1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

TS. Bùi Trinh: "Cần kích cầu đúng chỗ, không đẩy thêm gánh nặng cho dân"

(Dân trí) - "Bất kỳ cam kết nào cũng đều là tiền của dân. Nếu tiền hỗ trợ đi sai chỗ, người dân, doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng của Covid-19 lại phải gánh nợ cho các ông lớn"

Quan điểm của tiến sĩ Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế về bài toán hiện thực hóa các gói kích cầu cho người dân, doanh nghiệp thời hậu Covid-19. Phóng viên báo Dân Trí đã có trao đổi với tiến sĩ Bùi Trinh về vấn đề này.

TS. Bùi Trinh: Cần kích cầu đúng chỗ, không đẩy thêm gánh nặng cho dân - 1

Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Bùi Trinh cho rằng: Người dân, doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng của Covid-19 không nên đẩy thêm gánh nợ thêm nữa

Thưa ông, hiện Chính phủ đã đưa ra nhiều gói kích cầu kinh tế, cơ hội cho nền kinh tế phục hồi đang lớn dần. Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận. Theo ông hoạt động hỗ trợ thời gian tới cần cụ thể thế nào?

- Vốn cần đến tay người cần kinh doanh, vốn cần cứu giúp doanh nghiệp đang khó khăn, bù đắp nợ nần để cho doanh nghiệp an yên mới tính đến tạo công ăn việc làm, tạo giá trị cho xã hội.

Tôi nghĩ cách thiết thực nhất chính là lắng nghe doanh nghiệp và có thước đo hiệu quả sử dụng đồng vốn nói trên. Không nên đổ vốn vào nơi thâm dụng, khiến bản đồ nền kinh tế méo mó.

Tôi rất thất vọng với đề nghị của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước cho các tập đoàn Nhà nước tiếp cận gói tín dụng 250.000 tỷ đồng, thời hạn 3 năm, lãi suất 0%.

Nên nhớ, doanh nghiệp Nhà nước thừa hưởng nhiều lợi thế nhưng lại được coi là nơi sử dụng vốn kém nhất trong các loại hình doanh nghiệp hiện nay.

Bằng chứng là số nợ phải trả trên vốn sở hữu Nhà nước của khu vực này rất lớn, năm 2010: tỷ lệ là 3/1 (4 đồng thì có 3 đồng nợ), Tổng cục Thống kê năm 2019 mới công bố là tỷ lệ nợ này năm 2018 đã lên đến 4/1, rất sợ hãi! Từ vấn đề này, tôi nghĩ đề xuất của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là phi kinh tế.

Bất kỳ cam kết nào cũng đều là tiền của dân. Nếu tiền hỗ trợ đi sai chỗ, người dân, doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng của Covid-19 lại phải gánh nợ cho các ông lớn.

Đại dịch đi qua, ngân sách thiếu hụt, chi cho bộ máy vẫn rất lớn... Việt Nam sẽ phải làm sao khi vừa phải đáp ứng yêu cầu giảm, miễn thuế phí cho doanh nghiệp vừa phải cân đối ngân sách thời gian tới?

- Chi thường xuyên, chưa có dịch thì đã trên 70% cơ cấu chi của ngân sách. Khi dịch bệnh hoành hành sẽ khiến số chi sẽ lớn đi. Trong khi đó, ngân sách Nhà nước, địa phương hiện nay cũng đang rất khó khăn, thu hụt đi, trong khi chi tăng lên. Ngoài ra còn phải trả gốc và lãi vay nữa, áp lực rất lớn.

Ở góc độ doanh nghiệp đang ở thế khó khi thị trường xuất khẩu khó khăn, tiêu dùng trong nước giảm, thắt chặt. Áp lực điều hành và làm thỏa mãn mọi thành phần kinh tế là rất khó.

Trong khi đó, dịch bệnh khó khăn, doanh nghiệp kiệt quệ không thể cứ thu mãi, phải giảm thu, miễn thu để nuôi dưỡng nguồn thu. Chúng ta cần triệt để cải cách chi ngân sách thôi chứ không còn cách nào khác.

Tình trạng trên nóng, dưới lạnh vẫn còn và đã bộc lộ qua vấn đề mua máy móc xét nghiệm Covid-19 như ở một số địa phương. Chính phủ cũng cần phải quan sát hiệu quả từ ban hành chính sách đến thực thi chính sách. Xử nghiêm cấp dưới bàng quan, vô trách nhiệm, thậm chí "ăn hôi" trong đại dịch.

