Mũ bảo hiểm “dỏm” vẫn sống khỏe?
(Dân trí) - Nhằm chấn chỉnh các vấn đề về mũ bảo hiểm (MBH), Ủy ban ATGT Quốc gia lưu ý việc phải công khai thông tin cơ sở sản xuất, kinh doanh MBH kém chất lượng. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn chưa “mặn mà” với việc này khiến thị trường MBH vẫn bát nháo.
Gần 5 tháng qua, kể từ khi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng - Phó chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (UBANTGQG) ký văn bản chỉ đạo số: 69/KH-UBATGTQG về tổ chức chiến dịch tuyên truyền và triển khai đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ không phải MBH cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy.
Văn bản nêu rõ việc công khai thông tin cơ sở sản xuất, kinh doanh MBH kém chất lượng trên báo đài là rất cần thiết. Tuy nhiên, đến nay, nhiều địa phương trên cả nước vẫn chưa thực sự “mặn mà” với việc công khai này, khiến cho thị trường MBH kém chất lượng vẫn còn đất sống.
Ghi nhận thực tế vào thời điểm hiện tại trên nhiều tuyến đường tại TP.HCM không khó để kiếm một điểm bày bán mũ bảo hiểm dỏm trái phép trên lòng lề đường hoặc tại các ngã tư. Riêng tại tuyến đường Nguyễn Trãi (Q.5), khu vực công viên Phú Lâm (Q.6) tình trạng bày bán mũ bảo hiểm trái phép, lấn chiếm lòng lề đường vẫn tồn tại ngang nhiên và ngày càng bành trướng quy mô. Tại những điểm bán này, đã không ít lần cơ quan chức năng của Cục Quản lý thị trường - Bộ Công thương cũng như thanh tra Bộ Khoa học - công nghệ từng đích thân ra quân nhằm dẹp bỏ nhưng không thành.
Kết quả kiểm tra cho thấy gần như 100% sản phẩm mũ bảo hiểm bày bán tại đây là mũ bảo hiểm kém chất lượng, giả mạo tem hợp quy CR, mũ không phải mũ bảo hiểm với giá rẻ từ 35.000 - 70.000 đồng/cái.
Nhìn nhận về vấn đề này, một cán bộ Cục trưởng Quản lý thị trường - Bộ Công thương cho biết: việc bắt giữ và xử phạt các cơ sở kinh doanh, buôn bán MBH kém chất lượng chỉ mới là xử lý ở phần ngọn, chế tài xử phạt hiện còn quá nhẹ chưa đủ sức răn đe, cơ chế phối hợp còn quá nhiều bất cập trong khi các cơ sở mọc lên ngày một nhiều vì lợi nhuận cao đã làm cho thị trường MBH rơi vào tình trạng bát nháo, khó kiểm soát.
Thực trạng này không chỉ xảy ra tại thành phố lớn như TP.HCM mà ở các tỉnh lân cận cũng xảy ra tương tự. Cụ thể, Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Vĩnh Long vừa công bố kết quả các đợt kiểm tra chất lượng MBH lưu thông trên thị trường từ đầu năm 2014 đến giữa tháng 8 vừa qua. Tổng số được kiểm tra là 23 cơ sở. Kết quả kiểm nghiệm tại Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3 ) cho thấy có 8 mẫu sản phẩm hàng hóa không đạt yêu cầu chất lượng (chiếm 53,3% số lượng).
Theo đó, qua kiểm tra phát hiện trong 9 cơ sở vi phạm trên thì có đến 8 cơ sở vi phạm chất lượng, còn 1 cơ sở vi phạm về nhãn hàng hóa, với tổng số tiền xử phạt hơn 29 triệu đồng. Cụ thể: Cửa hàng Phú Cường (64/7C, khóm 6, phường 4, TP Vĩnh Long) do bà Huỳnh Tuyết Nga làm chủ, mẫu vi phạm mang nhãn hiệu Nabico, mã hàng T1 do Công ty TNHH MTV Nabico sản xuất (60/7 Trương Phước Phan, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh); Cửa hàng điện thoại di động Phương Tâm (64/7C, khóm 6, phường 4, TP Vĩnh Long) do ông Nguyễn Thế Nhân đăng ký chủ hộ kinh doanh, với mẫu vi phạm là Napoli, kiểu N019 do cơ sở Sóng Hùng sản xuất (137/198 Trịnh Đình Trọng, phường Phú Trung, quận Tân Phú); Cửa hàng thời trang nón Xuân An (Hưng Thới, Thanh Đức Long Hồ) do ông Nguyễn Quốc Khánh làm chủ, mẫu vi phạm là Nana, mã hàng No4 do cơ sở Trương Thị Nội sản xuất (283 đường Kênh Tân Hóa, Hòa Thạnh, Tân Phú).
