TS. Lê Xuân Nghĩa: Ép lãi suất thấp, tiền sẽ đổ vào vàng, bất động sản

Nếu để lãi suất tiền gửi xuống thấp, người dân sẽ không gửi tiền nữa mà sẽ mua vàng, ngoại tệ, chứng khoán, bất động sản.

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng, không nên gây sức ép để giảm thêm lãi suất tiết kiệm.

TS. Lê Xuân Nghĩa: Ép lãi suất thấp, tiền sẽ đổ vào vàng, bất động sản - 1

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa

Khi "hỗn loạn" thành chuẩn mực "bình thường mới"

Dịch Covid-19 đã từng bước được kiểm soát, tuy nhiên không ai có thể chắc chắn điều gì. Ông nhận định thế nào về khả năng và cơ hội phục hồi của kinh tế thế giới?

Không ai có thể lường trước được về nguy cơ dịch bệnh. Còn có một rủi ro lớn hơn, đó là nếu Mỹ và Trung Quốc vẫn cứ duy trì cuộc chiến thương mại, các vấn đề về tài chính, tiền tệ có thể trầm trọng hơn. 

Tổng giá trị thị trường tài chính hiện tại đã trên 300 nghìn tỷ USD, gấp 4 lần GDP thực của thế giới. Trong đợt nới lỏng tiền tệ mang quy mô toàn cầu này (các gói cứu trợ thực chất là in tiền), trong tương lai, chính phủ nào cũng có thể đối mặt với bất ổn tài chính.

Nhiều nhà tài chính lớn thế giới đã phát biểu: "Chúng ta đang trong một kỷ nguyên hỗn loạn và hỗn loạn trở thành chuẩn mực của bình thường mới". Hỗn loạn về tài chính và hỗn loạn về biến đổi khí hậu, môi trường, dịch bệnh.

Ngoài ra, còn một "hỗn loạn" khác là công nghệ thay đổi rất nhanh nên cạnh tranh rất khốc liệt. Một doanh nghiệp đưa vào một công nghệ mới, nhưng chỉ sau vài ba năm có thể bị đánh sập bởi một công nghệ khác mới hơn.

Trong bối cảnh như ông đề cập, đâu là cơ hội cần nắm bắt?

Kinh doanh trong bối cảnh hiện tại luôn phải tính đến rủi ro, nhưng cũng phải nằm lòng một điều: Cơ hội cũng rất lớn. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà đầu tư phương Tây đã xây dựng cả một kế hoạch chống khủng hoảng cộng với kế hoạch khai thác cơ hội. Người ta thành lập những ban nghiên cứu đặc biệt tìm kiếm các cơ hội trong thời kỳ "hỗn loạn trở thành chuẩn mực của bình thường mới".

Còn ở Việt Nam thì sao, thưa ông?

Ở Việt Nam thì mức độ hỗn loạn chưa nhiều, phần vì chúng ta khống chế dịch tốt, phần khác vì thị trường của chúng ta còn quá nhỏ.

Tuy nhiên, khả năng nắm bắt cơ hội cũng không nhiều. Chẳng hạn, số hóa là một cơ hội. Năm vừa rồi do Covid-19, nhiều đối tác nước ngoài không vào được, nhiều dự án ký rồi mà không triển khai được là một cơ hội vàng cho các doanh nghiệp công nghệ Việt. Thế nhưng, để đẩy lên trở thành một trào lưu mạnh mẽ thì vướng đủ thứ, trong đó có hệ thống pháp luật.

Ví dụ, muốn số hóa hệ thống ngân hàng nhưng Luật Ngân hàng vẫn chưa thay đổi. Nghĩa là tín dụng phải có thế chấp, quản trị rủi ro với đủ các tiêu chí an toàn. Rồi một người mở tài khoản phải đến chi nhánh, nhận dạng bằng hình ảnh, trình CMND, làm đủ thủ tục khác thì số hóa kiểu gì?

Cản trở lớn nhất của việc nắm bắt cơ hội, ngoài việc bị nước ngoài chèn ép thì còn do chính chúng ta.

