1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Truy cứu hình sự vi phạm liên quan tới mũ bảo hiểm "giả"

(Dân trí) - Cục Quản lý thị trường đã chuyển cơ quan Công an xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự một số trường hợp sai phạm, gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo thông tin từ Bộ Công thương, ngày 27/11/2014 đã diễn ra Hội nghị sơ kết việc thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 8/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý sản xuất kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm (MBH) khi tham gia giao thông.
 
Truy cứu hình sự vi phạm liên quan tới mũ bảo hiểm giả
Kinh doanh MBH chủ yếu là các cơ sở, cá nhân nhỏ lẻ, bày bán trên lòng đường, vỉa hè, không kinh doanh cố định, bán lẫn với các loại hàng hóa khác…
 
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Theo báo cáo của Ủy ban ATGTQG, sau gần 2 năm thực hiện Chỉ thị 04, trật tự, kỷ cương trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng MBH đã từng bước được tăng cường.
 
Từ tháng 4/2013 đến nay, thông qua công tác tuần tra kiểm soát lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra lập biên bản gần 6,9 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông; Kho bạc nhà nước thu 3.958,1 tỷ đồng; tước giấy phép lái xe trên 582.000 trường hợp; tạm giữ gần 129.000 xe ô tô, 854.700 xe mô tô. Trong đó đã xử phạt hơn 896.000 trường hợp không đội MBH hoặc đội MBH không cài quai đúng quy cách. Một số địa phương có kết quả xử phạt cao như: Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An, Bình Định, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Điện Biên, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Phú Thọ, v.v…
 
Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện và xử lý đối với 3 cơ sở sản xuất kinh doanh giả mạo chứng nhận hợp quy và gắn dấu CR lên mũ không phải MBH, thu giữ các phương tiện sản xuất, xử lý theo quy định của pháp luật, xử phạt hành chính, tiêu hủy trên 1.000 chiếc MBH giả mạo chứng nhận hợp quy và nhiều tem nhãn vi phạm; chuyển hồ sơ sang các cơ quan chức năng xử lý 12 cơ sở.
 
Đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra 8 cơ sở sản xuất, kinh doanh MBH, xử lý tiêu hủy trên 3.000 MBH giả, không đảm bảo chất lượng, xử phạt trên 50 triệu đồng.
 
Theo ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, trong năm 2013 và 8 tháng đầu năm nay, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan (Ủy ban ATGTQG, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa – Tổng Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Công an, chính quyền địa phương) triển khai công tác kiểm tra, xử lý vi phạm và đạt được nhiều kết quả tích cực.
 
Tổng số vụ đã kiểm tra gần 18.200 vụ, trong đó số vụ vi phạm xấp xỉ 3.000 vụ và số vụ đã xử lý gần 2.600 vụ. Số hàng hóa tịch thu, tiêu hủy trên 129.400 sản phẩm. Trị giá hàng hóa vi phạm gần 3,5 tỷ đồng. Tổng số tiền phạt hành chính là 2,6 tỷ đồng. Các vi phạm chủ yếu là không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, nhập lậu, không có nguồn gốc xuất xứ hoặc vi phạm các quy định về ghi nhãn hàng hóa. Ngoài ra, Cục Quản lý thị trường đã chuyển cơ quan Công an xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự một số trường hợp sai phạm, gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.
 
Hiện tại, cả nước có khoảng trên 80 cơ sở sản xuất MBH (giảm 20% so với năm 2013). Tuy nhiên trong tổng số các doanh nghiệp sản xuất MBH hiện nay, số doanh nghiệp tự sản xuất toàn bộ linh kiện và lắp ráp MBH hoàn chỉnh không quá 10 doanh nghiệp, còn lại các doanh nghiệp chỉ sản xuất vỏ mũ và mua các linh kiện khác về láp ráp MBH, đặc biệt là các cơ sở nhỏ lẻ. Vì vậy công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm rất khó khăn.
 
Đối với các trường hợp kinh doanh, sử dụng các loại mũ không phải là MBH nhưng có hình dáng bề ngoài giống như MBH, mũ giả mạo MBH…, nhưng không có đủ cấu tạo, bộ phận như quy định MBH, không đảm bảo an toàn nếu người điều khiển mô tô, xe gắn máy sử dụng, căn cứ vào các văn bản pháp luật hiện hành để xử lý vi phạm hành chính trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng các loại mũ này hiện đang có nhiều bất cập.
 
Trong đó, kinh doanh MBH chủ yếu là các cơ sở, cá nhân nhỏ lẻ, bày bán trên lòng đường, vỉa hè, không kinh doanh cố định, bán lẫn với các loại hàng hóa khác… nên công tác kiểm tra, kiểm soát đối với các đối tượng này gặp rất nhiều khó khăn, nhiều trường hợp đối tượng không hợp tác. Việc kiểm tra chất lượng loại MBH tại các cơ sở bán nhỏ lẻ còn bất cập do các cơ sở này thường bán rất nhiều loại mũ, mỗi loại chỉ bán một vài chiếc trong khi giám định MBH phải lưu mẫu và thường có các chỉ tiêu như độ bền va đập và hấp thụ xung động, độ bền đâm xuyên, quai đeo.
 
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Trọng Tín đề nghị, Chủ tịch Ủy ban ATGTQG chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố giao nhiệm vụ cho từng chính quyền quận, huyện, phường, xã, nếu để tình trạng bày bán MBH, mũ nhựa các loại trên lòng đường, vỉa hè thì chính quyền địa bàn đó chịu trách nhiệm. Đồng thời, lực lượng chức năng địa phương phải xây dựng kế hoạch kiểm tra thường xuyên, triển khai đồng bộ các giải pháp từ việc kiểm tra, xử lý vi phạm các cơ sở sản xuất, kinh doanh đến công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về sử dụng MBH đối với người tham gia giao thông.
 
Bích Diệp
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm