1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Trưởng đặc khu Hồng Kông bị khóa thẻ tín dụng

Hương Vũ

(Dân trí) - Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông - Carrie Lam chia sẻ rằng, thời gian qua bà gặp khó khăn trong việc sử dụng thẻ tín dụng sau khi bị chính phủ Mỹ đưa vào danh sách trừng phạt.

Trưởng đặc khu Hồng Kông bị khóa thẻ tín dụng - 1
Trưởng đặc khu Hồng Kông- bà Carrie Lam. Ảnh: Reuters

Trả lời phỏng vấn với CGTN, bà Lam cho biết, bản thân đang gặp phải một số bất tiện trong việc sử dụng thẻ tín dụng, do bà phải sử dụng nhiều dịch vụ tài chính và không rõ liệu những giao dịch này có liên quan đến doanh nghiệp của Mỹ hay không.

“Dù có một số bất tiện trong công việc cá nhân của tôi, tôi không có gì phải bận tâm. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm những điều đúng đắn cho đất nước và Hồng Kông”, bà Lam nói tại một cuộc họp báo hàng tuần ở Hồng Kông.

Ngày 7/8 Mỹ đã chính thức công bố các lệnh trừng phạt đối với Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Carrie Lam, cảnh sát trưởng và cựu cảnh sát trưởng Hồng Kông, cùng 8 quan chức khác vì vai trò của họ trong việc “làm suy yếu các quyền tự do chính trị tại đặc khu” sau khi luật an ninh quốc gia được thông qua hồi tháng 6 vừa qua.

Theo lệnh trừng phạt, toàn bộ tài sản và lợi ích liên quan tại Mỹ của các quan chức có tên trong danh sách, hoặc các tổ chức do họ sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp từ 50% trở lên, bị phong tỏa và phải được báo cáo cho Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ.

Trong một cuộc họp vào hôm 18/8 vừa qua, Trưởng đặc khu Hồng Kông cho rằng, các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với mình - và sự trả đũa rộng hơn từ chính quyền Trump đối với Hồng Kông - là “vô lý”.

Đề cập đến việc Mỹ mới đây yêu cầu hàng hóa sản xuất tại Hồng Kông xuất sang Mỹ phải gắn mác “Sản xuất tại Trung Quốc” từ sau 25/9, bà Lam khẳng định, Hồng Kông và Trung Quốc đại lục là hai thành viên riêng biệt của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Hồng Kông sẽ khiếu nại lên tổ chức này quyết định của Washington.

Bloomberg đưa tin vào tuần trước rằng, các ngân hàng nhà nước lớn nhất của Trung Quốc hoạt động tại Hồng Kông đang thực hiện các bước dự kiến ​​để tuân thủ các biện pháp trừng phạt của Mỹ áp dụng đối với các quan chức trong thành phố, khi họ tìm cách bảo vệ quyền truy cập của mình vào nguồn vốn quan trọng bằng đô la và mạng lưới ở nước ngoài.

Những ngân hàng lớn có hoạt động tại Mỹ bao gồm Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và Ngân hàng Chiêu thương Trung Quốc đều tỏ ra thận trọng, chưa đồng ý mở tài khoản mới cho 11 quan chức nằm trong danh sách trừng phạt của ông Trump.

Bắc Kinh cũng như chính quyền Hồng Kông đều khẳng định, luật an ninh mới chỉ nhắm đến một nhóm đối tượng nhỏ, trong khi quyền lợi, tự do của người Hồng Kông cũng như lợi ích các nhà đầu tư nước ngoài vẫn được đảm bảo. Tuy nhiên, Mỹ và nhiều các nước châu Âu chỉ trích luật này, gọi đây là sự hủy hoại tự chủ, tự do của Hồng Kông và làm suy yếu nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”.