1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Tự làm 30 km đường truyền tải điện, nhà đầu tư "than" khó bàn giao cho EVN

(Dân trí) - Nhà đầu tư dẫn chứng một doanh nghiệp tự bỏ tiền làm hệ thống truyền tải 20-30 km đấu nối từ nhà máy điện lên lưới điện quốc gia nhưng sau đó khó bàn giao lại cho EVN. Về vấn đề này, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng, đây là vấn đề của hợp đồng và yêu cầu tách bạch chi phí để dễ dàng bàn giao.

Tại Hội thảo quốc tế về “Năng lượng tái tạo tại Việt Nam từ chính sách đến thực tiễn” do VTV24 và Hiệp hội Năng lượng tổ chức sáng nay (27/11), các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp, hiệp hội điện lực đã đưa ra nhiều vấn đề xung quanh việc hiện thực hoá chủ trương: Tư nhân hoá đầu tư truyền tải điện.

Tự làm 30 km đường truyền tải điện, nhà đầu tư than khó bàn giao cho EVN - 1

Ông Nguyễn Đức Toàn Chủ tịch Công ty cổ phần Điện Sài gòn - Gia định

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Đức Toàn - Chủ tịch Công ty cổ phần Điện Sài gòn - Gia định đưa ra thực trạng: “Hiện có khá nhiều nhà máy điện, bỏ tiền ra để đầu tư hệ thống truyền tải khoảng 20 - 30 km, sau khi đầu tư xong họ muốn bàn giao ngay cho EVN nhưng hiện nay cũng chưa được chấp nhận”.

Ông Toàn cho rằng, bản thân các nhà phát triển điện tư nhân, nếu ở góc độ nhà đầu tư, nếu Nhà nước cần tư nhân cần gánh vác việc xây dựng truyền tải để giải toả công suất nhà máy điện thì các nhà đầu tư cũng sẵn sàng tham gia.

“Tuy nhiên, hiện có một số người cho rằng tư nhân tham gia vào truyền tải là phạm luật. Theo tôi đây là quan điểm cứng nhắc, không đúng thực tế”, ông Toàn nói.

Ông này khẳng định: “Đầu tư vào lưới truyền tải không nhất thiết là EVN và Nhà nước, mà Nhà nước chỉ cần đứng ra đảm bảo kỹ thuật, chất lượng để vận hành sau này”.

Ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: Trách nhiệm EVN là xây dựng truyền tải và phân phối. Điểm tắc nghẽn vừa qua nguyên nhân là do quy hoạch, điện mặt trời và điện gió vượt quy hoạch.

“Năng lượng tái tạo là phải phân tán để giảm tải công suất truyền tải, tuy nhiên thời gian qua chúng ta tập trung quá nhiều vào một số địa phương, khiến áp lực lớn cho truyền tải”, Phó Tổng EVN nói.

Theo ông Tài Anh, EVN mong muốn các chủ đầu tư chung tay xây dựng hệ thống truyền tải. Hiện xương sống của hoạt động truyền tải vẫn là lưới truyền tải của EVN, còn tư nhân mới chỉ than gia vào đấu nối từ nhà máy lên lưới, thời gian tới việc đấu nối có thể giao cho tư nhân làm chung với EVN.

Trả lời thắc mắc về việc tư nhân đầu tư 20 - 30 km đường dây truyền tải nhưng không được giao lại cho EVN mà ông Toản đưa ra, lãnh đạo EVN cho biết: “Khi đấu thầu, nhà đầu tư đã tính toán chi phí, bao gồm cả chi phí mạng lưới đấu nối trong giá thầu rồi”.

“Nếu nhà đầu tư đó vận hành tiếp các đường dây đấu nối thì có tính toán chi phí trong đó. Còn nếu chuyển giao cho EVN thì sẽ phải trừ cái chi phí bảo trì cho EVN”, ông Anh giải thích.

Theo ông này: “Thế mới có chuyện anh đầu tư hàng chục km đấu nối từ nhà máy đến lưới truyền tải quốc gia nhưng sau đó muốn bàn giao cho EVN lại khó bởi vì trong hợp đồng mua bán điện có ghi rõ trách nhiệm vận hành, mua bán điện là của chủ đầu tư rồi. Khi anh bàn giao lại thì phải tách ra”.

Lãnh đạo tập đoàn EVN khẳng định: “Vấn đề tư nhân tham gia vào xây dựng hệ thống truyền tải thì làm như thế nào? Chắc chắn chúng tôi nghiên cứu để báo cáo Chính phủ, Quốc hội để thực hiện cơ chế đấu thầu. 

“Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư kể cả chi phí truyền tải, tất cả cái đó sẽ tính vào mức giá dự án”, ông Tài Anh nói.

An Linh