Doanh nghiệp Việt đang gặp phải tình thế khó khăn, thị trường xuất khẩu ở các nước Mỹ, EU chưa thực sự mở rộng; nguyên liệu khó khăn do chuỗi cung ứng bị gián đoạn, áp lực trả lương, trả nợ lớn... Ông có cho rằng Việt Nam nên đẩy mạnh cải cách bộ máy, chính sách và tăng niềm tin cho doanh nghiệp?

- Hiện nay, rõ ràng có hai thái cực, khu vực ít chịu tác động thì nhìn ra cơ hội, nhưng khu vực chịu tác động lớn bi quan. Điều quan trọng nhất là chúng ta không bùng phát dịch bệnh.

Doanh nghiệp Việt bản chất là gia công, phụ thuộc đầu vào, hiện nay thị trường Mỹ vẫn khó khăn. Khi nào thế giới tìm được vacxin, khi ấy các doanh nghiệp mới có thể yên tâm sản xuất, kinh doanh được.

Việt Nam là nền kinh tế có độ mở rất cao, phụ thuộc xuất nhập khẩu, điều này rõ ràng sẽ khiến chúng ta chịu tác động tức thì. Về tác động lâu dài, hệ quả đến đâu thì cần nỗ lực của bản thân doanh nghiệp và hỗ trợ của Chính phủ.

Có thể nói, doanh nghiệp nhỏ và vừa bị tác động nhiều bởi đại dịch, năm 2020, kiều hối về Việt Nam có thể sẽ giảm đi, nhiều khó khăn trước mắt đặt ra cho kinh tế Việt Nam?

- Như chúng ta đã biết, doanh nghiệp nội địa của Việt Nam hiện chỉ chiếm 9% trong GDP. Trong khi hàm lượng giá trị gia tăng do doanh nghiệp Việt tạo ra trong thương mại xuất nhập khẩu rất ít.

Đầu vào có, đầu ra có, nhưng lại thiếu hụt chính nguồn lao động. Tôi được biết các doanh nghiệp tại Đồng Nai đang rất khó khăn do không có lao động trở lại làm việc.

Luồng tiền kiều hối năm 2019 gần 17 tỷ USD là rất lớn, GNP (Tổng sản quốc gia- do người Việt Nam tạo ra) đang nới rộng khoảng cách so với GDP. Điều này chứng tỏ giá trị gia tăng của người Việt trong giá trị gia tăng đang thấp, giá trị gia tăng đang nằm trong tay nhiều doanh nghiệp, doanh nhân nước ngoài.

Thực sự tiềm lực quan trọng nhất của nền kinh tế Việt Nam chính là tiết kiệm, mà tiết kiệm phụ thuộc rất nhiều vào kiều hối. Bối cảnh kinh tế thế giới chịu tác động mạnh của đại dịch, lao động Việt tại nước ngoài mất việc, giãn việc, thậm chí phải về quê hương.

Chúng ta có thuận lợi là việc an dân, ổn định dịch bệnh đã thắng lợi, trước mắt là an lòng doanh nghiệp, muốn vậy, cần một Chính phủ kiến tạo, có tầm nhìn trong các chính sách và quản lý.

Covid-19 ngày càng khiến những vấn đề của nền kinh tế Việt Nam bộc lộ rõ và gây khó khăn. Nhưng, qua đại dịch, Việt Nam thấy rõ nội lực của mình, đặc biệt là vai trò của khu vực tư nhân, quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

- Theo tôi Chính phủ dù có kiến tạo, nhưng các cơ quan Bộ, địa phương cứ chậm, làm sai thì rất khó thành hiện thực. Nếu chính sách của Chính phủ đưa ra tốt, nhưng bên dưới không thực hiện, chúng ta sẽ không thể vực dậy doanh nghiệp được.

Các doanh nghiệp tư nhân đa phần họ có cấu trúc doanh nghiệp rất gọn nhẹ, cân đối ngân sách và rủi ro trong dòng vốn khá thấp. Đối với doanh nghiệp cỡ lớn như VinGroup chẳng hạn, chắc chắn họ không cần số tiền cứu trợ của Chính phủ, cái họ cần là chính sách, lắng nghe và tầm nhìn.

Việt Nam đang có một thế hệ doanh nghiệp tư nhân lớn, có thể coi là làm rạng danh đất nước. Họ đồng hành với cả dân tộc, với người dân, đó là minh chứng rõ nhất cho việc đặt niềm tin ở đúng chỗ.

Không ai giúp Việt Nam phát triển hơn chính bàn tay, khối óc và sự tự chủ của người Việt Nam. Tôi mong Chính phủ tạo hành lang chính sách tốt hơn, lắng nghe tốt hơn để tranh thủ từng giờ, từng phút, bước đến thời cơ phát triển mới.

Trân trọng cảm ơn ông!

An Linh (Thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm