Tư nhân ngừng bán xăng, áp lực dồn lên DNNN

(Dân trí) - Thực trạng hàng hoạt cửa hàng xăng dầu tư nhân không bán hoặc bán cầm chừng đã khiến áp lực bán hàng dồn lên xăng dầu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Đó là quan điểm của ông Hoàng Văn Bình, GĐ công ty xăng dầu Thanh Hóa.

Ngay sau Tết Tân Mão, Công ty xăng dầu Thanh Hóa đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa, sau đó UBND tỉnh đã có cuộc họp triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc bình ổn giá xăng dầu.
 
Từ tháng 11/2010, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới tăng liên tục. Nhà nước cũng đã sử dụng nhiều giải pháp nhằm bình ổn giá xăng dầu trên thị trường trong nước. Tuy nhiên với giá xăng dầu tăng như hiện nay, các giải pháp mà Chính phủ đưa ra thì các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn lỗ.
 
Tư nhân ngừng bán xăng, áp lực dồn lên DNNN - 1
Nhiều cây xăng vẫn bán hàng cầm chừng
 
Trước tình hình đó, các đầu mối kinh doanh xăng dầu hạn chế nhập hàng vào. Tại thị trường Thanh Hóa, công ty xăng dầu Thanh Hóa cung cấp 50% thị phần và theo báo cáo từ phía công ty, lượng hàng cung ứng ra thị trường tháng 11/2010 tăng 15% so với bình quân 10 tháng đầu năm 2010, tháng 1/2011 tăng 25% so với cùng kỳ. Ngoài ra hệ thống bán lẻ tăng 45%.
 
Trong tháng 1/2011, các đầu mối xăng dầu khác hạn chế kinh doanh, các cửa hàng xăng dầu tư nhân cũng giảm lượng bán ra thị trường. Trong khi đó, công ty vẫn cung ứng hàng cho các cửa hàng bán lẻ theo hợp đồng kinh tế. Việc các đầu mối khác và các cửa hàng tư nhân hạn chế lượng xăng dầu bán ra đã dồn sức ép lên các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu Nhà nước.
 
Theo ông Hoàng Văn Bình, sau Tết công ty xăng đầu Thanh Hóa chỉ xác định cho 50 - 60 đồng/lít thù lao cho các đại lý nên các đại lý sẽ lỗ nếu tiếp tục bán hàng. Hơn nữa tâm lý của nhiều đại lý chọn ngày đẹp mới tham gia thị trường, các đầu mối khác không tham gia thị trường và đang nghe ngóng về việc tăng giá nên hiện tượng này xảy ra, nên đã dẫn đến tình trạng nhiều cây xăng không bán hay bán cầm chừng.
 
Trao đổi với Dân trí, ông Trần Văn Tâm, Phó giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường Thanh Hóa cho biết: “Việc hàng loạt cửa hàng xăng dầu không bán hàng có nhiều lý do. Trong đó nguồn hàng cung không đảm bảo trong thời gian trước do thời tiết, một số cây xăng mua hàng trôi nổi. Hơn nữa do chiết khấu đến thời điểm này quá thấp chỉ ở mức 145 đồng/lít nên nhiều cửa hàng xăng dầu không bán vì thua lỗ.
 
Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra cột bơm, bể chứa và các dụng cụ chứa xăng, nếu phát hiện có hiện tượng “găm hàng” sẽ xử lý nghiêm. Nếu phát hiện hiện tượng “găm hàng” thì xử phạt vi phạm từ 1 - 5 lần giá trị hàng”.
 
Duy Tuyên - Cao Tuân