Tự hào những thế hệ “chuyên gia bò sữa”

(Dân trí) - Ở Mộc Châu, chăn nuôi bò sữa đã trở thành “nghề gia truyền” của nhiều người. Có những hộ gia đình trải qua mấy thế hệ chí thú gây dựng cơ nghiệp gắn với đồng cỏ, đàn bò, làm nên những dòng sữa mát lành.

Chăn nuôi bò sữa “cha truyền con nối”

Đến trang trại chăn nuôi của ông Nguyễn Văn Quất tại thị trấn Nông trường Mộc Châu vào chiều thu, chúng tôi ngỡ ngàng với đồng cỏ rộng tới 7,2 ha và trang trại bò sữa lên tới 208 con. Ông Quất hồ hởi khoe: bình quân mỗi ngày, trang trại của gia đình thu hoạch khoảng 2 tấn sữa, thu nhập ngót nghét 25 triệu đồng. Riêng năm 2017, gia đình đạt tổng sản lượng 780 tấn sữa, cho doanh thu hơn 9 tỉ đồng, lợi nhuận khoảng 3 tỉ đồng. Ông Quất chia sẻ: “Sở dĩ gia đình thu được lợi nhuận lớn như vậy là nhờ có sự “bảo trợ đầu ra” của công ty, giúp người nông dân an tâm trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng dòng sữa tự nhiên.”.

Như một thói quen, người nông dân nơi đây luôn thực hiện các khâu trong chăn nuôi đúng quy trình mà Công ty đã hướng dẫn để mang đến dòng sữa tự nhiên đạt các chỉ số dinh dưỡng tốt nhất. Từ việc chủ động trồng cỏ cung cấp nguồn thức ăn tự nhiên không sử dụng hóa chất, chỉ bón phân hữu cơ, đến quy trình thu hoạch sữa đảm bảo đúng kỹ thuật. Mỗi ngày các “cô” bò đều được tắm rửa sạch sẽ trước khi hút sữa, bầu vú căng tròn được nâng niu với hệ thống máy vắt sữa gần nửa tỉ đồng. Sau đó sữa sẽ được lọc qua túi lọc trước khi đưa vào trong thùng bảo ôn 4-6 độ C, vận chuyển đến các Trung tâm thu mua kiểm tra chất lượng sữa, rồi đưa về nhà máy chế biến.

Nhớ lại những ngày mới khởi nghiệp, ông Quất chia sẻ: “Từ cách đây hơn 40 năm, tôi đã là công nhân của Nông trường Mộc Châu. Hồi đó, tiếng là nông trường, nhưng sản lượng sữa của cả nông trường cũng chỉ được hơn 2.000 tấn mỗi năm, chỉ nhỉnh hơn tí chút so với sản lượng sữa của riêng gia đình tôi bây giờ. Chăn nuôi tập thể, giá thành rất cao, sản lượng sữa thấp, bò con nào cũng gầy gò ốm yếu. Với thực trạng thua lỗ triền miên, đến năm 1989, Mộc Châu milk bắt đầu chia đất và bò, giao khoán chăn nuôi cho từng công nhân, cán bộ kỹ thuật. Tôi từ công nhân trở thành hộ nông dân chăn nuôi bò. Khởi nghiệp từ 7 con bò giao khoán, đến nay tôi đã gây dựng được cơ ngơi trại lớn với hơn 200 con”.

Ông Quất trong trang trại 208 “cô” bò của gia đình
Ông Quất trong trang trại 208 “cô” bò của gia đình

Ông Quất có 3 người con đều tiếp tục theo đuổi nghề nuôi bò “gia truyền” của gia đình. Trong đó, 2 người con trai thừa kế đàn bò tại trang trại do ông Quất gây dựng. Một người con gái đi lấy chồng, nhưng cũng mở trang trại chăn nuôi bò riêng. Giờ ông Quất đã cao tuổi, nên nghỉ ngơi, việc quản lý trang trại giao lại cho người con trai Nguyễn Văn Quang, sinh năm 1984 đảm nhiệm. “Điều tôi vui nhất là các con đều muốn gắn bó với nghề chăn nuôi bò sữa. Không chỉ gia đình tôi, mà ở thị trấn Nông trường Mộc Châu, rất nhiều thanh niên cũng sẵn sàng vay vốn đầu tư hàng tỷ đồng xây trang trại để phát triển chăn nuôi bò sữa, vừa đảm bảo đời sống gia đình, vươn lên làm chủ”, ông Quất bày tỏ.

Ông Phạm Hải Nam, Phó Tổng giám đốc Công ty Mộc Châu milk nhận định, rất nhiều hộ gia đình có truyền thống chăn nuôi bò sữa đã trải qua mấy thế hệ. Nghề chăn nuôi bò trở thành cha truyền, con nối, từ đời này qua đời khác. "Mộc Châu Milk, không chỉ hỗ trợ vốn, kỹ thuật, thú y, con giống cho các hộ chăn nuôi, mà còn làm tốt công tác đào tạo, cập nhật những kiến thức chăn nuôi bò sữa tốt nhất cho các hộ chăn nuôi. Ngày nay, nhiều thanh niên trẻ sinh ra trong những gia đình chăn nuôi bò sữa lâu năm, được tham gia chăn nuôi từ nhỏ, nên dày dạn kinh nghiệm. Những kinh nghiệm, kiến thức của thế hệ nông dân mới, cùng với niềm đam mê chí thú, trách nhiệm với nghề, chính là những nhân tố quan trọng nhất để tạo nên một thế hệ chuyên gia về bò, giúp chăn nuôi đảm bảo phúc lợi cho vật nuôi, đồng thời mang đến cho đời những dòng sữa tươi mát lành, chất lượng cao và đảm bảo vệ sinh thực phẩm”, ông Nam chia sẻ.

