Trung Quốc sẽ còn cấm biên đến hết tháng 10

Nhịp độ xuất khẩu hàng Việt sang Trung Quốc tại các tỉnh giáp biên đã giảm từ tháng 3 đến nay, giao dịch thời điểm này khá trầm lắng.

Hàng hoá vẫn chờ ở bến Ka Long, chưa biết tới bao giờ để “xuất khẩu” được sang Trung Quốc.
Hàng hoá vẫn chờ ở bến Ka Long, chưa biết tới bao giờ để “xuất khẩu” được sang Trung Quốc.

 

Tình hình này được dự báo sẽ còn kéo dài đến hết tháng 10 tới.

 

Tồn kho hơn 3.800 container

 

Theo ghi nhận của phóng viên, từ hơn một tháng nay, biên giới Việt Nam – Trung Quốc khu vực Móng Cái (Quảng Ninh) đã bị đóng cửa, khiến cho việc giao thương bị ngưng trệ hoàn toàn.

 

Nhiều chủ hàng cho biết, phía Trung Quốc tăng cường thêm hàng ngàn người, lập các lán kiểm tra với mật độ dày đặc dọc tuyến biên giới giáp với địa bàn Móng Cái. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên sau rất nhiều năm, phía Trung Quốc cấm hoàn toàn, không cho bất kỳ loại hàng hoá nào qua biên giới hai nước. Trước đây, mỗi lần cấm biên hàng hoá vẫn có thể được qua lại trong vài giờ mỗi ngày.

 

Tại các cửa khẩu và điểm thông quan ngày 9 và 10/8, lượng hàng hoá bốc dỡ xuống tàu, đò rất ít. Số lượng xe container lưu hành trên quốc lộ 18 cũng hầu như không có.

 

Thống kê của UBND thành phố Móng Cái cho thấy, tính đến ngày 9/8, trên địa bàn thành phố còn tồn 3.860 container hàng hoá các loại, trong đó có 1.314 container lạnh đang được lưu giữ tại các kho bãi phải cắm điện bảo quản chờ xuất khẩu.

 

Một vài ngày qua, một doanh nghiệp chuyên làm tạm nhập tái xuất hàng với Trung Quốc đã buộc phải tiêu huỷ lô hàng đông lạnh đã tắc tại biên giới từ hơn một tháng nay. Đại diện doanh nghiệp này cho biết không thể chờ hơn vì chi phí lưu kho, điện bảo quản đã quá lớn.

 

Nguyên nhân không phải từ phía Việt Nam

 

Bộ Công thương cho rằng hiện tượng hàng hoá xuất khẩu chậm lại hiện nay không phải do nguyên nhân từ phía Việt Nam. Các cơ quan liên quan của chính quyền các tỉnh giáp biên đều tạo điều kiện thuận lợi tối đa và doanh nghiệp Việt cũng hoàn toàn có đủ năng lực giải phóng hàng.

Còn tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), hoạt động xuất nhập khẩu từ tháng 6 đến nay cũng giảm đáng kể, chủ yếu là hàng nông sản. Phía Trung Quốc gần đây tăng cường công tác quản lý hàng hoá, người và phương tiện, tăng kiểm dịch, lực lượng hải quan phía trong tăng cường ra quản lý tại cửa khẩu. Nếu như hồi đầu năm, mỗi ngày bình quân có 300 – 400 xe vận chuyển hàng hoá qua cửa khẩu, đến đầu tháng 8 chỉ còn khoảng 200 xe.

 

Với cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn), từ tháng 6 đến nay hàng tạm nhập tái xuất (mặt hàng xuất khẩu chính là qua cửa khẩu) không xuất được, do phía Trung Quốc tăng cường quản lý với hàng tạm nhập tái xuất. Hiện chỉ còn xuất một số mặt hàng nông sản như tinh bột sắn là chính.

 

Ở tỉnh Lào Cai, trong quý 2, nhóm các mặt hàng xuất khẩu cao su và đường giảm mạnh, do phụ thuộc nhiều vào việc thay đổi chính sách quản lý biên mậu từ phía Trung Quốc.

 

Chính sách cấm biên còn kéo dài

 

Theo đánh giá của bộ Công thương, trên toàn tuyến biên giới hiện nay, hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc có xu hướng chậm lại và giảm về số lượng cũng như kim ngạch.

 

Chẳng hạn như tại Móng Cái, trong 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 2,607 tỉ USD, chỉ bằng 79% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Nguyên nhân chủ yếu là do phía Trung Quốc tăng cường giám sát, chống buôn lậu, kiểm tra kiểm dịch (thường gọi là cấm biên). Trung bình mỗi năm phía Trung Quốc có 1 – 2 đợt tăng cường như vậy, mỗi đợt kéo dài từ 1 – 2 tháng. Tuy nhiên, năm nay đợt tăng cường này kéo dài từ tháng 4 đến nay và dự kiến còn kéo dài đến sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 vào tháng 10 năm nay.

 

Đáng chú ý, Trung Quốc chỉ tập trung chống buôn lậu trong phạm vi nội biên, không ảnh hưởng đến các hoạt động thương mại bình thường khác theo thông lệ quốc tế hoặc thoả thuận của hai nước Việt – Trung. Bên cạnh đó, cũng không có dấu hiệu Trung Quốc có thay đổi trong chính sách thương mại với Việt Nam, hoặc quan hệ thương mại bị ảnh hưởng bởi các vấn đề khác.

 

Trước tình hình đó, một số ý kiến cho rằng, các Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh, Côn Minh và Quảng Châu (Trung Quốc) cần tăng cường công tác nắm tình hình thực tế, thông báo sớm về những thay đổi chính sách của phía Trung Quốc, đặc biệt là các đợt cấm biên để giúp doanh nghiệp chủ động.

 

Về phía các doanh nghiệp, cần tranh thủ khai thác lợi thế của hiệp định Tự do thương mại ASEAN – Trung Quốc để tăng xuất khẩu theo diện chính ngạch, tránh phụ thuộc vào chính sách biên mậu của Trung Quốc.

 

Theo Quốc Dũng – Thiên Bình

SGTT