Trung Quốc phạt kỷ lục Alibaba 2,75 tỷ USD: Tiếp theo sẽ là ai?

(Dân trí) - Theo các chuyên gia, các khoản phạt chống độc quyền của chính phủ Trung Quốc đối với những nền tảng internet độc quyền lớn chắc chắn không dừng lại tại đó. Sắp tới có thể còn nhiều khoản phạt lớn hơn.

Cơ quan quản lý Trung Quốc vừa tuyên bố phạt Tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma 18 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 2,75 tỷ USD) vì vi phạm luật chống độc quyền. Mức phạt này là cao nhất từ trước tới nay tại Trung Quốc, tương đương 4% doanh thu nội địa năm 2019 của tập đoàn này.

Trung Quốc phạt kỷ lục Alibaba 2,75 tỷ USD: Tiếp theo sẽ là ai? - 1

Trung Quốc vừa tuyên bố phạt Tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma 18 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 2,75 tỷ USD) (Ảnh: Getty).

Đánh giá về mức phạt trên, ông Liu Xu - nghiên cứu tại viện chiến lược của Đại học Tsinghua cho rằng: "Khoản tiền phạt 2,75 tỷ USD không lớn như chúng ta nghĩ. Nó chỉ là một mức phạt mang tính biểu tượng đối với Alibaba. Tác động của nó đối với các nền tảng internet còn lại của Trung Quốc là rất hạn chế".

Ông We Gu, Giám đốc Công ty Luật Zhongwen Bắc Kinh, thì bày tỏ, mức phạt trên cho thấy các nền tảng internet tại Trung Quốc cần tuân thủ pháp luật và tạo ra giá trị đích thực cho người tiêu dùng chứ không chỉ nhăm nhăm vào lợi nhuận.

Theo ông, đây chỉ là sự khởi đầu. Các khoản phạt chống độc quyền của chính phủ Trung Quốc đối với các nền tảng internet độc quyền lớn chắc chắn không dừng lại tại đây. Sắp tới có thể sẽ còn nhiều khoản phạt lớn hơn.

Đồng quan điểm với ông Liu Xu, ông Mitchell Kim, nhà phân tích độc lập tại TMT, New York, cho rằng, khoản tiền phạt tuy cao kỷ lục nhưng vẫn chưa đến 1% vốn hóa thị trường của Alibaba.

"Nếu hình phạt này cho phép Alibaba "leo lên khỏi miệng hố" thì nó cũng đáng giá. Tôi không cho rằng sức mạnh của Alibaba bị suy giảm đáng kể khi bị loại bỏ tính độc quyền với các thương gia", ông nhận định.

Theo Yungting - luật sư tại Văn phòng luật Debund Thượng Hải - Alibaba và Tencent - hai "ông lớn" công nghệ của Trung Quốc - đều đối mặt với vi phạm Luật chống độc quyền. Cụ thể họ đã lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường để yêu cầu các thương gia lựa chọn giữa mình và các đối thủ cạnh tranh.

Ông nói: "Trung Quốc cần thực hiện với một ví dụ điển hình để thể hiện quyết tâm chống độc quyền của mình. Khoản tiền phạt kếch xù đã cho thấy điều đó".

Dickie Wong, Giám đốc điều hành Công ty chứng khoán Kingston, Hồng Kông, nhận xét: "Sau tất cả, hình phạt này có thể không phải là một điều xấu. Bởi Alibaba đã nằm trong "tầm ngắm" của cơ quan quản lý kể từ sau khi bị đình chỉ vụ IPO của Ant Group. Trong ngắn hạn, cổ phiếu của Alibaba có thể sẽ gặp áp lực. Nhưng điều đó không chỉ xảy ra với Alibaba mà với các "ông lớn" internet Trung Quốc khác, bao gồm cả Tencent. Thị trường đang suy đoán xem mục tiêu tiếp theo là ai".

"Bất kỳ tác động nào đến giá cổ phiếu của Alibaba chỉ là trong ngắn hạn. Nó sẽ không ảnh hưởng đến giá trị của công ty này. Tôi tin rằng Cơ quan quản lý nhà nước về quy chế thị trường Trung Quốc sẽ còn trừng phạt nhiều nền tảng thương mại điện tử khác nữa, chẳng hạn như các đại lý bán xe online hay đại lý bất động sản trực tuyến", Lu Ming - chuyên gia phân tích tại hãng nghiên cứu Aequitas, Thượng Hải - cho hay.

Tuy nhiên, ông Francis Lun, CEO của Công ty chứng khoán GEO, Hồng Kông cho rằng, những gì xảy ra sau án phạt này của Alibaba có khả năng là gây thiệt hại cho các gã khổng lồ internet khác tại Trung Quốc.

"Họ đã hưởng sự tăng trưởng khủng khiếp khi chính phủ làm ngơ và cho phép họ thực hiện các hành vi thiếu cạnh tranh. Nhưng giờ họ không thể làm được điều đó nữa, họ có thể vẫn sẽ có thị phần lớn nhưng sẽ không chiếm ưu thế như hiện tại", ông nói.

Theo ông, cổ phiếu của Alibaba sẽ bị điều chỉnh do hậu quả của mức phạt này. Alibaba sẽ mất vị thế độc quyền và phải cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng.