Đầu tư công: “Chỉ thu xếp được 217 nghìn tỷ đồng mà cam kết chi đến 372 nghìn tỷ đồng"

(Dân trí) - "Chỉ có thể thu xếp được 217 nghìn tỷ đồng mà cam kết chi đến 372 nghìn tỷ đồng là điều không thể. Quyết tâm thực hiện thì hệ quả sẽ là đầu tư dàn trải, tạo cơ chế xin cho", đại biểu đánh giá.

Đầu tư công: “Chỉ thu xếp được 217 nghìn tỷ đồng mà cam kết chi đến 372 nghìn tỷ đồng - 1

Chính phủ bàn về phân bố nguồn vốn đầu tư trung hạn.

"Phấn đấu cao cũng chỉ bố trí được 217 nghìn tỷ đồng"
 
Thảo luận ở hội trường về việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho biết, từ kỳ họp 6 tháng trước, Quốc hội đã thảo luận và khẳng định Chính phủ không thuyết minh được nguồn để sử dụng dự phòng.
 
Theo đó, nếu đồng ý cho Chính phủ chia dự phòng sẽ thiếu khoảng 155 nghìn tỷ đồng trái với qui định của Luật Đầu tư công và làm cho các dự án đang triển khai đã thiếu tiền càng thiếu tiền thêm, các dự án mới cũng không có nhiều tiền để thực hiện.
 
Theo đại biểu Hàm, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - ngân sách và bản thân các tờ trình của Chính phủ đều ghi nhận mức vốn trung hạn giao cho các bộ ngành địa phương đã cao hơn so với cân đối ngân sách hàng năm có thể thu xếp được và nếu sử dụng dự phòng chung sẽ thiếu khoảng 155 nghìn tỷ đồng.
 

Tuy nhiên, ngân sách 4 năm (2016 - 2019) đã chia xong, chỉ còn lại tiền của năm 2020 dự kiến trên nền phấn đấu cao cũng chỉ bố trí được 217 nghìn tỷ đồng. Bây giờ phân bổ dự phòng, để chia hết mức vốn kế hoạch trung hạn dự kiến từ 2016 cách đây 3 năm, thì mức vốn trung hạn giao cho các bộ, ngành, địa phương của năm 2020 sẽ là 372 nghìn tỷ đồng.

"Chỉ có thể thu xếp được 217 nghìn tỷ đồng mà cam kết chi đến 372 nghìn tỷ đồng là điều không thể. Quyết tâm thực hiện thì hệ quả sẽ là đầu tư dàn trải, tạo cơ chế xin cho. Xin cho là chắc chắn khi cam kết chi vượt khả năng thu xếp tiền", ông Hàm cảnh báo.

Đại biểu Phú Thọ cũng nhấn mạnh rằng, Ủy ban thẩm tra đã nhiều lần đề nghị Chính phủ chuẩn bị thêm, chưa sử dụng dự phòng do chưa đáp ứng được yêu cầu của nghị quyết 71 và chưa khẳng định rõ khả năng cân đối nguồn vốn. Ủy ban Thường vụ cũng đã 2 lần yêu cầu Chính phủ làm rõ khả năng cân đối nguồn để bố trí cho các dự án theo thứ tự ưu tiên của nghị quyết 71. Nhưng Chính phủ vẫn chưa thực hiện. Đến lần thứ ba, tờ trình Quốc hội tại kỳ họp này, nội dung về dự phòng chung hầu như không thay đổi so với lần trình đầu tiên.

Đại biểu Hàm cũng đề nghị Quốc hội cũng cần nghiêm khắc hơn không nên để tình trạng này xảy ra thêm một lần nữa.