Mặt bằng lãi suất sẽ nhích lên 

TS. Lê Xuân Nghĩa: Ép lãi suất thấp, tiền sẽ đổ vào vàng, bất động sản - 2

Khi lãi suất tiền gửi xuống thấp, người dân sẽ mua vàng, ngoại tệ, chứng khoán, bất động sản với một kỳ vọng sẽ đạt lợi nhuận cao hơn. Ảnh minh họa: Tạ Hải

Hiện, mặt bằng lãi suất, đặc biệt là lãi suất huy động tụt xuống mức rất thấp, liệu có nên lo ngại dòng vốn "chạy" khỏi hệ thống ngân hàng?

Lãi suất tiết kiệm giảm cũng hoàn toàn dễ hiểu, bởi khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế hiện thấp. Các ngân hàng thương mại cho vay khó nên buộc phải giảm lãi suất huy động để giảm chi phí vốn.

Tuy nhiên, nhìn từ số liệu về tốc độ tăng tiền gửi tiết kiệm của hệ thống ngân hàng mới nhất, ở quanh mức 13 - 14% thì không có vấn đề gì.

Tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng, trong khi doanh nghiệp không mặn mà vay, vậy dòng vốn này đang chảy vào đâu?

Một lượng tiền gửi tiết kiệm đi vào các ngân hàng thương mại để bù đắp cho các khoản nợ xấu mà các ngân hàng không thu hồi được do tác động của dịch Covid-19; do NHNN cho phép giữ nguyên nhóm nợ, vì bình thường các ngân hàng thương mại sẽ đòi nợ cũ về để cho vay mới. Bên cạnh đó, có một lượng vốn chảy sang thị trường khác như bất động sản, chứng khoán...

Nhìn vào bảng cân đối tài chính của các ngân hàng thương mại thời gian qua khá đặc biệt: Các khoản cho vay, kể cả cho vay tiêu dùng, cho vay doanh nghiệp, cho vay liên ngân hàng và kinh doanh chứng khoán thì 4 khoản này có tỷ lệ lợi nhuận gần ngang nhau và rất cao.

Cấu trúc tài chính đó cho thấy một điều, nợ xấu trong thời gian tới của các ngân hàng thương mại đều giảm. Và như vậy, mặt bằng lãi suất không thể nào thấp như hiện nay được, nó sẽ phải tăng.

Cơ sở nào để ông nhận định mặt bằng lãi suất sẽ phải tăng?

Lợi suất trái phiếu Mỹ có xu hướng tăng lên và lợi suất trái phiếu của Việt Nam cũng vậy. Đồng nghĩa, lãi suất tiết kiệm sẽ đi theo xu hướng tăng, mặc dù Chính phủ đang muốn giảm và nén lãi suất tiền gửi thêm một thời gian nữa để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi.

Lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay cũng sẽ tăng lên. Các nước đang rơi vào nguy cơ, nếu tiếp tục duy trì lãi suất thấp như hiện nay thì không khéo sẽ rơi vào bẫy thanh khoản, tức là người ta không gửi tiền nữa vì gửi tiền chẳng có lợi lộc gì.

Nếu để lãi suất tiền gửi xuống thấp, người dân sẽ mua vàng, ngoại tệ, chứng khoán, bất động sản, thậm chí cho nhau vay với một kỳ vọng sẽ đạt lợi nhuận cao hơn. Vì thế, cũng không nên gây sức ép để giảm thêm lãi suất tiết kiệm, mà cố gắng duy trì hoặc có thể tăng thêm chút ít, nhất là với các lãi suất có kỳ hạn dài.

Ngoài ra, lãi suất còn chịu sức ép của lạm phát. Hơn một năm vừa qua, các nước đã in ra một lượng tiền khổng lồ. Ví dụ như Mỹ mỗi lần in ra 2.000 tỷ USD trong khi GDP của họ có 8 - 9 nghìn tỷ USD. Và như vậy, sớm muộn gì cũng sẽ dẫn đến chuyện lạm phát tăng lên và đương nhiên lãi suất sẽ tăng.

Với Việt Nam, chúng ta có gói cứu trợ hơn 60 nghìn tỷ đồng nhưng chỉ giá trị xấp xỉ 1% GDP, trong khi của Mỹ lên tới 25% GDP; Nhật Bản 18% GDP... Điều đó có nghĩa, sức ép lạm phát nội tại của Việt Nam không quá lớn, nhưng vẫn có thể "nhập khẩu" lạm phát từ bên ngoài vào. Bởi, khi lãi suất và đồng tiền của các nước tăng lên, trong chừng mực nào đó, Việt Nam cũng sẽ phải phá giá tiền đồng chút ít để cân bằng với phá giá của nước ngoài.

