TS.Huỳnh Thế Du: "Tôi chọn về nước làm việc do thấy cơ hội tốt hơn ở nước ngoài"
(Dân trí) - "Tôi chọn về nước làm việc là do nhận thấy cơ hội và phát triển bản thân ở Việt Nam tốt hơn ở nước ngoài. Khi phân vân giữa chuyện về hay ở, các yếu tố được xem xét là thu nhập, cơ hội thăng tiến, vị trí xã hội và đóng góp của mình trong xã hội", TS. Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam chia sẻ.
Theo TS Huỳnh Thế Du, môi trường làm việc thật tốt không chỉ ở việc có mức lương cao mà người tài cần cơ chế làm việc hiệu quả, minh bạch và đạt trình độ quốc tế.
Thưa TS, trước bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào kinh tế toàn cầu, khá nhiều chuyên gia Việt thành danh ở nước ngoài về nước làm việc và gặt hái thành công. Theo ông, Việt Nam đã có chính sách thu hút nhân tài được coi là trọng tâm quốc gia hay chưa?
Trong thời đại toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, cùng với các dòng vốn và hàng hoá, dòng nhân lực đang được dịch chuyển hết sức tự do. Chính vì vậy, về nước hay ở lại nước ngoài của du học sinh Việt là một quá trình tự nhiên và sự lựa chọn của mỗi người.
Tuy nhiên, bối cảnh toàn cầu hoá, tự do di chuyển lao động xuyên biên giới là chuyện bình thường. Việt Nam nên xem xét thu hút và trọng dụng nhân tài từ khắp thế giới chứ không hẳn từ mỗi quốc gia. Cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia hay địa phương là cuộc cạnh tranh thu hút doanh nghiệp giỏi, người giỏi và người giàu.
Những người có năng lực tốt có thể tự lo được cuộc sống của mình và gia đình, điều họ cần là một môi trường là việc thuận lợi để thi thố tài năng, phát huy năng lực bản thân chứ không đơn thuần chỉ về vật chất.
Muốn thu hút được người tài, phải xem họ cần gì và mình có đáp ứng được điều đó hay không. Thu hút người giỏi, người giàu về quê hương, cách tốt nhất là phải xây dựng môi trường làm việc thật tốt, tự nhiên họ sẽ đổ xô về, chiến lược này giống như Mỹ và Singapore đang làm.
Việt Nam hiện tham gia khá nhiều hiệp định thương mại tự do song và đa phương (FTAs) như WTO, CPTPP, EVFTA hay RCEP… Bối cảnh toàn cầu đặt ra bài toán cạnh tranh thu hút người tài trên thế giới và người tài Việt, theo ông Việt Nam có lợi thế như nào để cạnh tranh thu hút nhân tài với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới?
Trước mắt chưa thể xây dựng Việt Nam là địa điểm cạnh tranh thu hút nhân tài khắp nơi trên thế giới nhưng thay vào đó chúng ta có thể tập trung vào một số lĩnh vực, một số địa phương.
Chúng ta khó có thể cạnh tranh với Mỹ, Singapore về cấp độ quốc gia nhưng chúng ta có thể làm riêng khía cạnh nào đó để tập trung thu hút nhân lực.
Việt Nam có lợi thế nông nghiệp và sản phẩm nông nghiệp, chúng ta cần tập trung vào ngành mũi nhọn, sản phẩm mũi nhọn, trọng tâm để nâng cao năng suất, kỹ năng tinh xảo để gia tăng giá trị sản phẩm, giá trị ngành và cơ hội thị trường tốt hơn. Cần phải mở tư duy, kêu gọi ý tưởng mới, cách làm mới và tập tục thương mại mới.
Một số ngành khác có lợi thế cạnh tranh và công nghệ thông tin, điện tử và dịch vụ tài chính, dệt may…
Hiện có hai xu hướng là người Việt chọn ra nước ngoài phát triển bản thân nhiều hơn là người Việt ra nước ngoài rồi chọn về lại Việt Nam. Ông đánh giá sao về vấn đề này, có bù trừ trong quy luật này? Liệu Việt Nam có chảy máu chất xám?
Chuyện về hay ở lại phụ thuộc vào chính sách đãi ngộ, sự minh bạch và rõ ràng trong thu hút đầu tư và việc làm của doanh nghiệp, Nhà nước… Người Việt ở nước ngoài vẫn phải giải quyết bài toán tìm trọng số lợi ích và cơ hội để đưa ra quyết định của riêng mình. Đây là việc giải quyết trên cơ sở duy lý chứ không đơn thuần là ý chí chủ quan và áp đặt.
Tuy nhiên, hầu hết khi cuộc sống ổn định, mọi người sẽ bắt đầu quan tâm đế nơi quê hương, chôn nhau, cắt rốn của mình..
Không chỉ có du học sinh, các nghiên cứu sinh mà hầu như tất cả mọi người Việt ở nước ngoài đều muốn quay về Việt Nam trong một thời gian nào đó để phát triển bản thân, đất nước.
Khi được hỏi bất cứ ai về việc họ nghĩ gì về sự phát triển của Việt Nam và có muốn đóng góp cho quê hướng không thì hầu hết họ trả lời có.
Từng là du học sinh và đã lựa chọn quay trở về nước làm việc, ông có thể chia sẻ cách nghĩ, quan điểm của mình về việc nhân tài Việt làm việc, sinh sống và phát triển tài năng ở quê hương?
Với bản thân tôi, tôi chọn về nước làm việc là do nhận thấy cơ hội và phát triển bản thân ở Việt Nam tốt hơn ở nước ngoài. Khi phân vân giữa chuyện về hay ở, các yếu tố được xem xét là thu nhập, cơ hội thăng tiến và vị trí xã hội và đóng góp của mình trong xã hội.
Tôi tin rằng nhiều người Việt ở nước ngoài cũng đang có những lý do như tôi để đưa ra những lựa chọn về nước hay làm việc ở nước ngoài.
Theo tôi, trước tiên là thu nhập, đây là yếu tố đầu tiên quyết định quyết định về hay không về. Nếu không đủ sống thì không ai muốn về, sau thu nhập, mới là các vấn đề về thăng tiến nghề nghiệp, đời sống tinh thần. Và tất nhiên, để có được thu nhập tốt, người ta phải làm việc tốt và có bài bản, rõ ràng cùng với cơ chế làm việc minh bạch, khoa học.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
An Linh
(Thực hiện)