Theo ông Nam, suốt nhiều năm qua, Mộc Châu Milk thường xuyên phối hợp với Chính quyền địa phương mở các lớp tập huấn, đào tạo kỹ năng, kiến thức cho nông dân chăn nuôi bò. Đồng thời hỗ trợ nông dân đầu tư cơ giới hóa, lắp đặt trang thiết bị, đường điện… theo phương thức nông dân bỏ ra 50% kinh phí, doanh nghiệp hỗ trợ hoặc cho vay 50%. Đặc biệt, những năm qua, Công ty đã đào tạo người chăn nuôi về Thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), qua đó đã cải thiện về môi trường, nâng chất lượng nguồn sữa, giúp người nuôi bò thu nhập cao. Cùng với kinh nghiệm lâu năm, được tập huấn, đào tạo bài bản, mỗi nông dân chăn nuôi đã trở thành những “chuyên gia” thực thụ trong lĩnh vực chăn nuôi bò.

Nông dân Nguyễn Văn Quang và tâm huyết “không từ bỏ con bò” của gia đình
Nông dân Nguyễn Văn Quang và tâm huyết “không từ bỏ con bò” của gia đình

Nông dân Nguyễn Văn Quang cho biết, sau khi dự các lớp tập huấn VietGAP, giờ đây, anh Quang đã thuộc lòng cả 73 tiêu chí của chăn nuôi VietGAP. Các chuồng trại phải khử mùi, sử dụng các loại nước rửa thùng, khăn lau vú bò trước và sau khi vắt, sát trùng xô, máy vắt. Chuồng trại phải có rãnh thoát chất thải, không được cho chảy tràn trên mặt chuồng, mỗi hộ đều có sổ ghi chép về lượng sữa hàng ngày, theo dõi phối giống…

Luyện bò để thi hoa hậu

Đến hẹn lại lên, hội thi Hoa hậu bò sữa 2018 đã diễn ra vào ngày 15/10 vừa qua với những màn “catwalk” điêu luyện của các “nàng” bò. Đây là một nét đẹp truyền thống của Nông trường Mộc Châu nhằm tôn vinh nghề chăn bò và nâng cao chất lượng sữa. Vì vậy, ngoài việc quản lý trang trại bò sữa mỗi ngày, người nông dân nơi đây còn tập trung “luyện bò” để thi Hoa hậu trước cả nửa năm trời. Những hoạt động như luyện cho bò đi dạo để thích nghi với môi trường đông người cùng với sự chăm bẵm tỉa tót tỉ mỉ của người nông dân cho “nàng” hậu tương lai đã khiến cho không khí làm việc luôn hào hứng, vui tươi giúp người nông dân gắn bó yêu nghề hơn.

Tự hào những thế hệ “chuyên gia bò sữa” - 3

Mỗi khi gia đình có bò đoạt giải “hoa hậu”, không chỉ được tiền thưởng khá lớn, mà điều quan trọng, bò đoạt giải coi như là một “chứng chỉ” cho chất lượng giống đạt năng suất sữa cao, chất lượng sữa tốt. Hội thi năm nay đã tìm ra “nàng” hậu với sản lượng sữa kỷ lục: 15,55 tấn trong 305 ngày. Đây là con số ấn tượng khiến cả hội thi ồ lên kinh ngạc và vỗ tay tán thưởng rầm rộ.

Nàng hậu mang số hiệu 13568 tại đơn vị 19.5 của chủ hộ Lê Xuân Tiến đã lên ngôi hoa hậu bò sữa 2018 với tổng giải thưởng trị giá 75 triệu đồng.
Nàng hậu mang số hiệu 13568 tại đơn vị 19.5 của chủ hộ Lê Xuân Tiến đã lên ngôi hoa hậu bò sữa 2018 với tổng giải thưởng trị giá 75 triệu đồng.

Ông Trần Công Chiến – Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Mộc Châu Milk chia sẻ, Cuộc thi “Hoa hậu bò sữa Mộc Châu” đã đem lại hiệu quả rất thiết thực. Trước hết, góp phần vào quảng bá thương hiệu sản phẩm “Sữa Mộc Châu”, thu hút khách du lịch đến với Mộc Châu. Những chiếc “Vương miện vàng” được trao cho người nông dân và bò đoạt giải chính là sự bảo chứng cho chất lượng tốt nhất của đàn bò và người chăn nuôi bò ở Mộc Châu. Những thành công của Cuộc thi “Hoa hậu bò sữa Mộc Châu” trong 15 năm qua, là minh chứng cho những nỗ lực của Mộc Châu milk và chính quyền huyện Mộc Châu trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy nông dân làm giàu, phát triển ngành chăn nuôi bò sữa thành ngành kinh tế mạnh tại địa phương. Cuộc thi năm nào cũng tìm ra được những bò giống chất lượng tốt, năng suất sữa cao. Những bò này được các hộ chăn nuôi bò sử dụng để nhân giống, truyền giống. Nhờ vậy, góp phần liên tục nâng cao được chất lượng đàn bò giống của Mộc Châu.

H. Mai