Trung Quốc sau 5 năm gia nhập WTO
Kể từ khi gia nhập WTO đến nay, Trung Quốc luôn là nước có mức tăng trưởng thương mại nhanh nhất thế giới. Họ trở thành nước có giá trị thương mại lớn thứ ba sau Liên minh châu Âu và Mỹ.
Tạp chí Thời báo kinh tế Hong Kong số ra tháng 11/2006 đăng bài với nhan đề “Trung Quốc 5 năm sau khi gia nhập WTO: Thương mại phát triển nhanh, nhưng nỗi lo vẫn còn”.
Bài báo viết: “Hàng rào xuất nhập khẩu bị hạ thấp sau khi gia nhập WTO khiến Trung Quốc nhanh chóng trở thành một nước lớn về thương mại. Hiện Trung Quốc có hàng rào mậu dịch thấp nhất trong số các nước đang phát triển, mức thuế nhập khẩu bình quân thấp hơn 10%. Năm 2001 mức thuế này cao hơn 15%.
Ngày 11/12 tới, đánh dấu tròn 5 năm Trung Quốc gia nhập WTO. Nếu như nói có ấn tượng gì nổi bật trong 5 năm qua thì đó chính là kim ngạch mậu dịch từ chỗ chiếm 40% GDP trong năm 2001, đến năm 2005 đã chiếm tới 80%.
Sau 5 năm gia nhập WTO, Trung Quốc giành lợi nhiều mặt, nhưng không tránh khỏi đối diện với một số thách thức. Nổi bật nhất là các tranh chấp thương mại và mâu thuẫn mậu dịch gay gắt do sự mất cân đối trong xuất nhập khẩu gây ra.
Theo thống kê của WTO, Trung Quốc vấp phải các biện pháp chống bán phá giá nhiều nhất trong số các nước thành viên. Từ năm 1995 đến 2005, khoảng 2.743 biện pháp chống bán phá giá đã thực hiện trên toàn cầu, trong đó có 434 biện pháp nhằm vào hàng hóa Trung Quốc, chiếm khoảng 16%.
Chỉ riêng năm 2005, đã có 18 nước và khu vực tiến hành 63 vụ điều tra về chống bán phá giá và chống trợ giá đối với hàng hóa (kim ngạch lên tới 2,1 tỷ USD) của Trung Quốc.
Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc hiện nay chiếm 40% GDP, có quy mô lớn nhất toàn cầu. Có học giả cho rằng cục diện mà Trung Quốc đối diện hiện nay giống như cục diện của Nhật Bản trong thập niên 1980 của thế kỷ trước. Sự trỗi dậy của Nhật Bản khi đó khiến cả nước Mỹ lo lắng. Năm 1984, xuất siêu của Nhật Bản sang Mỹ lên tới 36,8 tỷ USD. Sang năm 1985, Mỹ buộc sử dụng “hiệp định Quảng trường” làm vòng kim cô để siết chặt Nhật Bản.
Theo TTXVN