1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Tư duy đổi mới sẽ giúp các dịch vụ mới như Mobile Money đi vào đời sống

(Dân trí) - Ông Mai Liêm Trực, Nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin &Truyền thông (TT&TT), một trong những người mở đường cho Internet Việt Nam, cho rằng: Cách mạng 4.0 đang diễn ra rất mạnh làm thay đổi các mô hình kinh tế nên Việt Nam cần mạnh dạn thử nghiệm những mô hình dịch vụ mới để không bị chậm chân so với các nước khác trên thế giới.

Tư duy đổi mới sẽ giúp các dịch vụ mới như Mobile Money đi vào đời sống - 1

Ông Mai Liêm Trực, Nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin &Truyền thông.

Cách đây 20 năm, ông là người một trong những người phá băng những nghi ngại để các lãnh đạo đồng ý cho phép Internet vào Việt Nam. Gần đây, Chính phủ đã rất chú trọng tới việc nâng hạng nhóm chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó có chủ trương cho triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money, tuy nhiên, cũng còn nhiều e ngại về việc quản lý, ông thấy thế nào về tâm lý này?

Hơn 20 năm trước, khi chuẩn bị kết nối Internet, rất nhiều ý kiến lo ngại, nhưng tôi cho rằng, cũng giống như việc bước vào xa lộ, trên xa lộ thì có cả người tốt lẫn kẻ xấu cùng đồng hành.

Hằng ngày chúng ta vừa sống offline - trên thế giới vật lý, truyền thống nhưng từ 20 năm nay khi có Internet chúng ta có cả đời sống online. Nó như một ngôi nhà chung rộng lớn, đẹp và ngày càng tiện nghi. Đó là thành quả vĩ đại của nhân loại. Bản thân Internet không có mặt trái nhưng trong ngôi nhà đó không chỉ có người tốt mà còn có cả những người xấu. Những mặt xấu, tiêu cực là hành vi của con người từ thế giới vật lý offline đưa lên cuộc sống online. Chúng ta cần phải ngăn chặn tội phạm trên Internet cũng như ngăn chặn tội phạm trong không gian offline. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, với dịch vụ mới như Mobile Money, chúng ta nên cố gắng học tập kinh nghiệm của các nước để quản lý, và đưa ra chế tài chặt để xử lý những kẻ trục lợi.

Vậy khi các nhà mạng cung cấp dịch vụ Mobile Money sẽ tác động như thế nào đến hàng trăm triệu thuê bao di động của Việt Nam?

Tôi cho rằng đây là chủ trương rất đúng, rất kịp thời và không thể chậm trễ hơn nữa của Chính phủ khi cho phép sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán các dịch vụ, sản phẩm có mệnh giá nhỏ. Thực tế hiện nay, số người dân có tài khoản ngân hàng rất hạn chế, trong khi đó hầu hết người dân đều có điện thoại di động. Vì vậy, với dịch vụ Mobile Money, người dân có thể được sử dụng dịch vụ thanh toán thuận lợi các dịch vụ như điện, nước, các dịch vụ thương mại điện tử… Đây là cách mà Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Khi triển khai dịch vụ này thì các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp nội dung số, các doanh nghiệp thương mại điện tử cũng hưởng lợi rất nhiều từ việc dùng tài khoản viễn thông để thanh toán các dich vụ và sản phẩm. Đứng về phía Nhà nước cũng có lợi rất nhiều vì lâu nay chúng ta khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng theo thống kê của Visa thì có tới trên 90% các thanh toán của Việt Nam vẫn dùng tiền mặt. Với chủ trương này của Chính phủ, chúng ta sẽ có ngay 100% người dân dùng điện thoại di động có thể tham gia thanh toán không dùng tiền mặt. Nhà nước cũng sẽ đạt ngay được mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần chống tham nhũng và rửa tiền nếu chúng ta quản lý tốt dịch vụ này. Đây cũng là chính sách mà Chính phủ có thể thúc đẩy mạnh mẽ thương mại điện tử và hướng đến Cách mạng 4.0 và nền kinh tế số của Việt Nam.

Tư duy đổi mới sẽ giúp các dịch vụ mới như Mobile Money đi vào đời sống - 2

Vậy khi cung cấp dịch vụ Mobile Money, nhà mạng sẽ phải chuẩn bị những điều gì để người dân quen với mô hình thanh toán mới này thưa ông?

Một trong những khó khăn của các nhà cung cấp dịch vụ ví điện tử tiếp cận khách hàng chính là thói quen dùng tiền mặt vẫn còn nặng nề. Nhưng với dịch vụ Mobile Money thì việc chuyển đổi thói quen này sẽ rất nhanh chóng vì những tiện ích mà nó mang lại cho người dùng. Khi cung cấp dịch vụ này không chỉ có các nhà mạng mà các doanh nghiệp thương mại điện tử cũng sẽ phải cùng chung tay thu hút người dùng với những tiện ích và thay đổi thói quen của khách hàng.

Theo nhận định của ông thì những doanh nghiệp viễn thông nào sẽ có những lợi thế khi cung cấp dịch vụ Mobile Money?

Tôi cho rằng những nhà mạng đang có vùng phủ sóng lớn và thuê bao lớn sẽ có những lợi thế khi cung cấp dịch vụ Mobile Money. Ngoài ra, những doanh nghiệp có kinh nghiệm trong việc cung cấp ví điện tử như Viettel với Viettel Pay sẽ có tiền đề tốt để triển khai Mobile Money đến khách hàng một cách nhanh chóng và thuận lợi nhất.

Xin cảm ơn ông!

Hà Anh 

Ông Phạm Trung Kiên, Tổng Giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel cho rằng, trong tương lai 3 - 5 năm tới, người dân ra đường sẽ không cần phải ví tiền nữa. Với những hàng hoá giá trị nhỏ như cốc trà đá, gửi xe, mua rau, trả tiền điện, nước,... đều có thể sử dụng tài khoản di động để thanh toán.. Những món lớn hơn thì đã có tài khoản ngân hàng phục vụ, có internet banking, mobile banking, có thẻ ngân hàng. Như vậy, Việt Nam sẽ nhanh chóng sử dụng thanh toán điện tử và bỏ thói quen thanh toán bằng tiền mặt.

Dưới góc độ là nhà mạng, Viettel đã sẵn sàng triển khai vì có kinh nghiệm 8 năm qua cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán. Viettel cũng làm chủ công nghệ, xác thực 2 lớp, mã hóa trên đường truyền… Viettel có thể triển khai Mobile Money với số lượng người dùng vô cùng lớn chưa từng có trong lịch sử. Nhà mạng sẽ có chương trình cho khách hàng trải nghiệm dịch vụ Mobile Money với những ứng dụng cơ bản để tạo thói quen cho người dùng. Sau đó, đưa thêm các trải nghiệm khó hơn cho khách hàng khi họ đã quen với thanh toán điện tử.