1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Tư nhân làm truyền tải điện: Quy định sửa chưa rõ, loạt đại biểu thấy lo

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Nhiều đại biểu đồng tình chuyện nên mở cửa thị trường truyền tải điện song họ đề nghị việc sửa đổi Luật điện lực cần theo hướng rõ ràng hơn trước lo ngại về những vấn đề liên quan an ninh năng lượng.

Cân nhắc nghiên cứu, lùi lại trình Quốc hội kỳ sau

Theo dự kiến, chiều nay (11/1), Quốc hội họp phiên bế mạc, biểu quyết thông qua một số nội dung quan trọng, trong đó có dự án 1 luật sửa 8 luật.

Tại dự án luật này, Chính phủ đề xuất sửa đổi Luật Điện lực tại Khoản 2, Điều 4 theo hướng thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư lưới truyền tải điện, trừ các dự án do Nhà nước đầu tư được xác định trong quy hoạch điện lực quốc gia. Nhà nước sẽ độc quyền trong vận hành lưới truyền tải, trừ lưới điện do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng.

Ngoài ra, các tổ chức hoạt động và sử dụng điện đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật được quyền đấu nối vào lưới điện do thành phần kinh tế tư nhân đầu tư, xây dựng.

Tuy nhiên qua thảo luận, góp ý, nhiều đại biểu tỏ ra băn khoăn với hướng sửa đổi lần này. Đại biểu thẳng thắn nhận định quy định như trên là chưa rõ về mặt nội dung, chưa phân định cụ thể giữa phạm vi độc quyền và không độc quyền.

Thậm chí, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội - còn cho rằng quy định như trên có thể sẽ dẫn đến "tùy tiện trong áp dụng".

Tư nhân làm truyền tải điện: Quy định sửa chưa rõ, loạt đại biểu thấy lo - 1

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng cần phân định rõ loại lưới điện truyền tải nào các thành phần kinh tế tư nhân được đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành và chủng loại nào thì giao Nhà nước quy hoạch và chỉ giao EVN thực hiện (Ảnh: Quốc Chính)

Theo bà Mai, thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, theo đó cho phép khối tư nhân được tham gia xây dựng hệ thống truyền tải điện là cần thiết. Tuy nhiên, việc thể chế hóa như thế nào cho đúng và thể chế hóa như thế nào cho phù hợp với thực tế lại là vấn đề cần được cân nhắc thận trọng để đảm bảo tính hợp lý, khả thi, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

Bà còn lo ngại việc giá điện tăng cao nếu tư nhân làm. "Trong tờ trình có nêu việc tư nhân hóa tại một số nước dẫn đến giá điện có lúc rất cao. Vì vậy, tôi nghĩ rằng cần có đánh giá tác động để đảm bảo bình ổn giá, không tác động đến người tiêu dùng", bà Mai lo ngại.

Khi thảo luận về nội dung sửa đổi của Luật điện lực tại kỳ họp bất thường này, bà Mai nhấn mạnh: Từ chính sách, chủ trương đến cuộc sống là cả một khoảng cách và để pháp luật thực sự đi vào cuộc sống thì rất cần thiết phải có những quy định cụ thể, kín kẽ, đảm bảo hiệu quả quản lý.

"Trong trường hợp chúng ta chuẩn bị chưa đồng bộ, đầy đủ, chặt chẽ thì có thể tiếp tục nghiên cứu và sẽ lùi lại trình Quốc hội tại kỳ họp sau", bà Mai nhấn mạnh.

Nhà nước không độc quyền nhưng cần có kiểm soát để bảo đảm an toàn hệ thống

Nêu quan điểm, đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) cho rằng, việc xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực sẽ hỗ trợ phát triển nhanh chóng hệ thống truyền tải nhưng lại đặt ra lo ngại việc xã hội hóa phân bổ nguồn điện sẽ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng.

Chính vì vậy, đại biểu nhấn mạnh, cần có quy hoạch mạng lưới truyền tải điện rõ ràng, phân định công đoạn nào là độc quyền của Nhà nước, công đoạn nào tư nhân có thể tham gia xã hội hóa để có quản lý rõ ràng, vừa đảm bảo an ninh năng lượng, vừa phát triển được hệ thống điện quốc gia nhưng doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và người dân cùng được hưởng lợi.

Đại biểu Vũ Huy Khánh (đoàn Bình Dương) cũng đồng tình việc thiết lập một cơ chế để các tổ chức hoạt động điện lực ngoài nhà nước tham gia vào khâu này. Song  đến đâu và vai trò kiểm soát điều tiết của Nhà nước thế nào thì cần phải tính toán "thận trọng" và "chắc chắn".

Theo quy định của dự thảo luật thì Nhà nước độc quyền vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện do các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước xây dựng. Quy định như vậy theo đại biểu "chưa chặt chẽ, chưa thể hiện được vai trò cần và đủ của Nhà nước trong việc kiểm soát và bảo đảm an ninh, an toàn truyền tải điện trong mọi hoàn cảnh, tình huống".

Do đó, đại biểu đề nghị quy định này cần phải chỉnh lại theo hướng Nhà nước không độc quyền nhưng có kiểm soát và thực hiện quyền vận hành truyền tải điện trong những trường hợp có nguy cơ tác động ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hệ thống truyền tải điện, kể cả công trình đó là do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) cũng cho rằng, việc vận hành lưới điện truyền tải chiều lưới điện do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng cần nghiên cứu để có quy định cụ thể hơn.

Theo đại biểu, quy định như trên phải đánh giá, xem xét ảnh hưởng của lưới điện do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng sẽ có tác động như thế nào khi hòa vào hệ thống lưới điện quốc gia. Bởi nếu có tác động lớn thì Nhà nước cần vận hành để đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện quốc gia và đảm bảo yếu tố độc lập trong vận hành lưới điện truyền tải.