Mũ bảo hiểm được chứng nhận hợp quy vẫn…“dỏm”

(Dân trí) - Một lực lượng hùng hậu và nhiều văn bản chỉ đạo đã được ban hành nhằm chấn chỉnh thị trường mũ bảo hiểm (MBH), tuy nhiên thực tế vấn nạn MBH kém chất lượng vẫn đang lộng hành với khá nhiều nhà sản xuất “có tên tuổi” vi phạm.

Mũ bảo hiểm “dỏm” vẫn “sống khỏe”

Nhiều loại MBH kém chất lượng vẫn đang tràn ngập thị trường

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ đầu tháng 10/2014, mặt hàng MBH là 1 trong 3 mặt hàng cần được đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát và xử lý nếu có vi phạm từ nay đến Tết Ất Mùi 2015. Tuy nhiên thực tế MBH kém chất lượng gắn  với khá nhiều nhà sản xuất có “tên tuổi” vẫn phổ biến tại TP.HCM và các địa phương.

Theo báo cáo của Tổng cục TCĐLCL, Quản lý thị trường TP.HCM, Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ, TP Hà Nội… thì nhiều mẫu MBH của các cơ sở sản xuất MBH có thương hiệu trong cả nước (chủ yếu tập trung tại TP.HCM) đã vi phạm về chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia – QCVN2 - 2008/BKHCN.

Cụ thể, tại An Giang, Chi cục QLTT tỉnh này cho biết địa phương này không có cơ sở sản xuất MBH. Toàn bộ sản phẩm này bán trên thị trường chủ yếu được cung cấp từ TP Hồ Chí Minh. Qua nhiều đợt điểm kiểm tra MBH trên địa bàn đã phát hiện hàng loạt sai phạm. Trong đợt kiểm tra mới nhất (tháng 8/2014), đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh lấy 9 mẫu MBH để kiểm nghiệm chất lượng. Kết quả là có 8 mẫu không đạt, và đều là các cơ sở sản xuất tại TP Hồ Chí Minh gồm các nhãn hiệu: Napoli (của cơ sở sản xuất Sóng Hùng); M&M (Kim Minh); HH001 (Công ty TNHH Hùng Hậu); VIA; Amoro; Nikko; Vanaco và mẫu của Công ty TNHH MTV Dũng Xuân.

Những loại MBH không đạt chất lượng dễ dàng vỡ vụn chỉ với lực va đập nhẹ
Những loại MBH không đạt chất lượng dễ dàng vỡ vụn chỉ với lực va đập nhẹ

Trước đó, vào cuối tháng 5/2014, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng tỉnh An Giang cũng lập đoàn kiểm tra chất lượng MBH tại 6 huyện, thị, thành phố gồm TP Long Xuyên, thị xã Tân Châu và các huyện Châu Thành, Phú Tân, Thoại Sơn, Tri Tôn.  Kết quả kiểm tra chất lượng phát hiện có 8/8 mẫu MBH (tỷ lệ 100%) đều không đạt yêu cầu chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia và tất cả đều thuộc các cơ sở sản xuất có “tên tuổi” tại TP.HCM.

Lực lượng QLTT kiểm tra một điểm sản xuất MBH và phát hiện hàng loạt sai phạm
Lực lượng QLTT kiểm tra một điểm sản xuất MBH và phát hiện hàng loạt sai phạm

Cụ thể, MBH hiệu M&M Helmet của đơn vị sản xuất Kim Minh (1138A, Nguyễn Văn Quá, phường Tân Thới Hiệp, quận 12); MBH hiệu Kinota Helmet của đơn vị sản xuất Công ty TNHH MTV Kim Ngọc Tài (109 Nguyễn Quý Yêm, phường An Lạc, quận Bình Tân); MBH hiệu Fifa Helmet của đơn vị sản xuất Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại và Dịch vụ FIFA (146 Lê Đình Cẩn, khu phố 10, phường Tân Tạo, quận Bình Tân); MBH hiệu Via Helmet của đơn vị sản xuất Công ty TNHH MTV Sản xuất – Thương mại Tân Vạn Phước (101/51AD Phạm Đình Hổ, phường 6, quận 6); MBH hiệu MK Helmet của Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ Minh Khôi (326/32A Nguyễn Thụy, khu phố 4, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân); MBH Araya Helmet của đơn vị sản xuất Công ty TNHH Hùng Hậu (69A Trương Phước Phan, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân); MBH hiệu Xuchu Helmet của đơn vị sản xuất Công ty TNHH MTV Thương mại – Sản xuất Dũng Xuân (411/34/24 Bến Phú Lâm, khu phố 4, phường 9, quận 6) và hiệu MBH hiệu Nana Helmet của cơ sở sản xuất Trương Thị Nội (283 đường Kênh Tân Hóa, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú).

Còn “nương tay” với cơ sở sản xuất vi phạm?

Lực lượng QLTT kiểm tra một điểm sản xuất MBH và phát hiện hàng loạt sai phạm
Tem nhãn làm giả của một công ty sản xuất MBH tại quận Bình Tân từng bị lực lượng QLTT phát hiện, thu giữ

Tại TP.HCM, tháng 9/2014, Chi cục QLTT TP.HCM đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 12,5 triệu đồng và tiêu hủy 1.280 MBH thương hiệu Napoli không chứng nhận hợp quy, không đảm bảo chất lượng do cơ sở Sóng Hùng (Napoli) sản xuất. Như vậy, việc xử phạt trên là quá nhỏ và không nhằm nhò gì so với mức độ vi phạm của cơ sở sản xuất này.

Báo cáo của các cơ quan chức năng các địa phương qua các đợt kiểm tra MBH  cho thấy, không chỉ cơ sở Sóng Hùng mà nhiều mẫu MBH của nhiều đơn vị sản xuất có “tên tuổi” khác cũng vi phạm nhiều lần tại các địa phương mà thông tin chúng tôi có được. Cụ thể, dẫn đầu là Công ty TNHH MTV Sản xuất – Thương mại Tân Vạn Phước; cơ sở sản xuất Trương Thị Nội (NaNa); cơ sở sản xuất Sóng Hùng (Napoli); Công ty TNHH MTV Sản xuất - Thương mại Hoàng Quán (GRS), đều có mẫu MBH vi phạm về chất lượng 4 lần tại địa bàn  Hà Nội, TP.HCM, Vĩnh Long và An Giang; Công ty TNHH Long Huei (KCN Sóng Thần 2, tỉnh Bình Dương), vi phạm 3 lần về chất lượng tại TP.Hà Nội và Vĩnh Long; Công ty TNHH MTV Nabico (60/7 Trương Phước Phan, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân), vi phạm chất lượng 2 lần tại TP.Hà Nội và Vĩnh Long; M&M (Kim Minh) vi phạm 2 lần tại An Giang.

Những thông tin ảo được dán trên MBH
Những thông tin ảo được dán trên MBH
Những thông tin "ảo" được dán trên MBH

Trước thực trạng nhiều doanh nghiệp sản xuất MBH có uy tín trên địa bàn TP.HCM đa số được Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3) cấp giấy chứng nhận đạt chất lượng nhưng lại vi phạm hàng loạt ở nhiều địa phương, nhận định về vấn đề này, lãnh đạo Trung tâm 3 cho rằng, việc kiểm tra, thử nghiệm và cấp giấy chứng nhận sản phẩm MBH đạt chất lượng do Trung tâm 3 đảm nhiệm nhưng nếu doanh nghiệp sản xuất MBH vi phạm về chất lượng thì sẽ xử lý nghiêm bằng cách rút giấy phép và hủy luôn kết quả chứng nhận chất lượng dù cho DN đó “có tên tuổi”.

Tuy nhiên, theo một số DN sản xuất MBH tại TP.HCM, hiện nay việc để có chứng nhận hợp quy không quá khó. Các DN bị tước giấy chứng nhận ở Trung tâm chứng nhận này vẫn có thể “chạy” qua Trung tâm khác. Chính khâu “gác cổng” lỏng lẻo này khiến thị trường MBH sau hàng loạt đợt ra quân rầm rộ nhưng vẫn không thể đi vào nền nếp như chỉ đạo. Nhiều DN chỉ cần chứng nhận 1 đến 2 mẫu sau đó làm bao nhiêu tùy cũng được. Mẫu đem thử nghiệm để chứng nhận hợp quy đạt chất lượng nhưng khi sản xuất lượng lớn đưa ra thị trường lại không đạt.

Những thông tin ảo được dán trên MBH
Dù nhiều lực lượng chức năng đã vào cuộc nhưng thị trường MBH vẫn chưa được chấn chỉnh phải chăng vì chế tài còn nhẹ?

Việc tràn lan các loại MBH “dỏm” đang khiến nhiều nhà sản xuất MBH đau đầu. Ông Võ Đức Thiện, Giám đốc Marketing Công ty Mũ bảo hiểm Protec cho rằng, các cơ quan chức năng cần xử lý thật mạnh tay đối với những cơ sở sản xuất MBH kém chất lượng bằng cách tịch thu MBH kém chất lượng, tịch thu giấy phép kinh doanh, xử phạt hành chính thật nặng đối với doanh nghiệp sản xuất và tiểu thương kinh doanh MBH kém chất lượng, đồng thời tăng cường các biện pháp thanh tra quản lý thị trường, ngăn chặn MBH kém chất lượng lưu thông trên thị trường. Xây dựng khung pháp lý đủ mạnh để răn đe những cá nhân, tổ chức sản xuất và kinh doanh MBH kém chất lượng.

Trung Kiên
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”