3 xu hướng đầu tư

Với diễn biến như ông phân tích, các kênh đầu tư sẽ dịch chuyển ra sao, nhà đầu tư sẽ đổ tiền vào những lĩnh vực nào?

Năm 2021 nổi bật vẫn sẽ là 3 xu hướng đầu tư: Bất động sản dài hạn, chứng khoán và vàng ngắn hạn. Ba thị trường này có thể hoán đổi cho nhau về tốc độ tăng, nhưng chắc chắn vẫn có cơ hội lớn.

"Ngoài tín dụng, chính sách quản lý của chúng ta cũng đang để rộng cửa cho nguồn lực chảy vào bất động sản. Thuế là một ví dụ.
 

Hiện, Việt Nam mới chỉ đánh thuế bất động sản khi mua bán, chuyển nhượng. Còn ở các nước, mua đất, mua nhà để không đó cũng bị đánh thuế, nhiều khi mức thuế phải trả còn cao hơn lợi nhuận từ đầu tư, nên không tạo ra làn sóng mua gom bất động sản để đợi dự án, đợi hạ tầng, đợi đô thị hóa.

Và như vậy lưu thông tiền tệ sẽ nhanh hơn, mạnh hơn, đổ vào sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu dồi dào hơn".

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa

Về thị trường bất động sản, các phân tích gần đây của chúng tôi cho thấy chắc chắn sẽ ấm trở lại.
 

Đây là một trong những thị trường ít ỏi còn lại, nếu không muốn nói là duy nhất không có cạnh tranh nước ngoài, có thể tăng trưởng lâu dài và khá bền vững.

Đầu tư vào thị trường bất động sản vẫn cho lợi nhuận cao nhất. Vì vậy nên bất cứ ai có tiền và tiền đủ lớn cũng sẽ nghĩ đến chuyện đầu tư vào bất động sản.

Người có tiền, trong ngắn hạn có thể đầu tư vào chứng khoán và vàng. Theo dự đoán của tôi, vàng cũng có khả năng tăng trưởng khá dài hạn, giống với thị trường bất động sản.

Tốc độ tăng sản lượng vàng mỗi năm chỉ khoảng 1,5% và mấy trăm năm nay đều diễn biến như vậy. 30 năm qua, giá vàng đã tăng tới 40 lần. Về dài hạn, giá vàng vẫn có thể tăng dù lúc này lúc khác có thể biến động.

Còn với lãi suất tiền gửi tiết kiệm, trong dự báo của các chuyên gia gửi về NHNN, hầu hết nhận định lãi suất trái phiếu Chính phủ sẽ tăng lên, kéo theo lãi suất toàn thị trường sẽ tăng lên.

Và như vậy, người gửi tiền có thể cảm thấy được an ủi trong trường hợp khoản vốn tiết kiệm không quá lớn, chưa đủ để đầu tư vào bất động sản hay vàng, chứng khoán…

Theo ông, có cách nào để "nắn" dòng vốn chảy mạnh hơn vào sản xuất, thay vì được rút ra để đầu tư bất động sản hay vàng?

Rất khó! Vì dòng chảy tự nhiên của vốn là tìm đến nơi nào mang lại lợi nhuận tối ưu. Chẳng hạn như thị trường bất động sản, bất chấp dịch Covid-19, giá bất động sản toàn cầu vẫn tăng, từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cho đến châu Âu…

Tại Việt Nam, đất ven đô một số thành phố có tốc độ đô thị hóa lớn đã và đang tăng giá nhanh, dù các phân khúc còn lại như chung cư, du lịch nghỉ dưỡng… đều trì trệ.

Theo nghiên cứu của giới tài chính, với khu vực Đông Nam Á hay châu Á, tỷ trọng tín dụng cho bất động sản trên tổng dư nợ ở mức 7 - 9% là bình thường. Với Việt Nam, tín dụng bất động sản hiện chiếm khoảng 11 - 12% tổng dư nợ, nhưng số liệu thống kê đầy đủ phải lên tới 19 - 20%.

Theo tôi, cùng với siết tín dụng, chúng ta cần có một chính sách dài hạn nhằm ổn định thị trường bất động sản bền vững, như cách chúng ta ổn định giá lương thực, thực phẩm để kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng.

Cảm ơn ông!