1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hàng loạt cây xăng vẫn bán kiểu “găm hàng”

(Dân trí) - Cho đến sáng 15/2, nhiều cây xăng trên địa bàn Thanh Hóa, Hà Nam vẫn đóng cửa không bán hàng, hoặc hoạt động thất thường với nhiều lý do “máy hỏng, mất điện”... Thay vào đó, nhiều điểm bán xăng lẻ “mọc lên” quanh các cây xăng với giá “cắt cổ”.

“Độc chiêu” của các cây xăng tư nhân

Ngay từ những ngày đầu Tết Tân Mão đến nay, nhiều cây xăng dầu của tư nhân ở các tỉnh như: Thanh Hóa, Hà Nam… đã ngừng bán hàng hoặc bán cầm chừng, chỉ mở cửa vài giờ đồng hồ trong ngày.

Hàng loạt cây xăng vẫn bán kiểu “găm hàng” - 1
Nhiều khách hàng bức xúc khi mua xăng tại huyện Vĩnh Lộc vì... mất điện

Thế nhưng, rải rác dọc đường, thậm chí cạnh những cây xăng đóng cửa là hàng loạt điểm bán xăng lẻ mọc ra. Giá xăng bán lẻ luôn đắt hơn so với mua ở cây xăng chính nhưng người dân vẫn phải “bấm bụng” mua xăng để đi lại.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, dọc tuyến đường quốc lộ 45 và quốc lộ 47 đi qua địa bàn Thanh Hóa, nhiều cây xăng vẫn chưa hoạt động hoặc hoạt động thất thường với nhiều lý do như: Mất điện, máy hỏng…

Lợi dụng điều đó, nhiều người dân đã bày bán xăng lẻ ven đường hoặc ngay cạnh các cây xăng “nghỉ Tết” theo lít, chai. Giá xăng ở thời điểm hiện tại là 16.500 đồng/lít, thế nhưng các điểm bán xăng tự phát lại “hét giá” cao hơn 3 - 5 nghìn đồng/lít, thậm chí có những điểm bán xăng lẻ lấy giá gấp rưỡi so với giá xăng quy định của Nhà nước.

Không chỉ ở dọc đường quốc lộ, ngay cả những cây xăng lớn trong  thị xã, thị trấn vẫn luôn treo biển “mất điện”, “máy hỏng”, dù điện vẫn chiếu sáng các hộ dân sống quanh khu vực những cây xăng này.

Tại thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Vĩnh Lộc, cây xăng lớn nhất huyện đang “im lìm” trước nhu cầu bức thiết của người dân. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa, hay thị trấn Thọ Xuân, huyện Thọ Xuân…

Tại các phường Quảng Tiến, Quảng Cư, Trung Sơn,.. các cây xăng đóng cửa với lý do: “hết xăng”, “máy hỏng”… Riêng trên địa bàn phường Quảng Tiến có hai cây xăng nhưng đều đóng cửa từ ngày 13/2. Nhiều cây xăng đã không bán trên cây mà chuyển sang hình thức bán chai. Có nơi bán lên đến 30.000 đồng/chai xăng, khiến người dân rất bất bình.

Mua xăng với giá 40.000 đồng/lít

Việc nhiều cây xăng tư nhân ngừng bán hàng hoặc bán nhỏ giọt trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng cao, doanh nghiệp kinh doanh lỗ khoảng 2.000 đồng/lít không chỉ xảy ra tại Thanh Hóa, mà theo phản ánh của độc giả báo Dân trí tại Hà Nam, Thái Bình, thực trạng này khiến họ rất bức xúc.

Hàng loạt cây xăng vẫn bán kiểu “găm hàng” - 2
Nhiều điểm bán xăng lẻ với giá "cắt cổ" mọc lên bên cạnh cây xăng chính.

Anh Hoàng (Hà Nam) phản ánh: “Kể từ ngày 28 tết đến nay, đặc biệt là hai ngày gần đây, các cây xăng tư nhân quanh khu vực tôi sống đều mở cửa bán hàng rất nhỏ giọt. Thế nên, nhiều khi hết xăng, chúng tôi buộc phải mua ở những cửa hàng ven đường với giá 40.000 đồng/lít mà vẫn không hết lo xăng bị pha nước”.

Anh Nguyễn Văn Sách, người dân phường Trung Sơn (Thanh Hóa) bức xúc nói: “Tết ra, tôi cần phải đổ xăng để đi làm, bắt đầu công việc một năm mới nhưng chạy đi đâu cũng thấy các cây xăng đóng cửa với dòng chữ “hết xăng”. Tôi làm nghề vận chuyển cá hộp cho các cửa hàng bán buôn, bán lẻ nên đi xe nhiều nhưng cứ tình trạng thế này chắc tôi phải đi bộ vận chuyển cá mất”.

Anh Lê Anh Tuấn, người dân thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hoá) thắc mắc: “Chẳng hiểu sao đã sau Tết hai tuần rồi mà nhiều cây xăng lớn trong thị trấn vẫn không bán hàng, có hoạt động thì cũng lúc bán, lúc nghỉ chẳng biết thế nào. Bây giờ chỉ toàn thấy các điểm bán xăng lẻ, giá thì đắt đỏ mà không biết xăng có chất lượng không?”.

Anh Sơn - tài xế của một hãng taxi chia sẻ: “Bây giờ mà chở khách theo các tuyến về huyện lẻ, nhỡ may xe gần hết xăng để tìm được trạm bơm xăng thì khó lắm, nhiều cây xăng chỉ bán hàng vài giờ đồng hồ trong ngày rồi nghỉ. Đặc biệt khi buổi tối, hầu hết các cây xăng đều đóng cửa, đành phải “nhắm mắt” mà mua xăng lẻ với giá cao thôi”.

Theo phản ánh của người dân tại một số tỉnh, điều mà họ thắc mắc lớn nhất là “trong khi cửa hàng xăng đóng cửa ngừng bán hàng thì tại sao lại có nhiều điểm bán xăng nhỏ lẻ mọc lên với giá từ 30.000 đồng - 40.000 đồng/lít?”.

Có nhiều dư luận xoay quanh tình trạng các cây xăng đóng cửa, nhưng phần lớn người dân cho rằng các chủ cây xăng đang găm hàng chờ giá lên mới bán. Qua tìm hiểu, nhiều nguyên nhân cho thấy, do chiết khấu phần trăm cho các đại lý bán xăng quá thấp nên các chủ cây xăng dừng bán, chờ lên giá.

Trao đổi với Dân trí, ông Trần Văn Tâm, Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường Thanh Hóa cho biết: “Chúng tôi cũng đang tích cực chỉ đạo anh em làm mạnh vấn đề này. Tại thị xã Sầm Sơn đã xử lý 02 vụ, một vụ chủ cây xăng đóng cửa 6 tháng nay không bán hàng, còn một cửa hàng có xăng A95 nhưng không bán mà chỉ bán xăng A92.

Hiện Sở đã huy động tất cả các đội quản lý thị trường trên địa bàn vào cuộc tiến hành kiểm tra, xử lý. Mấy hôm nay chúng tôi cũng làm rất mạnh, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, không chịu bán xăng cho khách hàng”.

Nhóm Phóng viên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm