay ngân hàng mất gần 1 nửa. Nghĩ rằng đằng nào cũng nợ nhiều rồi nên nợ chút nữa cũng chẳng sao, miễn là năm đầu tiên ở nhà mới phải trang hoàng cho sang trọng nên cố mua cây đào quý về chơi" - anh Hùng chia sẻ.

Nhưng khi vừa mua về, anh Hùng được một người bạn quả quyết cây đào Thất thốn anh mua sự thật là đào có xuất xứ từ Trung Quốc, không thể trồng lại được sau dịp Tết bởi cây được chăm bằng các loại thuốc hóa học, kích cho ra hoa đúng dịp rồi sau đó tự bỏ cành, lụi dần.

Cũng giống như anh Hùng, gia đình anh Phạm Trường Giang ở Phùng Khoang, Q. Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội cũng cảm thấy thất vọng khi biết được cây đào gia đình mới mua về có giá 4,5 triệu đồng thực chất là đào Trung Quốc chứ không phải đào Thất thốn như người bán hàng quảng cáo.

"Nhìn bề ngoài, cây này có nhiều đặc điểm giống đào Thất thốn như hoa to, màu đẹp, càng mập mạp, gốc xù xì Nếu không được một người bạn sống ở đất Thất thốn, Nhật Tân chỉ cho thì tôi cũng không nhận ra được đó là giống đào ghép từ Trung Quốc. Cứ tưởng mua được cây đào quý với giá rẻ nhưng ai ngờ..." - anh Giang thất vọng, thở dài.

Thất thốn làm gì có nhiều đào thế?

Theo tìm hiểu của PV, đào Trung Quốc đội lốt đào Thất thốn đang bán ngoài thị trường cũng có nhiều loại được phân thành 3 cấp khác nhau. Giá mỗi loại giao động trong khoảng từ 2 - 7 triệu đồng.

Từ lời giới thiệu của anh Giang, Đất Việt tiếp xúc được với ông Trần Văn Đức - một người trồng đào, quất lâu năm ở Nhật Tân. Ông Đức khẳng định: "Thất thốn giờ còn nhiều đào đâu mà bày bán tràn lan thế, đó tất cả là hàng từ Trung Quốc chuyển về. Nếu không phải là người trồng đào lâu năm thì cũng khó có thể phân biệt được đào Trung Quốc với đào Thất thốn, nên nhiều người Việt bị lừa là đương nhiên".

Ông Đức cho biết, giống đào đội lốt Thất thốn bán tràn lan chợ Tết hiện nay là giống đào Nữ nhi hồng, ở Côn Minh - Trung Quốc. Những cây đào này thường được ghép cành, chăm sóc bằng các loại thuốc kích thích để khỏe và ra hoa đúng dịp Tết.

"Đào Thất thốn không có gốc thẳng tuột, nhẵn như đào Nữ nhi hồng mà thường xù xì, đường cao mềm mại. Cành của đào Thất thốn cũng vì thế mà như gỗ mục chứ không có màu xám trắng. Giống đào Thất thốn bây giờ rất hiếm, cây nào còn cũng phải có tuổi đời cả chục năm nên không thể có dáng mini.

Có thể những cây đào đang bán ngoài chợ Tết được ghép mắt từ đào Thất thốn để có cành, mặt hoa, màu sắc tương tự như loại đào quý của Việt Nam nhưng cánh không dày, không nhiều lớp, không đều, tròn. Đặc biệt, đào Trung Quốc không sống được lâu, khó có thể trồng để chơi tiếp những năm sau" - ông Đức nói.

Cách nhận biết dễ và chính xác nhất giữa đào Thất thốn và đào Trung Quốc được ông Đức hướng dẫn, chỉ cần cạo nhẹ lớp vỏ cành của cây. Nếu là đào Trung Quốc thì thường có màu trắng, còn đào Thất thốn thật thì thường có màu mận chín.

Theo Tiểu Khanh
Đất Việt

bannerchan-bai.gif