Truyền hình trả tiền: Cuộc cạnh tranh mới
Mảnh đất truyền hình trả tiền tưởng chừng rất màu mỡ với hơn 3/4 thị phần chưa được khai thác nhưng thực tế cuộc cạnh tranh đã ngày càng khốc liệt và dữ dội, đặc biệt khi truyền hình số vệ tinh K+ tung ra gói thuê bao với giá 99.000 đồng/tháng.
Theo thống kê, thị trường truyền hình trả tiền của Việt Nam đã đạt mức doanh thu cước thuê bao 3.772 tỉ đồng trong năm 2012, tăng 25% so với năm 2011.
Trong khi đó, theo số liệu thống kê của sách trắng Công nghệ thông tin 2012, hiện chỉ có khoảng 5 triệu thuê bao truyền hình trả tiền trên tổng số 20 triệu hộ gia đình xem truyền hình, chiếm 1/4 thị phần khai thác.
Nắm bắt được xu thế này, các nhà cung cấp dịch vụ THTT đã đua nhau ra đời, đến nay hầu hết mỗi tỉnh, thành đều có truyền hình cáp, ngoài ra còn hàng chục công ty kinh doanh THTT lớn nhỏ khác…Chính vì thế, cuộc đua thu hút thuê bao ngày càng thêm quyết liệt.
Nếu như trước đây, truyền hình trả tiền cạnh tranh dựa trên độ dày của các kênh và hầu như chịu sự thống lĩnh bởi ba nhà cung cấp chính là VCTV, SCTV và VTC thì từ năm 2010 cuộc đua dường như đã thay đổi kể từ khi có thêm “tay chơi” mới K+ gia nhập.
Với sự hậu thuẫn của công ty mẹ Canal+ mà con át chủ bài là bản quyền phát sóng giải bóng đá ngoại hạng Anh và độ phủ sóng toàn quốc nhờ công nghệ truyền hình số vệ tinh, K+ đã nhanh chóng đạt con số nửa triệu thuê bao chỉ trong vòng 3 năm gia nhập, vượt qua cả nhiều đàn anh, đàn chị khác.
Nói về gói thuê bao này, ông Jacques Aymar de Roquefeuil, Phó Tổng giám đốc của VSTV cho biết: “Với gói cước 99.000 đồng, tính ra mỗi ngày chỉ tốn 3.300 đồng, thì ngay cả người dân nông thôn cũng có thể mua được. Chính vì thế, con số 10.000 bộ dành cho gói cước đặc biệt này có thể không đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường”.
Tuy nhiên, một số người lại ngờ rằng, ngoài chuyện giá rẻ ra thì gói thuê bao 99.000 đồng/tháng này của K+ không có gì đặc biệt hơn các gói của các hãng khác khi mà không có 2 kênh át chủ bài K+1 và K+NS?
Nhưng theo ông Jacques Aymar, sở dĩ, K+ tự tin vào gói thuê bao đặc biệt này bởi nó phù hợp với nhiều gia đình. Xét về giá, gói kênh này đang rẻ hơn so với mức giá các gói phổ cập hai ông lớn VCTV và SCTV đang cung cấp.
Còn xét từ góc độ nội dung, gói kênh này có đủ những kênh như: kênh phim truyện (HBO, Star Movies, Cinemax..), kênh giải trí tổng hợp (AXN, Star World, Today TV, Let’s Viet…), kênh ca nhạc (MTV, Channel V, YAN TV,...), kênh thể thao (Fox Sports, Star Sports, VTVcab 3 - The thao TV, VTVcab 16 - Bong da TV), kênh tài liệu (Discovery, National Geographic Channel, Animal Planet,…), kênh thiếu nhi (Disney, Disney Junior, Kids Co, Cartoon Networks,…), kênh tin tức (CNN, BBC, NHK World, VNews,…), các kênh truyền hình quốc gia và địa phương…
Ngoài ra, kênh này còn phát sóng 1/3 số lượng trận bóng đá K+ giữ bản quyền và khá nhiều các bộ truyền hình “bom tấn” của Mỹ dù muộn hơn so với hai kênh K+1 và K+NS.
“Và điều mấu chốt là khách hàng mua gói thuê bao đặc biệt này được lựa chọn nâng cấp lên gói Premium+ để xem các giải đấu ngoại hạng Anh trên các kênh K+1 và K+NS vào mùa giải tới”, ông Jacques Aymar nói.
Có thể nói, cuộc cạnh tranh giành giật thị phần truyền hình đang ngày càng “nóng” trên mọi mặt trận. Nhưng điều được nhất mà người tiêu dùng có thể hưởng lợi ngay đó là chất lượng thì ngày càng nâng lên và giá cả thì ngày càng mềm hơn. Còn với các hãng truyền hình thì quan trọng là người tiêu dùng ngày càng có ý thức trả tiền cho các dịch vụ truyền hình, thậm chí chịu chi hơn để có những kênh nội dung chất lượng, thỏa mãn đam mê riêng của từng cá nhân.
Hoàng Liên