Từ vụ chung cư The Harmona, người mua nhà làm gì để tránh rủi ro?
Mua nhà đang bị thế chấp sổ đỏ đang là kiểu mua bán chung cư khá phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, nếu không xem xét kỹ, người mua nhà rất dễ gặp phải rủi ro.
Những ai chuẩn bị mua nhà hay chung cư dự án nên xem xét kỹ tránh trường hợp rơi vào tình trạng không nợ nần gì với ngân hàng nhưng vẫn đứng trước nguy cơ bị siết nhà do chủ đầu tư đem tài sản đi bảo lãnh. Câu chuyện của gần 600 hộ dân chung cư Harmona không phải là duy nhất, bởi đến hôm nay đã xuất hiện thêm 2 chung cư nữa cũng ở TP.Hồ Chí Minh rơi vào trường hợp bỏ tiền tỉ ra mua nhà nhưng hóa ra những cư dân ở đây lại chẳng có chút quyền lợi gì với tài sản của mình.
Thực tế việc mua nhà trong các khu đô thị hoặc chung cư bây giờ không còn đơn giản chỉ là quan hệ mua bán giữa chủ đầu tư có căn hộ và người dân muốn mua nhà. Quan hệ đó giờ đây trở nên phức tạp khi có 3 - 4 bên liên quan, trong đó có ngân hàng cho các bên vay vốn. Có nhiều dự án mặc dù người dân đã nhận bàn giao nhà nhiều năm nhưng vẫn không làm được sổ đỏ. Nguyên nhân là do chủ đầu tư đang thế chấp sổ đỏ của toàn bộ dự án tại ngân hàng vay tiền. Khi chủ đầu tư chưa trả hết nợ ngân hàng, nghĩa là người dân sẽ không thể làm được sổ đỏ.
Liên quan đến các vấn đề nêu trên, luật sư Lê Thanh Sơn - từ Văn phòng Luật AIC đã nêu lên một số quan điểm dựa theo pháp luật hiện hành nhằm giúp người dân tránh rủi ro khi mua nhà chung cư.
"Với một dự án, theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư chỉ cần có 30% vốn tự có, phần còn lại là vốn huy động. Vì thế, chắc chắn chủ đầu tư nào cũng phải vay ngân hàng. Theo quy định về cho vay, một tài sản có thể được thế chấp tại một ngân hàng và cũng chính tài sản đó có thể thế chấp tại 2 hoặc 3 ngân hàng khác nhau. Nhưng các ngân hàng trên phải có sự đồng thuận, thống nhất bằng văn bản và mọi thứ đều phải minh bạch và rõ ràng" - luật sư Lê Thanh Sơn chia sẻ - "Một vấn đề nữa cần xem xét ở đây là trách nhiệm và đạo đức kinh doanh của chủ đầu tư trong trường hợp biết rõ ràng nhà đã được thế chấp ngân hàng nhưng vẫn cố tình bán cho người dân. Và tôi hoàn toàn không tin rằng ngân hàng không hề biết gì về vấn đề này".
"Về nguyên tắc ngân hàng có trách nhiệm giám sát hoạt động cho vay, kiểm tra lại toàn bộ sản phẩm từ khi bỏ móng cho đến lúc có người về ở... Chủ đầu tư cũng có trách nhiệm đưa lên trang mạng rao bán, tổ chức sự kiện gặp gỡ khách hàng,.. ", ông Lê Thanh Sơn nói thêm.
Bên cạnh đó, luật sư Lê Thanh Sơn cũng cho biết để tránh rủi ro, người mua nhà nên cân nhắc, xem xét kỹ và nắm rõ thông tin xem dự án đã đủ điều kiện được bán chưa. Đặc biệt, người dân không nên quá tin vào "những lời đường mật" của các nhà môi giới kinh doanh bất động sản.
Theo VTV