Trung Quốc trong cuộc đua tạo ra "siêu lợn"

(Dân trí) - Câu hỏi hóc búa nhất đối với các nhà khoa học là làm thế nào để những con lợn khỏe mạnh hơn.

Trung Quốc trong cuộc đua tạo ra siêu lợn - 1

Bên trong trang trại khổng lồ giống như một pháo đài ở ngoại ô Bắc Kinh, hàng chục con lợn đang ngủ ngon lành, bất chấp mùa đông lạnh lẽo. Những con lợn thí nghiệm này đã được tăng cường gen để điều chỉnh nhiệt, giúp chống lại mùa đông khắc nghiệt ở Trung Quốc.

Loại gen mà nhà nghiên cứu Jianguo Zhao đưa vào DNA của chúng là một trong số hàng chục ví dụ về kỹ thuật di truyền đang được tiến hành ở Trung Quốc và trong các phòng thí nghiệm trên thế giới để tạo ra giống “siêu lợn”.

Trong nhiều năm, nhiệm vụ của các nhà khoa học là tạo ra giống lợn có chất lượng thịt ngon hơn, lớn hơn và phát triển nhanh hơn. Bây giờ, trong bối cảnh bùng phát cơn sốt lợn tàn khốc trên toàn cầu, có một nhiệm vụ quan trọng hơn đó là bảo vệ an ninh lương thực và giữ cho những con lợn con sống sót.

“Câu hỏi hóc búa nhất đối với các nhà khoa học là làm thế nào để những con lợn khỏe mạnh hơn”, theo ông Zhao, 45 tuổi, người đứng đầu một nhóm gồm 20 nhà nghiên cứu và kỹ thuật viên tại Viện Động vật học của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc ở Bắc Kinh, nơi ông trở thành một thành viên chủ chốt trong việc biến đổi gen lợn.

Tuy nhiên, tham vọng này của Trung Quốc không chỉ nằm ở lợn. Trong hàng chục phòng thí nghiệm trên toàn Trung Quốc, các nhà khoa học đang tìm cách để phát triển các dòng cây lương thực và rau xanh vượt trội, trong khi một số nhà khoa học khác đang vượt qua ranh giới của khoa học y tế, tiến tới đột biến hoặc chống các căn bệnh truyền nhiễm như HIV.

Trung Quốc trong cuộc đua tạo ra siêu lợn - 2
Một con lợn được cấy gen để chống bệnh Huntington trong phòng thí nghiệm Quảng Châu.

Ở Trung Quốc, đang có một cuộc chạy đua công nghệ sinh học trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ, dân số đang già đi nhanh chóng và tài nguyên để nuôi sống hơn 1,4 tỷ dân số nước này đang ngày càng giảm. Giá thịt lợn tăng vọt khiến cả Hội đồng Nhà nước và nội các Trung Quốc phải kêu gọi sử dụng khoa học và công nghệ nhiều hơn để thúc đẩy sản xuất thịt của đất nước.

Theo số liệu của Bloomberg, Trung Quốc đã vượt qua các quốc gia khác và tiến tới chạy đua cùng Mỹ trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển.

Trung Quốc đã gửi các nhà khoa học đầy triển vọng ra nước ngoài, như ông Zhao, để học hỏi từ những nơi tốt nhất thế giới.

Khuôn viên nơi nuôi những con lợn biến đổi gen của ông Zhao được bao quanh bởi ba lớp trạm kiểm soát an ninh và có thể chứa 4.000 con lợn.

Thị trường Trung Quốc cho thuốc sinh học và công nghệ sinh học nông nghiệp đang là một phần của ngành công nghiệp ước tính trị giá 228 tỷ USD, nhưng sự gia tăng trong đầu tư của Trung Quốc đã gây lo lắng cho Washington. Vào tháng 7, Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ-Trung đã đưa ra các rủi ro tiềm ẩn về việc Mỹ ngày càng phụ thuộc vào công nghệ sinh học và thuốc của Trung Quốc.

Tại Viện Roslin, Scotland, nơi các nhà khoa học đã làm việc trên các động vật biến đổi gen trong hơn hai thập kỷ qua, Lillico và các đồng nghiệp đã nghiên cứu thành công những con lợn có khả năng chống lại cơn sốt lợn ở châu Phi. Công việc đã được thực hiện bằng sử dụng một loại gen có tên là RELA cấy vào những con lợn được nuôi trong trang trại nhằm tăng khả năng sống sót của chúng.

Hiện vẫn không có cách điều trị hay vắc-xin cho vi-rút này, nên một phần tư số lợn trên hành tinh bị huỷ diệt bởi cơn dịch lợn châu Phi. Do vậy, tạo ra những con lợn có thể ngăn chặn căn bệnh một cách tự nhiên sẽ là chìa khóa của kỹ thuật di truyền lợn.

“Kết quả từ một thử nghiệm cho thấy những con lợn được chỉnh sửa gen có thể chống nhiễm trùng từ virus xuất huyết”, Lillico nói.

Hội chứng lợn tai xanh, đã giết chết 400.000 con lợn ở Trung Quốc vào năm 2006 và khiến hàng triệu người mắc bệnh. Năm 2015, Lillico và đồng nghiệp đã nghiên cứu thành công bằng cách chỉnh sửa gen để tạo ra  những con lợn kháng virus này. 

Đó là một công cụ thay đổi cuộc chơi cho ngành công nghiệp thịt lợn, nơi mà Trung Quốc thống lĩnh thị trường trị giá khoảng 118 tỷ USD/năm và chiếm khoảng một nửa nhu cầu thịt lợn toàn cầu.

Tuy nhiên, hiện thực phẩm biến đổi gen vẫn chưa được chấp thuận để bán ở Trung Quốc nhưng với tình hình như hiện nay, ông Zhao và các nhà khoa học cho rằng, rào cản cuối cùng cũng sẽ được dỡ bỏ.

Trung Quốc trong cuộc đua tạo ra siêu lợn - 3
Những con lớn biến đổi gen tại một phòng thí nghiệm Trung Quốc.

Ông Zhao cho biết, ông và các nhà khoa học Trung Quốc khác đang vận động chính phủ xem xét lại các chính sách của mình đối với động vật biến đổi gen. Tuy nhiên, ông nghi ngờ rằng những con lợn gầy hơn của mình sẽ khó có thể được tiêu thụ rộng rãi.

“Ngay bây giờ ở Trung Quốc, điều đó rất cứng nhắc”, ông Zhao nói. “Có thể sẽ mất vài năm”.

“Nhưng Trung Quốc không có nhiều năm để bù đắp sự thiếu hụt thịt lợn do dịch bệnh, thiếu hụt 10 triệu tấn nguồn cung thịt lợn đã đẩy giá tới mức kỷ lục”, ông nói.

Thùy Dung

Theo Bloomberg