Phản hồi từ doanh nghiệp: Các bộ "chậm" hỗ trợ ảnh hưởng Covid-19
(Dân trí) - "Doanh nghiệp đặc biệt phản ánh với Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp từ phía các bộ còn chậm; tiếp cận được các nguồn vay với lãi suất thấp hay vốn ưu đãi khác rất khó khăn".
Đây là nội dung nằm trong kiến nghị của nhóm doanh nghiệp gửi Chính phủ tại Báo cáo kết quả khảo sát hơn 350 doanh nghiệp về các giải pháp, hành động khắc phục khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.
Báo cáo này do Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính công bố tại cuộc khảo sát 358 doanh nghiệp đợt 2 từ ngày 7/4-13/4/2020 đưa ra.
Theo báo cáo tại lần điều tra thứ 2, các giải pháp ứng phó của doanh nghiệp tránh tác động của Covid-19 đã tốt hơn rất nhiều so với các lần điều tra trước đó.
Đơn cử, 52% số doanh nghiệp trả lời có sử dụng nền tảng internet để cho phép nhân viên làm việc online, hay cung cấp dịch vụ trực tuyến dạy học online, tư vấn online. Nhiều doanh nghiệp sử dụng internet để marketing và bán hàng. Đợt khảo sát trước đó, tiêu chí này chỉ 3% số doanh nghiệp.
Do dịch Covid-19 nên 5% số doanh nghiệp chuyển hướng kinh doanh, 4% doanh nghiệp cải tiến hiệu quả sản xuất, giảm giá sản phẩm. Số doanh nghiệp có những giải pháp dài hạn để cải tiến kỹ thuật nghiên cứu và phát triển R&D chỉ chiếm 4%. Theo Ban IV, điều này cho thấy, doanh nghiệp Việt vẫn hạn chế về mặt chiến lược, và ứng phó với dịch Covid-19 mới chỉ mang tính vụ việc, thời điểm.
Đáng chú ý, trong đợt khảo sát nói trên, Ban IV đã thu thập được nhiều ý kiến doanh nghiệp tán thành các chính sách chống dịch, chống suy thoái doanh nghiệp, chống thất nghiệp của Chính phủ.
Tuy nhiên, có một số kiến nghị đến Chính phủ là thay vì giải pháp cứu doanh nghiệp kiệt quệ, đổ vỡ vì dịch bệnh, Chính phủ nên bổ sung việc trợ giúp doanh nghiệp khó khăn, chịu ảnh hưởng của dịch.
Doanh nghiệp kiến nghị được hoãn nộp một số khoản như bảo hiểm tự nguyện, tiền đóng quỹ hưu trí và tử tuất hay phí công đoàn... trong vòng 12 tháng để có dòng tiền duy trì hoạt động, thay vì chính sách trước đó là không quá 12 tháng.
"Các doanh nghiệp đặc biệt phản ánh với Chính phủ việc thực hiện các giải pháp từ phía các bộ còn chậm, cũng như việc tiếp cận được các nguồn vay với lãi suất thấp hay các hình thức ưu đãi tín dụng khác là còn rất khó khăn", báo cáo của Ban IV nêu rõ.
Theo báo cáo của Ban IV, doanh nghiệp hiện phản ánh dù có chính sách lớn từ Chính phủ nhưng thực tiễn các các thủ tục cho vay với nguồn vốn rẻ đang rất rườm rà, phức tạp. Các tổ chức tài chính đều yêu cầu các doanh nghiệp phải thế chấp hoặc chứng minh mất nhiều thời gian trong khi nguồn vốn cho việc duy trì sản xuất kinh doanh là rất cấp thiết.
An Linh