"Và để công khai, minh bạch đề nghị Chính phủ công khai phương án phân bổ, công khai cho các bộ, ngành, địa phương biết trước khi làm dự toán 2020 là từng dự án của mỗi bộ, ngành, địa phương dự kiến được bao nhiêu tiền thật, thiếu bao nhiêu tiền thật so với cam kết trung hạn cả dự án đang triển khai và dự án bổ sung mới", đại biểu Hàm bày tỏ quan điểm.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho rằng, theo Báo cáo của Chính phủ, trong năm 2020 ngân sách nhà nước chỉ bố trí được 217.000 tỷ đồng và thiếu khoảng 155.000 tỷ đồng so với kế hoạch vốn theo Nghị quyết 26, chưa tính đến số vốn cân đối cho số dự án mới này mặc dù Chính phủ đã giải trình sẽ bổ sung thêm nguồn vốn ưu tiên chi cho đầu tư từ các nguồn dự phòng ngân sách trung ương hàng năm, tăng thu, tiết kiệm chi nếu có để thực hiện.

"Trường hợp không đủ bù đắp sẽ tiếp tục cân đối bằng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương hàng năm của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là không khả thi và gần như chắc chắn phải chuyển sang kế hoạch giai đoạn sau, tạo áp lực cho kế hoạch đầu tư công giai đoạn sau, khó bảo đảm bố trí đủ vốn để hoàn thành dự án theo đúng tiến độ", ông Giang nói.

Do đó, theo đại biểu, việc phân bổ nguồn vốn dự phòng cho các dự án mới là không khả thi. Trường hợp nếu có vốn để bố trí thì cũng chỉ được một phần nhỏ để thực hiện dự án, không đủ để hoàn thành trong giai đoạn này mà phần lớn các dự án sẽ phải chuyển sang kế hoạch đầu tư công giai đoạn tiếp theo. 

Nhiệm kỳ sau, sau nữa vẫn chưa hết trả hết nợ ngành giao thông

Giải trình về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm nào chúng ta quyết định năm đó thì trong giai đoạn này chúng ta quyết định theo là 5 năm tức là xác định trong đầu tư của cả 5 năm và chúng ta đã làm rõ tất cả các mục tiêu và danh mục dự án của cả 5 năm và theo đó cũng đã phân bổ hết số vốn dự kiến đầu tư cho 5 năm.

"Bây giờ chúng ta chỉ còn đúng nguồn dự phòng. Trong bối cảnh các địa phương, các Bộ, ngành có rất nhiều vấn đề bức xúc đặt ra, từ giao thông cho đến hạ tầng xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu, cho đến các cơ sở tư pháp, các thanh toán nợ đọng xây dựng... Tất nhiên, nhưng không thể làm được, vì không có tên trong danh mục dự án Quốc hội quyết định rồi, phân bổ hết rồi”, ông Dũng nói.

Ông cũng lưu ý thông tin về kế hoạch đầu tư công trung hạn. Theo đó, kế hoạch tập trung chủ yếu vào giải quyết các vấn đề tồn tại của các nhiệm kỳ trước đây. Trong 9.600 dự án triển khai ở kế hoạch đầu tư năm 2019, có tới 8.000 dự án là chuyển tiếp. Hiện tại, chỉ mới khởi công 400 dự án, còn lại là trả nợ và thanh toán.

“Riêng ngành giao thông hiện nay, trong nhiệm kỳ vừa rồi đã dành rất nhiều tiền để trả nợ cho ngành giao thông nhưng báo cáo Quốc hội, hiện nay ngành giao thông vẫn đang còn tồn nợ của ngành giao thông vận tải trên 20.000 tỷ đồng. Nếu như vậy chúng ta còn phải giải quyết tiếp nhiệm kỳ tới và có khi nhiệm kỳ nữa cũng chưa hết của ngành giao thông.

Theo Bộ trưởng, vì chúng ta đã dừng hoãn rất nhiều công trình mà chúng ta không có khả năng. Nhu cầu thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản thì hiện nay đang còn rất lớn, mặc dù chúng ta trong nhiệm kỳ vừa qua đã thắt lưng buộc bụng, tập trung vào trả nợ, tập trung vào cho các dự án chuyển tiếp và hạn chế tối đa các dự án khởi công mới.

"Cho nên, có rất nhiều thông tin đại chúng có nêu là trong nhiệm kỳ vừa  rồi không thấy công trình nào khởi công mới cũng là cả lý do đó. Đó là thực tiễn đang đặt ra hiện nay”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phân trần.

Phương Dung