TS. Nguyễn Đình Cung: Không thể mãi sửa luật theo kiểu "Xuân - Thu nhị kỳ"

Nguyễn Tuyền

(Dân trí) - Sửa luật cần phải ngay, không thể để kiểu sửa luật theo định kỳ "Xuân - Thu nhị kỳ", có hiện tượng, vấn đề phải sửa ngay. Đấy mới là cải cách thực chất và thể hiện một chính quyền phục vụ.

Quan điểm của TS. Nguyễn Đình Cung - thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) - tại Hội thảo Cải cách Môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2021 do CIEM tổ chức tại Hà Nội, sáng nay 21/1.

TS. Nguyễn Đình Cung: Không thể mãi sửa luật theo kiểu Xuân - Thu nhị kỳ - 1

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, việc sửa đổi pháp luật hiện nay cần phải nhanh, không thể mãi kiểu sửa luật theo "Xuân - Thu nhị kỳ", mà khi có hiện tượng, có vấn đề phải sửa ngay để có tính thời sự, có hiệu quả. Đấy mới là cải cách thực chất và thể hiện một chính quyền phục vụ.

Ông Cung cho rằng, Việt Nam nên bỏ chế độ kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp hằng năm mà thay bằng hậu kiểm. Việc kiểm tra định kỳ không giải quyết được vấn đề mà lại phát sinh thêm thời gian cho doanh nghiệp, thậm chí tạo cơ hội cho nhũng nhiễu, tham nhũng mà mất hiệu lực, hiệu quả chính sách.

"Nên bãi bỏ chế độ thanh tra và kiểm tra doanh nghiệp, cần nhấn mạnh sự tự do, an toàn của doanh nghiệp lên trên hàng đầu" - TS Cung nói.

Chuyên gia Nguyễn Đình Cung cho rằng, hiện khu vực năng động nhất của nền kinh tế là các khu công nghiệp ở Đông Nam Bộ và Đồng bằng Bắc bộ. Nhiều nhà đầu tư muốn vào nhưng không có quỹ đất hoặc hết quỹ đất chuyển đổi chức năng cho họ.

"Chúng ta cứ hô hào đầu tư vào công nghệ, nhưng phải có quỹ đất sạch, rộng thì họ mới có tính toán lớn được. Chúng ta phải tăng cường yếu tố nội sinh của nền kinh tế bên cạnh yếu tố ngoại lực" - ông Cung nói.

Theo ông Cung, đối với đổi mới, cải cách khu vực hành chính công, quan trọng nhất là luôn luôn phải có áp lực từ bên trên xuống, từ dưới lên trên, có như vậy mới có thành công được, các áp lực ấy phải liên tục, đạt thành tích mới thôi.

Nguyên viện trưởng CIEM cho biết, việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng mà Bộ trưởng Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng rất quan trọng trong việc thúc đẩy các Bộ, ngành thực hiện cải cách, chuyển đổi.

"Khi Tổ công tác đi làm việc thì trong cặp phải có đủ tài liệu để thúc ép các nơi họ bắt tay vào, chứ không nói chung chung họ không làm. Vì vậy, trong quá trình Tổ này làm việc, các chuyên gia đều phải tập hợp ý kiến của các viện nghiên cứu, các hiệp hội và chuyên gia trong từng vấn đề cụ thể" - ông Cung chia sẻ.

Ông Cung cho rằng, để nền kinh tế có động lực tăng trưởng Việt Nam cần có cơ chế, tài chính khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ.

"Việt Nam cần hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Để trở thành miền đất hứa, Việt Nam cần tăng cường công tác bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đây là yếu tố đặc biệt quan trọng để bảo vệ sự sáng tạo" - ông Cung cho hay.

Theo ông Cung, kinh tế tư nhân cần được tạo hành lang, hệ sinh thái phát triển cả chất lượng, số lượng và tính bền vững. Cần xem kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng trong cho Việt Nam hiện nay.

"Cần xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân, hỗ trợ những ý tưởng, phát kiến, doanh nghiệp nhỏ đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và nâng cao năng suất lao động để hình thành các doanh nghiệp bản địa, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh, có khả năng cạnh tranh quốc tế" - TS Cung nói và cho rằng Việt Nam cần xây dựng mục tiêu rõ ràng là năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60 - 65%.