Trung Quốc tuyên bố tiếp tục tài trợ cho châu Phi bất chấp cáo buộc bẫy nợ

(Dân trí) - Trung Quốc đã hứa sẽ tiếp tục tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng theo Sáng kiến ​​"Vành đai và Con đường" ở châu Phi, bất chấp những chỉ trích ngày càng gay gắt rằng các khoản đầu tư của nước này đang trở thành gánh nặng cho các quốc gia mắc nợ.

Trung Quốc tuyên bố tiếp tục tài trợ cho châu Phi bất chấp cáo buộc bẫy nợ - 1

Kenya muốn có nhiều sản phẩm Kenya hơn trên kệ hàng của Trung Quốc

Tại thủ đô Nairobi của Kenya hôm thứ Tư, theo một phần của chuyến đi 4 ngày tới châu Phi, đặc phái viên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Yang Jiechi cho biết, Bắc Kinh cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với Kenya và các nước châu Phi khác thông qua "Vành đai và Con đường". Với kế hoạch này, hàng tỷ đô la của chính phủ Trung Quốc sẽ liên kết Trung Quốc, châu Âu và châu Phi thông qua đầu tư vào đường sắt, đường bộ, cảng, đập, nhà máy điện và cầu.

Gửi thông điệp từ chủ tịch Tập Cận Bình cho Tổng thống Kenya -Uhuru Kenyatta, ông Yang cho biết, các dự án cơ sở hạ tầng của "Vành đai và Con đường" và Diễn đàn về Hợp tác Trung Quốc - châu Phi, một diễn đàn chính thức giữa Trung Quốc và các quốc gia châu Phi, sẽ nhằm thúc đẩy thương mại nội bộ châu Phi và thương mại liên khu vực giữa châu Phi và châu Á.

Theo như một phần của sáng kiến "Vành đai và Con đường", Bắc Kinh đang tài trợ và xây dựng đường sắt tiêu chuẩn. Giai đoạn đầu tiên của tuyến đường sắt, từ thành phố cảng Mombasa ven biển đến thủ đô Kenya, Nairobi, đã hoàn thành vào năm 2017 và tiêu tốn 3,2 tỷ USD. Phần thứ hai, nối Nairobi đến Naivasha, một thị trấn ở Thung lũng Rift, gần hoàn thành, với chi phí 1,5 tỷ USD.

Kế hoạch này sẽ nối Kenya với Uganda, và các quốc gia không giáp biển khác trong Vùng Ngũ Đại Hồ.

Nhưng Kenya vẫn chưa đảm bảo được tài trợ cho giai đoạn thứ ba của tuyến đường sắt. Trong cuộc họp năm ngoái tại Hội nghị diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi năm ngoái, Kenya đã thất bại trong việc xin vay Trung Quốc số tiền cần thiết để mở rộng tuyến đường sắt này.

Trung Quốc đã nói rằng Kenya cần phải làm lại một nghiên cứu khả thi để chứng minh khả năng thương mại của dự án trước khi trao vốn.

Để tuyến đường sắt có ý nghĩa kinh doanh, nó phải đến được Uganda, để kết nối với Nam Sudan và Rwanda và có thể là cả Cộng hòa Dân chủ Congo, quốc gia đặc biệt giàu khoáng sản.

Hôm thứ Tư, không có thông tin nào về việc Trung Quốc có đồng ý ứng trước khoản vay 3,8 tỷ USD cần thiết cho đường sắt Kisumu hay không, nhưng Yang cho biết tuyến đường sắt mới là cần thiết để phát triển các ngành công nghiệp ở quy mô rộng ở châu Phi và tạo việc làm.

Ông nói rằng, Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Kenya để đảm bảo hoạt động an toàn và hiệu quả của tuyến đường sắt mới và hỗ trợ quốc gia Đông Phi này phát triển vành đai kinh tế và khu công nghiệp dọc theo tuyến.

“Với đường sắt, chúng ta có thể có các khu công nghiệp và tất cả các loại hoạt động buôn bán”, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc nói.

Ngoài ra, ông Yang cho biết, Trung Quốc sẽ tăng cường phối hợp và hợp tác với Kenya trong các vấn đề quốc tế và khu vực.

Tại cuộc họp, Kenya cũng hối thúc Bắc Kinh mở cửa thị trường cho phép nhiều sản phẩm của Kenya vào Trung Quốc hơn. Với việc bơ của Kenya gần đây đã tiếp cận được thị trường Trung Quốc, Kenya muốn thấy nhiều sản phẩm Kenya hơn, đặc biệt là trà và cà phê, trên kệ Trung Quốc.

Bắc Kinh là đối tác thương mại và cho vay song phương lớn nhất của quốc gia Đông Phi này. Năm ngoái, Trung Quốc đã xuất khẩu 5,19 tỷ USD hàng hóa sang Kenya trong khi chỉ mua 173,96 triệu USD sản phẩm từ quốc gia này.

Tổng thống Kenyatta cũng cho biết, hợp tác giữa Kenya với Trung Quốc đã cho phép quốc gia này mở rộng thương mại nhiều hơn. Các dự án cơ sở hạ tầng mà Kenya đã thực hiện với sự tài trợ của Trung Quốc cũng đang giúp kết nối khu vực, thu hút đầu tư và tạo việc làm.

Từ Kenya, Trung Quốc sẽ hướng đến Tây Phi và Nigeria. Nigeria hiện là quốc gia châu Phi nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc đứng thứ hai Lục địa đen, với 13,4 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc vào năm ngoái.

Quan chức Trung Quốc cũng sẽ tới Sierra Leone, trong một nỗ lực để hàn gắn mối quan hệ với quốc gia Tây Phi này, sau khi hủy bỏ một dự án sân bay 400 triệu USD vào năm ngoái.

Đặc phái viên Trung Quốc ở Châu Phi cũng cho biết, Bắc Kinh đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng ở châu Phi từ các quốc gia như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Nga và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất,... Bởi tất cả đều muốn có phần từ thị trường giàu tài nguyên của Châu Phi.

Chẳng hạn, đầu năm nay, chính quyền của Tổng thống Mỹ, Donald Trump đã tiết lộ Sáng kiến ​​“Thịnh vượng châu Phi”, nhằm hỗ trợ đầu tư của Mỹ vào châu Phi.

Năm ngoái, Tồng thống Trump đã thành lập một cơ quan trị giá 60 tỷ đô la Mỹ - Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ - để cạnh tranh với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại châu Phi và Nam Mỹ.

Nhật Bản cũng đã nói rõ rằng họ dự định hợp tác với Bắc Kinh ở châu Phi bằng cách khuyến khích các công ty của họ đầu tư vào lục địa này. 

Bắc Kinh cũng đang đối mặt với những lời chỉ trích từ phương Tây rằng các hoạt động cho vay của họ ở châu Phi là một bẫy nợ, cung cấp các khoản vay cho các quốc gia không có khả năng trả nợ cho họ.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã bác bỏ các cáo buộc trên và cho biết, họ đang giúp châu Phi phát triển trong khi các nước khác đang từ bỏ lục địa này.

Thùy Dung

Theo SCMP