Từ vụ diễn viên Ngọc Lan, nhìn về quy trình đào tạo tư vấn viên bảo hiểm

Mộc An

(Dân trí) - Hợp đồng, chất lượng của tư vấn viên là 2 trong số những vấn đề được dư luận quan tâm trong vụ diễn viên Ngọc Lan khóc vì bảo hiểm. Quy trình đào tạo tư vấn viên của các doanh nghiệp bảo hiểm ra sao?

Chỉ trong vài ngày, vụ việc diễn viên Ngọc Lan livestream khóc lóc lo lắng mất tiền tỷ khi mua bảo hiểm nhân thọ khiến nhiều người quan tâm. Điều được dư luận chú ý nhất đang là vấn đề về hợp đồng bảo hiểm cũng như chất lượng của đội ngũ tư vấn viên của các công ty bảo hiểm.

 Các công ty bảo hiểm tuyển dụng tư vấn viên thường không yêu cầu về kinh nghiệm. Có công ty sẽ ưu tiên sinh viên năm cuối, mới ra trường. Thông tin tuyển dụng của một công ty bảo hiểm trên thị trường cho biết với những người chưa có kinh nghiệm sẽ được đào tạo đầy đủ, hưởng mức hoa hồng lên tới 40%. Ví dụ, khách ký hợp đồng đóng phí 700 triệu đồng/năm như diễn viên Ngọc Lan thì số tiền được hưởng của tư vấn viên có thể lên tới 280 triệu đồng. 

Từ vụ diễn viên Ngọc Lan, nhìn về quy trình đào tạo tư vấn viên bảo hiểm - 1

Thông tin tuyển dụng của một công ty bảo hiểm đăng tải trên mạng xã hội (Ảnh chụp màn hình).

Thời gian đào tạo chỉ vài ngày, vài tuần 

Trên thực tế hiện nay các công ty bảo hiểm có quy trình và thời gian đào tạo khác nhau. Thông tin từ Dân trí có được, ví dụ với Manulife, các học viên sẽ được đào tạo 2 ngày trực tiếp và 2 ngày trực tuyến. Nội dung đào tạo bao gồm luật bảo hiểm và về các sản phẩm bảo hiểm. Các học viên được yêu cầu tuân thủ chặt chẽ, vắng mặt một buổi sẽ hủy toàn bộ quá trình học.

Ngoài việc học trực tuyến về các sản phẩm của công ty, họ còn tiếp tục tham gia thêm những khóa trực tiếp về các sản phẩm. Người học được đào tạo kỹ năng tư vấn bán hàng, cách tiếp cận khách hàng, khơi gợi nhu cầu, trình bày sản phẩm, chốt sale và chăm sóc sau bán hàng. Một tư vấn viên công ty này cho biết thời gian đào tạo bắt buộc kéo dài khoảng 3 tháng.

Với Generali, thời gian đào tạo kéo dài trong khoảng 2-4 tuần. Một tư vấn viên cho biết, anh học trong vòng 1 tháng với 2 ngày mỗi tuần trước khi tham gia kỳ thi cấp chứng chỉ của Bộ tài chính.

Tương tự, Dai-Ichi Life Việt Nam cũng tổ chức đào tạo cho học viên trong 1 tuần trước khi tham dự kỳ thi nói trên.

Từ vụ diễn viên Ngọc Lan, nhìn về quy trình đào tạo tư vấn viên bảo hiểm - 2

Để trở thành tư vấn viên bảo hiểm cần có chứng chỉ của Bộ tài chính (Ảnh: Manulife).

Một tư vấn viên của AIA thì cho biết cô liên tục học trong vòng 3 tuần. Công ty cũng tổ chức một kỳ thi thử cho học viên trước khi tham gia kỳ thi chính thức. Người này cho biết thời gian học 3 tuần chỉ đủ để nắm các nguyên lý bảo hiểm chính, về sau vẫn phải học thêm về kỹ năng trong các buổi họp hàng ngày. 

Sau vụ ồn ào liên quan đến bảo hiểm của diễn viên Ngọc Lan, cô cho biết đang nhận hỗ trợ xem xét lại quyền lợi bảo hiểm từ các hợp đồng cũ hoặc hợp đồng bảo hiểm của các công ty khác.

Ai được hành nghề tư vấn bảo hiểm?

Người được hành nghề bảo hiểm cần phải có chứng chỉ tư vấn bảo hiểm do Bộ Tài chính cấp. Các cá nhân đã được đào tạo tại các cơ sở đào tạo (thường là công ty bảo hiểm) hoặc tự học, sẽ nộp hồ sơ để tham dự thi cấp chứng chỉ.

Theo quy định tại Thông tư 65/2019 của Bộ Tài chính, nội dung đào tạo chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm, trong đó có chứng chỉ tư vấn bảo hiểm, bao gồm phần kiến thức chung liên quan đến pháp luật Việt Nam về kinh doanh bảo hiểm, nguyên lý cơ bản về bảo hiểm.

Đối với phần kiến thức chuyên môn, chứng chỉ tư vấn bảo hiểm yêu cầu cần có kiến thức về đối tượng bảo hiểm, kiến thức về nghiệp vụ bảo hiểm, quy trình tư vấn bảo hiểm (về chương trình bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm, quản trị rủi ro bảo hiểm và đề phòng hạn chế tổn thất).

Hàng tháng, Trung tâm nghiên cứu và đào tạo bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính sẽ tổ chức chi để cấp chứng chỉ dưới hình thức thi tập trung.

Đề thi được thiết kế dưới dạng trắc nghiệm. Mỗi đề thi gồm phần kiến thức chung và phần kiến thức chuyên môn. Số lượng câu hỏi liên quan đến phần kiến thức chung chiếm 40%, số lượng câu hỏi liên quan đến phần kiến thức chuyên môn chiếm 60% tổng số lượng câu hỏi mỗi đề thi.

Đề thi chứng chỉ được lấy từ ngân hàng câu hỏi do Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm xây dựng. Ngân hàng câu hỏi được xây dựng theo từng loại chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm quy định tại Thông tư 65.