1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

TS Nguyễn Đình Cung: Doanh nghiệp cần giãn thuế phí từ 1- 3 năm để hồi phục

(Dân trí) - Theo ông Cung, việc thuế phí được giảm vài tháng chỉ đủ để các cơ quan Nhà nước ban hành văn bản, doanh nghiệp cần miễn giảm từ 1 đến 3 năm để phục hồi và tạo giá trị, đóng góp cho nguồn thu.

Tại Tọa đàm "Làm gì để giải cứu doanh nghiệp sau Covid-19?" do Báo Tiền Phong phối hợp với bên thứ 3 tổ chức sáng ngày 9/6, chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng đã phân tích nhiều vấn đề, giải pháp cho nền kinh tế.

TS Nguyễn Đình Cung: Doanh nghiệp cần giãn thuế phí từ 1- 3 năm để hồi phục - 1

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ

Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí về hiệu quả việc các bộ, ngành giãn, hoãn và miễn giảm thuế phí cho doanh nghiệp như VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thuê đất, phí và lệ phí đăng ký ô tô, dịch vụ hàng không chủ yếu chỉ đến hết năm 2020, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng: Giãn, miễn thuế thời gian ngắn kiểu này không ăn thua.

Ông Cung cho rằng, hầu hết doanh nghiệp chưa thể hồi phục sản xuất, kinh doanh như trước Covid-19, thậm chí có những ngành như du lịch thậm chí chưa thể gượng dậy được.

Trong khi đó, chính sách giãn, hoãn và miễn thuế phí chỉ diễn ra trong mấy tháng chỉ đủ thời gian các bộ, ban ngành đưa ra các văn bản, chứ chưa đi vào cuộc sống, nhiều doanh nghiệp chưa được hưởng.

"Giãn, hoãn hay miễn giảm thuế phí trong bối cảnh hiện nay là rất cần, tùy vào mức độ miễn giảm để ra thời gian giãn hoãn. Tuy nhiên, cũng nên để thời gian tối thiểu để doanh nghiệp xoay sở được mà đóng thuế. Tôi kiến nghị miễn, giãn hoãn thuế từ 1 đến 3 năm, tùy vào ngành nghề, loại doanh nghiệp và họ cũng đang rất cần", ông Cung đề nghị.

Bình luận về dấu hiệu nhiều nơi "delay" chính sách dù Chính phủ đồng ý sửa đổi, bãi bỏ do doanh nghiệp kêu lên. Ví dụ, Chính phủ yêu cầu sửa đổi những vấn đề gây khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp tại Nghị định 20/2017 (về khống chế trần chi phí lãi vay doanh nghiệp có hoạt động liên kết). Tuy nhiên, đến nay Bộ Tài chính vẫn chưa ra văn bản, khiến doanh nghiệp khó càng thêm khó?

Ông Cung cho rằng: Thường các chính sách của Chính phủ rất sốt sắng, đưa ra ngay lập tức. Tuy nhiên, nếu cấp trên không tạo áp lực không sát sao thì cấp dưới cứ làm chậm đi.

"Ở Việt Nam, một việc như vậy, được Chính phủ chỉ đạo sửa đổi nhưng nếu không tạo áp lực, không đốc thúc thì rất chậm, thậm chí cứ kéo dài mãi. Bộ máy trì trệ, nên trong các quyết sách, cần quyết liệt hơn, bám đuổi hơn", ông Cung nói.

Cũng theo tiết lộ của ông Cung, dự thảo sửa đổi Nghị định 20/2017 về khống chế trần lãi vay cho doanh nghiệp có hoạt động liên kết đã được báo cáo tác động lên Chính phủ. Theo đó, tác động của thay đổi này khiến ngân sách giảm thu hơn 3.500 tỷ đồng/năm.

Về những nhiệm vụ cốt yếu của nền kinh tế, ông Cung cho rằng, để tạo tăng trưởng dài hạn và kích thích sự phát triển cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ cần quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

"Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng để kích thích sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cần thiết", TS Cung nói.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xem xét, giải quyết thủ tục đầu tư cho các dự án theo đề xuất của doanh nghiệp.

"Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tuyệt đối không được để chậm trễ, tồn đọng hồ sơ chưa giải quyết với tinh thần chống dịch như chống giặc vào phát triển kinh tế, vực dậy đất nước", TS. Cung nhấn mạnh.

An Linh