1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bỏ thuế nhập linh kiện ô tô: Ngân sách có thể mất hàng tỷ USD mỗi năm

(Dân trí) - Việc Chính phủ miễn thuế nhập khẩu linh kiện ô tô có thể khiến ngân sách mất hàng tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, hy vọng giá xe nội rẻ hơn nhờ bỏ thuế vẫn trông vào sự chủ động của các doanh nghiệp.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính từ năm 2015 trở lại đây, mỗi năm doanh nghiệp lắp ráp xe tại Việt Nam luôn duy trì khoản tiền nhập linh kiện ô tô từ 3- 4 tỷ USD.

Bỏ thuế nhập linh kiện ô tô: Ngân sách có thể mất hàng tỷ USD mỗi năm - 1

Việc bãi bỏ thuế nhập khẩu linh kiện ô tô có thể khiến ngân sách thất thu hàng tỷ USD/năm

Riêng năm 2019, kim ngạch nhập linh kiện tăng vọt lên hơn 4 tỷ USD và xu hướng này có thể sẽ còn tăng mạnh trong những năm tới đây do nhiều doanh nghiệp đưa dây chuyền sản xuất, lắp ráp lớn vào Việt Nam như VinFast, Mazda và Ford.

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2015, Việt Nam chi hơn 3 tỷ USD nhập linh kiện, năm 2016 con số này là 3,57 tỷ USD, năm 2017 là 3,2 tỷ USD, năm 2018 là 3,58 tỷ USD và năm 2019 là hơn 4,16 tỷ USD.

Trong 4 tháng đầu năm 2020, Việt Nam chi 1,16 tỷ USD nhập linh kiện ô tô, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2019 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước đó.

Lượng nhập linh kiện của Việt Nam chủ yếu tập trung vào các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Đức.

Năm 2019, Việt Nam nhập 1,1 tỷ USD linh kiện ô tô từ Hàn Quốc, chiếm gần 30% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này; kim ngạch nhập khẩu linh kiện ô tô từ Nhật cũng đạt 721 triệu USD, chiếm gần 20% tổng kim ngạch; linh kiện ô tô từ Trung Quốc và Thái Lan nhập về Việt Nam lần lượt chiếm từ 10 đến 15% kim ngạch nhập linh kiện ô tô của Việt Nam.

Sở dĩ Việt Nam nhập linh kiện của Hàn Quốc nhiều nhất là bởi hiện nước ta có hai nhà sản xuất, lắp ráp lớn nhất các thương hiệu xe Hàn Quốc là Hyundai của Tập đoàn Thành Công và Kia của Tập đoàn Trường Hải. Trong khi đó, các sản phẩm như Toyota, Honda, Mazda đều chủ yếu được nhập linh, phụ kiện và máy móc từ Nhật Bản hoặc nước đối tác thứ 3 của Nhật là Trung Quốc, Thái Lan.

Năm 2019, Việt Nam tăng cường nhập lượng lớn linh kiện ô tô là bởi VinFast đi vào sản xuất nhiều bản xe thương mại. Một số linh kiện của hãng được nhập khẩu chủ yếu từ Đức, một số nước EU và Trung Quốc.

Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2020/NĐ-CP bổ sung Điều 7b về thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất, lắp ráp ô tô giai đoạn năm 2020 - 2024, đi kèm với việc bổ sung quy định sản lượng chung và sản lượng riêng tối thiểu cho từng doanh nghiệp, từng mẫu xe cụ thể.

Theo các chuyên gia về ô tô, việc giảm thuế nhập linh kiện có đi kèm với yêu cầu về sản lượng riêng, sản lượng chung tối thiểu sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tăng sản lượng, từ đó tăng thuế thu nhập doanh nghiệp, VAT. Việc bỏ thuế nhập linh kiện khiến ngân sách thất thu, song về lâu dài, các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp, VAT tăng lên sẽ bù đắp nguồn thu cho ngân sách Nhà nước trong dài hạn.

"Việc bãi bỏ thuế nhập khẩu xe hơi từ 25% đến 75% tùy theo loại linh kiện và tùy theo quốc gia có thể sẽ giúp chi phí sản xuất xe hơi tại Việt Nam cạnh tranh hơn, giảm thua thiệt về chi phí so với các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, đối với nền sản xuất quy mô nhỏ, hệ sinh thái chưa phát triển hoàn thiện, sự liên thông giữa doanh nghiệp hỗ trợ với doanh nghiệp xe hơi lỏng lẻo, nên bỏ thuế mới chỉ là sự khởi đầu, chưa thực sự đảm bảo lợi thế cạnh tranh tuyệt đối", chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng cho biết.

Hiện nay, ngành ô tô Việt Nam vẫn còn chịu một khoản thuế lớn là Thuế tiêu thụ đặc biệt, hiện Chính phủ cũng đang xem xét trình Quốc hội sửa đổi sắc luật thuế này để đảm bảo cân đối giữa phát triển ngành công nghiệp xe hơi và xây dựng một thị trường xe hơi mở rộng, giá cả hợp lý cho người dân. Nếu việc sửa đổi Thuế tiêu thụ đặc biệt này được thúc đẩy, chắc chắn đây là cơ hội rất lớn cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển trong nay mai.

An Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm