Từ năm 2018, Việt Nam bắt đầu thực hiện báo cáo tài chính Nhà nước

(Dân trí) - Toàn bộ các nội dung về tài sản Nhà nước, nợ phải trả của Nhà nước, nguồn vốn Nhà nước, kết quả hoạt động tài chính Nhà nước... đều sẽ được thể hiện trong báo cáo tài chính Nhà nước (phạm vi toàn quốc và phạm vi tỉnh). Theo đó, báo cáo tài chính Nhà nước đầu tiên sẽ được lập theo số liệu tài chính năm 2018.

Báo cáo tài chính Nhà nước năm 2018 sẽ được công khai rộng rãi, có thể sẽ được tải lên internet
Báo cáo tài chính Nhà nước năm 2018 sẽ được công khai rộng rãi, có thể sẽ được tải lên internet

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 25 năm 2017 về báo cáo tài chính (BCTC) Nhà nước, trong đó quy định nội dung BCTC Nhà nước; việc tổ chức thực hiện lập, công khai BCTC Nhà nước; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc cung cấp thông tin phục vụ việc lập BCTC Nhà nước.

BCTC Nhà nước được lập trên phạm vi toàn quốc (gọi là BCTC toàn quốc) và trên phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi là BCTC Nhà nước tỉnh).

Trong khi BCTC Nhà nước toàn quốc phản ánh toàn bộ thông tin tài chính Nhà nước có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước hoặc do Nhà nước quản lý trên phạm vi toàn quốc thì BCTC tỉnh phản ánh toàn bộ thông tin tài chính Nhà nước có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước hoặc do Nhà nước quản lý trên phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Có bốn cấu phần quan trọng của BCTC Nhà nước: Một là, báo cáo tình hình tài chính Nhà nước, bao trùm toàn bộ các nội dung về tài sản Nhà nước; nợ phải trả của Nhà nước; nguồn vốn của Nhà nước. Hai là, báo cáo kết quả hoạt động tài chính Nhà nước lại bao gồm thu nhập của Nhà nước; chi phí của Nhà nước; kết quả hoạt động tài chính của Nhà nước. Ba là báo cáo lưu chuyển tiền tệ bao gồm các luồng tiền thu vào, các luồng tiền chi ra... Bốn là thuyết minh BCTC Nhà nước.

Tương tự như những thuật ngữ vẫn gặp tại BCTC doanh nghiệp, khi cung cấp thông tin tài sản của Nhà nước, báo cáo tình hình tài chính Nhà nước phải thể hiện được các chỉ tiêu tiền và các khoản tương đương tiền, các khoản phải thu, hàng tồn kho, đầu tư tài chính, cho vay, tài sản cố định hữu hình, xây dựng cơ bản dở dang, tài sản cố định vô hình, tài sản khác.

Nợ phải trả của Nhà nước cũng là một chỉ tiêu kế toán đáng lưu ý, thể hiện toàn bộ các khoản nợ của Chính phủ, nợ của chính quyền địa phương và các khoản phải trả khác của các đơn vị thuộc đối tượng quy định có nghĩa vụ phải trả...

Theo quy định tại Nghị định 25, BCTC Nhà nước toàn quốc và tỉnh được lập theo kỳ kế toán năm được tính từ ngày 1/1 đến 31/12 năm dương lịch.

Chậm nhất là 14 tháng sau khi kết thúc năm tài chính, Bộ Tài chính phải trình Chính phủ BCTC Nhà nước toàn quốc và Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội chậm nhất là 18 tháng sau khi kết thúc năm tài chính.

UBND tỉnh công khai BCTC Nhà nước tỉnh trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày BCTC Nhà nước tỉnh được báo cáo trước Hội đồng Nhân dân tỉnh. Bộ Tài chính công khai BCTC Nhà nước toàn quốc trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày BCTC Nhà nước toàn quốc được báo cáo trước Quốc hội.

BCTC Nhà nước có thể sẽ được công khai thông qua một hoặc một số hình thức như phát hành ấn phẩm, niêm yết, đăng trên cổng thông tin điện tử...

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018 và BCTC Nhà nước đầu tiên sẽ được lập theo số liệu tài chính năm 2018.

Bích Diệp