Hộ kinh doanh Hồ Long Hải tại nhà lồng chợ Bách hóa tổng hợp Vĩnh Long (phường 1, TP Vĩnh Long), vi phạm mẫu GRS, kiểu A33K do Công ty TNHH MTV sản xuất, thương mại Hoàng Quán sản xuất (4A15 đường Thanh Niên, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh – vi phạm nhãn hàng hóa); Hộ kinh doanh Phạm Văn Tiến tại nhà lồng chợ Bách hóa tổng hợp Vĩnh Long (phường 1, TP Vĩnh Long), mẫu vi phạm Asian, mã hàng A1 do Công ty TNHH thương mại, sản xuất Kim Tú sản xuất (183/36 đường 3/2, phường 11, quận 10); Doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Đạt 3 (169A Tân Xuân, Tân Ngãi, TP Vĩnh Long) do bà Nguyễn Thị Cẩm Vân làm chủ, vi phạm trong việc bán mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy hiệu Yamaha AT Automatic;
Hộ kinh doanh Tú thời trang trẻ (46 Nguyễn Huệ, phường 2, TP Vĩnh Long), vi phạm MBH Via Helmet, mã hàng: TVP-VIA 03K do Công ty TNHH MTV sản xuất, thương mại Tân Vạn Phước (địa chỉ 101/51AD Phạm Đình Hổ, phường 6, quận 6) sản xuất; Hộ kinh doanh nón bảo hiểm H.Q (72 Nguyễn Huệ, phường 2, TP Vĩnh Long), vi phạm MBH Imode Helmest, mã hàng: 183F do Công ty TNHH Long Huei (23DT 743 KCN Sóng Thần 2, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương) sản xuất; hộ kinh doanh Phạm Thị Phương Lan (141 Lê Thái Tổ, phường 2, TP Vĩnh Long), vi phạm MBH GRS, kiểu A33K do Công ty TNHH sản xuất, thương mại Hoàng Quán (4A15 đường Thanh Niên, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh) sản xuất.
Trong khi đó, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an thành phố Hà Nội vừa thông tin, chỉ trong tháng 7 vừa qua, PC46 Hà Nội đã phát hiện và thu giữ hơn 5.000 MBH không đạt chất lượng. Cụ thể, trong tháng 7-2014, PC46 Hà Nội tổ chức kiểm tra tại 6 điểm kinh doanh MBH lớn trên địa bàn TP. Hà Nội, lấy 21 mẫu mũ của 11 nhà sản xuất phân phối ngoài thị trường để kiểm định chất lượng tại Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KH&CN). Dù tất cả mẫu mũ được kiểm định đều dán tem hợp quy CR và các cơ sở kinh doanh đều có hoá đơn chứng từ, giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng do cơ quan chức năng cấp nhưng kết quả kiểm định 21 mẫu mũ trên thì thấy tới 17 mẫu mũ (của 8 nhà sản xuất - chủ yếu tại TP.HCM) không đảm bảo chất lượng như công bố.
Cụ thể: 8 nhà sản xuất vi phạm gồm Công ty TNHH MTV đầu tư và phát triển công nghệ Sơn Tùng; Công ty TNHH sản xuất thương mại kỹ thuật Á Châu; Cơ sở sản xuất Sóng Hùng; cơ sở sản xuất Trương Thị Nội; Công ty TNHH Tân Vạn Phước; Công ty TNHH sản xuất thương mại Hoàng Quán và Công ty TNHH một thành viên Nabico (đều có địa chỉ kinh doanh ở TP Hồ Chí Minh); Công ty TNHH CN Long Huei (địa chỉ kinh doanh ở Hà Nội).
Như vậy, chỉ mới qua 2 tỉnh, thành phố công bố kết quả kiểm tra đã có tới 5 doanh nghiệp vi phạm tại 2 nơi gồm: Napoli (cơ sở Sóng Hùng); Nana (cơ sở Trương Thị Nội); GRS (Công ty Hoàng Quán); Andes (Công ty Longhuei) và TVP (Công ty Tân Vạn Phước). Được biết, 5 cơ sở, công ty sản xuất nêu trên đều được kiểm nghiệm và chứng nhận hợp quy tại Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia khẳng định, việc công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng về các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, mua bán, kinh doanh MBH kém chất được xem là cái gốc của vấn đề kiểm soát MBH kém chất lượng nhằm triệt tiêu triệt để những sản phẩm này trên thị trường.