TS Nguyễn Trí Hiếu: Chưa cần thiết điều chỉnh tỷ giá USD/VND!

(Dân trí) - Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, các điều kiện kinh tế vĩ mô ở thời điểm hiện tại chưa ủng hộ việc điều chỉnh tỷ giá. Tuy nhiên, các nhà chính sách vẫn cần theo dõi biến động thị trường ngoại hối quốc tế, để nếu cần vẫn có thể điều chỉnh với dư địa 1% còn lại.

Liên quan đến tình hình giá USD tăng mạnh trong thời gian gần đây, PV Dân trí đã cuộc trò chuyện với chuyên gia tài chính ngân hàng -TS Nguyễn Trí Hiếu về vấn đề này.

TS Nguyễn Trí Hiếu
TS Nguyễn Trí Hiếu

Thưa ông, trong bối cảnh giá USD liên tục tăng trong thời gian gần đây, ông nhận định như thế nào khi có nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc Việt Nam nên điều chỉnh tỷ giá USD/VND?

Đây là lúc mà nền kinh tế Mỹ đang phục hồi tốt và trên 20 quốc gia đã hạ tỷ giá đồng nội tệ so với USD để khuyến khích xuất khẩu. Một số quốc gia, ngay cả Nhật và Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế đã chậm lại so với trước, chính vì muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong đó có vấn đề khuyến khích xuất khẩu, họ đẩy giá trị đồng nội tệ xuống. 

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Việt Nam chưa điều chỉnh tỷ giá kể từ khi nới thêm 1% hồi tháng 1 vừa rồi. Hiện tại có nhiều chuyên gia khuyến nghị Việt Nam nên điều chỉnh tỷ giá, song theo tôi nghĩ thì chưa nên, vì các yếu tố thị trường hiện tại không hỗ trợ cho việc điều chỉnh: cán cân vãng lai vẫn thặng dư, nhu cầu nhập khẩu chưa đột biến mặc dù Việt Nam đang đi vào tình trạng nhập siêu trở lại, thêm vào đó dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương vẫn đang trong khoảng 30 tỷ-40 tỷ USD…

Nếu không điều chỉnh tỷ giá, với tình trạng USD tăng giá trên thị trường thế giới nhưng giá trị VND so với USD vẫn được giữ tương đối cao như hiện nay chắc chắn sẽ bất lợi cho xuất khẩu. Các nhà xuất khẩu xuất hàng đi để nhận vào một lượng USD, nếu đổi ra tiền VND sẽ được một khoản thấp hơn so với khi điều chỉnh tỷ giá. Tuy nhiên, về mặt nhập khẩu lại có lợi. Người nhập khẩu phải thanh toán bằng đồng USD hay bằng ngoại tệ khác và họ phải mua ngoại tệ bằng VND, khi tỷ giá USD so với các đồng tiền khác cao lên họ sẽ phải sử dụng lượng VND lớn hơn, còn nếu không điều chỉnh tỷ giá thì họ sẽ có lợi. 

Như vậy, khi không điều chỉnh tỷ giá thì bên nhập khẩu sẽ có lợi và không tác động đến lạm phát, còn nếu điều chỉnh thì dĩ nhiên nhập khẩu bất lợi, từ đó giá thành hàng nhập khẩu cũng như hàng sản xuất sẽ tăng và có thể tác động tiêu cực lên lạm phát.

Bên cạnh đó, tôi cũng muốn lưu ý rằng, việc điều chỉnh tỷ giá lúc này sẽ dễ làm lung lay lòng tin của người dân đối với VND giữa bối cảnh hai “mặt trận” vàng hóa và đô la hóa lâu nay Ngân hàng Nhà nước (NHNN- PV) đã thực hiện tốt và đã giảm được hai hiện tượng này trong nền kinh tế. Với những thành quả đạt được, tôi cho rằng, NHNN nên giữ tỷ giá ổn định trong lúc này. 

Mặc dù vậy, không có nghĩa là chúng ta cứ khăng khăng neo cứng tỷ giá như thế, mà vẫn phải theo dõi các diễn biến trên thị trường ngoại hối trong vòng vài tuần tới, để nếu cần cũng có thể điều chỉnh tỷ giá được, vì vẫn còn “room” (dư địa) là 1%.

TS Nguyễn Trí Hiếu

Ông có cho rằng liệu đã đến lúc Việt Nam nên thay đổi việc neo tỷ giá từ 1 đồng tiền là USD sang một rổ tiền tệ để tránh tác động bất lợi khi giá USD biến động mạnh như hiện nay?

Đúng là Việt Nam trong mậu dịch quốc tế không chỉ sử dụng mỗi USD mà còn nhiều đồng tiền khác. Về nguyên tắc thì khi các loại tiền tệ khác so với USD sụt giá và các quốc gia hỗ trợ bằng cách điều chỉnh giảm tỷ giá đồng nồi tệ của họ so với USD để có lợi cho xuất khẩu, trong khi Việt Nam vẫn neo giá trị VND theo USD thì sẽ bị thiệt thòi. Giá trị VND so với các đồng tiền khác sẽ cao hơn và đồng nghĩa với giá cả hàng hóa các nước trở nên rẻ hơn, gây bất lợi cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các nước này, nhất là châu Âu.

Do đó, việc điều chỉnh tỷ giá khiến giá trị VND không chỉ với USD mà với nhiều đồng tiền khác trở nên rẻ hơn so với hiện tại sẽ giúp hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể cạnh tranh được trên thị trường quốc tế.

Thế nhưng, thực tế thì tỷ trọng USD được sử dụng trong mậu dịch của Việt Nam vẫn chủ yếu là USD chứ không phải các ngoại tệ khác, ngay cả EUR, Yên Nhật, Nhân dân tệ... Các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam khi xuất hàng sang các nước vẫn chủ yếu là thanh toán bằng USD.

Với áp lực tăng giá từ USD như hiện tại, theo ông sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các khoản nợ công của Việt Nam?

Trong trường hợp Việt Nam điều chỉnh tỷ giá VND/USD khiến VND mất giá so với USD, chắc chắn nợ công tính ra tiền Đồng Việt Nam sẽ tăng lên. Với đồng USD thì không thay đổi về giá trị danh nghĩa nhưng khi tính ra bằng VND thì khoản nợ đó sẽ tăng lên tương đương với sự mất giá của tiền đồng, từ đó ảnh hưởng xấu đến quản lý nợ công.

Tất nhiên một số doanh nghiệp có các khoản nợ lớn bằng EUR như các doanh nghiệp xi măng thì sẽ được lợi. Ông nhìn nhận sao về điều này?

Theo tôi số lượng doanh nghiệp này không nhiều, khối lượng nợ của các doanh nghiệp bằng EUR chắc chắn sẽ không nhiều bằng nợ USD, kể cả các doanh nghiệp Nhà nước.

Tất nhiên các doanh nghiệp vay bằng EUR, trong khi tỷ giá VND/USD được neo cứng nhưng USD/EUR cao hơn, về nguyên tắc các doanh nghiệp này sẽ hưởng lợi bởi các khoản nợ của họ tính theo VND sẽ giảm đi.

Vậy theo nhận định chung của ông, quyết sách như thế nào sẽ có lợi nhất cho nền kinh tế chung của Việt Nam sau khi đã tính toán tác động về cả xuất nhập khẩu, lạm phát, tăng trưởng và ngân sách nhà nước?

Tôi vẫn giữ quan điểm: việc giữ tỷ giá ổn định trong lúc này là hợp lý. Dĩ nhiên, với tỷ giá USD/VND bình quân liên ngân hàng được giữ ổn định 21.458 đồng như hiện nay thì sẽ không có lợi cho các nhà xuất khẩu nhưng sẽ giữ được niềm tin vào tiền đồng, đóng góp vào sự ổn định của kinh tế vĩ mô, không làm tăng giá nhập khẩu và không tác động đến tỷ lệ lạm phát. Về mặt kinh tế, khi giữ được sự ổn định vĩ mô và lòng tin của dân chúng thì việc giữ tỷ giá là hợp lý.

Tuy nhiên, khi 20 quốc gia đã thực hiện phá giá đồng nội tệ của họ, ngay cả Nhật Bản và Trung Quốc, thì để tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế, chúng ta vẫn cần phải quan sát chặt chẽ diễn biến thị trường ngoại hối thế giới sẽ đi về đâu, để nếu cần vẫn có sự điều chỉnh nhất định. Nhưng tại thời điểm bây giờ, theo tôi là chưa cần thiết.

- Xin cảm ơn ông!

Bích Diệp (thực hiện)

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”