TS Huỳnh Thế Du: Đặc khu kinh tế “không xa lạ” gì với Việt Nam

(Dân trí) - Mô hình Khu kinh tế (KKT) hay Đặc khu kinh tế (ĐKKT) không xa lạ gì với Việt Nam. Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt mang tính phong trào của các KKT ở hầu hết các địa phương trong thời gian qua đang để lại nhiều hệ lụy hơn là những kết quả mong đợi.

Tại Hội thảo bàn về tăng trưởng vừa được tổ chức tại Hà Nội, TS Huỳnh Thế Du, Giảng viên cao cấp từ Đại học Fulbright cho rằng: Phố Hiến và Hội An đã có yếu tố của ĐKKT và KCN Biên Hòa trước năm 1975 cũng vậy, Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo cũng đã được thành lập năm 1979 nhưng sau đó đã phải chuyển thành đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Vừa qua, Phú Quốc là địa phương đi đầu về đề xuất các cơ chế riêng về xây dựng đặc khu
Vừa qua, Phú Quốc là địa phương đi đầu về đề xuất các cơ chế riêng về xây dựng đặc khu

Theo ông Du, thành công của một số nước như Singapore hay Trung Quốc về phát triển các mô hình đặc khu là cám dỗ đối với Việt Nam. Tuy nhiên, cần phải nhìn vào một thực tế rằng, cả Singapore và Trung Quốc đã thành công vì họ có các yếu tố rất cơ bản.

Đó là, vị trí đắc địa và hơn cả là họ đã có sẵn một nguồn nhân lực chất lượng cao ở ngay đó. Đồng thời, họ có tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ của cộng đồng người Hoa ở cả Hồng Kông hay Singapore.

Về thực tế phát triển, ông Du cho rằng cần lấy kinh nghiệm của các KKT cho các đặc khu. Đối với các KKT của Việt Nam, đặc biệt là các KKT ven biển và có gắn với biển, điều nhiều người hay nhắc đến là nguồn nhân lực kỹ năng không có sẵn.

"Các địa phương luôn nhắc đến chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng trên thực tế chỉ có những người thuộc địa phương mới có động cơ trở về địa phương làm việc. Nếu chỉ dựa vào lực lượng này thì quá mỏng để có thể có đủ hàng chục nghìn lao động có kỹ năng cho các ĐKKT trong tương lai", ông Du nói.

Về cơ chế đột phá đóng góp cho sự phát triển, theo ông Du: Muốn có bứt phá thì cần phải có cơ chế khuyến khích các chính sách tốt cho địa phương làm tốt, làm hay. Đi liền với làm tốt, làm hay phải ưu tiên đầu tư, tạo quyền tự quyết.

TS Du nhấn mạnh: "Cách thức phân bổ nguồn lực phổ biến ở Việt Nam hiện nay là người/nơi làm tốt đang “bị phạt” trong khi người làm không tốt hay nơi sử dụng nguồn lực không hiệu quả lại được ưu ái. Bằng chứng rõ ràng nhất là các địa phương đang tạo ra nhiều nguồn thu, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn lại phải chia sẻ hay bị lấy đi rất nhiều, trong khi những địa phương thực sự không có lợi thế kinh tế vẽ vời đủ thứ để tranh giành nguồn lực cho những dự án mà tính khả thi về mặt kinh tế gần như bằng không".

Bên cạnh đó, chuyên gia đến từ Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng: Trong khi chưa tạo được tính liên kết, lan tỏa nguồn lực phát triển, các KKT đã tạo ra tính chất cát cứ địa phương, điều này có thể xảy ra đối với ĐKKT.

Ông Du nói: Thiếu liên kết vùng và cát cứ địa phương là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất cản trở Việt Nam có thể khai thác các tiềm năng một cách tối ưu là một vấn đề đã được nhận ra từ lâu.

TS Du nhắc nhở, các tư duy và cách thức phát triển mô hình KCN và KKT trong ba thập kỷ qua là một trong những nguyên nhân cơ bản gây ra vấn đề này. Trong Báo cáo Việt Nam 2035 do Chính phủ Việt Nam cùng với Ngân hàng Thế giới, những gì đang xảy ra hôm nay là kết quả của những quyết sách hay hành động trong quá khứ và ngày mai cần bắt đầu rút kinh nghiệm từ hôm nay.

"Những “bức tường” quanh các KCN và KKT rất thích hợp cho cát cứ và chia cắt. Do vậy, các cơ chế chính sách trong thời gian tới cần phải phá bỏ chúng nhằm tạo ra sự liên kết và hợp tác giữa các địa phương với nhau. Chìa khóa chính là cơ chế phân chia lợi ích và trách nhiệm của các bên liên quan một cách thực chất để tạo động cơ khuyến khích thay vì đặc quyền phát triển riêng rẽ", TS Du nói.

Nguyễn Tuyền