TS. Nguyễn Trí Hiếu: Coi chừng “bẫy” tín dụng đen

(Dân trí) - “Nhiều người không đủ điều kiện để vay ngân hàng nên tìm đến các công ty tài chính với điều kiện vay dễ dàng hơn. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro và dễ vướng vào vòng luẩn quẩn, lãi suất cắt cổ của tín dụng đen”, TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

Gần Tết, nhu cầu vay tiêu dùng của người dân tăng đột biến. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu như người vay có quan hệ giao dịch với các tổ chức tín dụng kém uy tín, hoạt động không minh bạch và sa vào cái “bẫy” của tín dụng đen.

Tại buổi giao lưu tư vấn tiêu dùng dịp Tết do báo Pháp luật TPHCM tổ chức, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, do các ngân hàng có những quy định chặt chẽ nên chỉ một số thành phần kinh tế có thể đáp ứng được điều kiện cho vay của các ngân hàng.

Trong khi đó, các công ty tài chính có điều kiện cho vay “dễ thở” hơn. Người đi vay không cần chứng minh thu nhập, có thể vay tín chấp mà không cần tài sản bảo đảm. Chính vì sự khác biệt này mà các công ty tài chính có thể đáp ứng nhu cầu đi vay của nhiều thành phần kinh tế mà những thành phần này không đủ điều kiện để vay ngân hàng.

Những tổ chức tín dụng cho vay dễ dãi luôn rình rập rủi ro cho người tiêu dùng
Những tổ chức tín dụng cho vay dễ dãi luôn rình rập rủi ro cho người tiêu dùng

Hiện nay, những khoản vay để trang trải, mua sắm trang thiết bị cho gia đình như tivi, tủ lạnh, máy giặt... thì người vay thường tìm đến các tổ chức tài chính bởi việc duyệt xét cho vay nhanh, dễ hơn thay vì ngân hàng. Điều này dễ sa vào “mê hồn trận” của tín dụng đen.

“Trong mọi trường hợp, người dân nên tránh loại tín dụng đen - một loại tín dụng mang nhiều rủi ro cho người đi vay vì lãi suất cắt cổ và cách trả nợ phi lý, thậm chí bất hợp pháp, cách thu hồi nợ thiếu an toàn của các tổ chức này”, TS Hiếu khuyến cáo.

Một nghịch lý khác là hiện nay rất nhiều người dân có đủ điều kiện nhưng không muốn vay tiêu dùng ở ngân hàng vì lãi suất cao không kém gì lãi suất tín dụng đen. Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng đồng tình với ý kiến này. Tuy nhiên, theo TS Hiếu, những lãi suất trên 30%/năm có thể được xem là lãi suất rất cao nhưng tại các ngân hàng và các công ty tài chính có uy tín không có lãi suất thuộc loại cắt cổ, chẳng hạn từ 70% trở lên.

Tín dụng đen có thể có những loại lãi suất tính bình quân theo năm lên đến hàng trăm %. Những loại tín dụng đen với lãi suất cắt cổ này thường có mục đích dồn người đi vay vào tình trạng mất khả năng trả nợ. Từ đó, người cho vay tín dụng đen có thể tìm cách tước đoạt tài sản bảo đảm hoặc làm áp lực để con nợ phải trả nợ với gánh nợ gấp nhiều lần so với món vay ban đầu.

“Hiện nay, theo quy định pháp luật, lãi suất cho vay không thể quá 150% lãi suất cơ bản (lãi suất cơ bản hiện hành là 9%). Tuy nhiên, quy định này hầu như không còn mang tính thực tế và đang có những dự thảo để có mức trần lãi suất khống chế. Nói chung, nếu vay tiêu dùng tại ngân hàng, lãi suất từ 9-11% là hợp lý. Lãi suất tại các công ty tài chính với độ rủi ro cao hơn có thể lên đến 30% được xem là hợp lý. Dù vậy, vẫn có trường hợp lãi suất cao hơn nhiều tùy vào mức độ rủi ro của món vay”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói.

TS Nguyễn Trí Hiếu khuyên người dân nên cẩn trọng khi vay tiêu dùng, tránh xa tín dụng đen (Ảnh: Hoàng Giang)
TS Nguyễn Trí Hiếu khuyên người dân nên cẩn trọng khi vay tiêu dùng, tránh xa tín dụng đen (Ảnh: Hoàng Giang)

Theo TS Hiếu, người dân nên khảo sát các chương trình tín dụng của ngân hàng, các sản phẩm tín dụng của các công ty tài chính uy tín, nếu cần nên có sự tư vấn của các chuyên gia tài chính và pháp luật trước khi quyết định vay tiêu dùng.

Cùng với đó, người đi vay cần tham khảo thông tin từ nhiều nguồn như mạng internet, báo chí, người thân đã từng vay tính dụng… để hiểu rõ về bên cho vay trước khi ký hợp đồng. Đồng thời, người đi vay nên nghiên cứu cặn kẽ các hợp đồng tín dụng để hiểu được cách tính lãi suất, lịch trình trả nợ, lãi phạt quá hạn và các điều kiện khác.

Sau khi đã ký hợp đồng, người vay cần lưu giữ cẩn thận tất cả các giấy tờ, văn bản có liên quan đến dịch vụ cho vay tín dụng tiêu dùng như hợp đồng, các hóa đơn, chứng từ, phiếu thu… để có căn cứ cho các tranh chấp nếu có về sau.

Công Quang

 

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Coi chừng “bẫy” tín dụng đen - 3