Trung Quốc: Nhiều hàng kém chất lượng

(Dân trí) - Theo tin chính thức từ Tổng Cục Kiểm dịch, Thanh tra và Giám sát Chất lượng Trung Quốc (AQSIQ), gần 1/5 hàng hóa sản xuất nội địa phục vụ tiêu dùng trong nước không đạt tiêu chuẩn về an toàn và chất lượng.

Thông tin về việc hàng hóa của Trung Quốc, ở cả trong và ngoài nước, không đạt tiêu chuẩn an toàn chất lượng đang tràn ngập trên phương tiện truyền thông. Các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, Nhật Bản và EU đều đã yêu cầu Bắc Kinh phải tăng cường công tác thanh, kiểm tra hàng xuất khẩu.

 

Thông tin đăng tải trên trang web của AQSIQ cho biết kết quả khảo sát 114 mặt hàng do hơn 6.300 doanh nghiệp trong nước sản xuất cho thấy 19,1% sản phẩm phục vụ thị trường nội địa Trung Quốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

 

Trái cây đóng hộp/túi và thủy sản sấy khô là các mặt hàng có nhiều vấn đề về chất lượng nhất, phần lớn bị phát hiện có chứa vi khuẩn và các chất phụ gia vượt quá giới hạn cho phép.

 

Mặc dù đây là đợt khảo sát đối với nhiều mặt hàng, nhưng trọng tâm là hàng thực phẩm, các sản phẩm tiêu dùng thông dụng, máy nông nghiệp và phân bón.

 

Từ đầu năm đến nay, mối lo ngại về độ an toàn của hàng hóa Trung Quốc đã lan ra toàn thế giới, mở đầu bằng việc hàng nghìn chó, mèo ở Bắc Mỹ bị chết, và người ta đổ lỗi cho thức ăn có chứa phụ gia độc hại xuất xứ từ Trung Quốc.

 

Gần đây, các cơ quan chức năng Mỹ đã trả lại hoặc tiến hành thu hồi thủy sản có dư lượng kháng sinh, nước ép hoa quả có chứa phụ gia tạo màu không an toàn và tàu hỏa đồ chơi sơn bằng loại sơn có chì. Kem đánh răng do Trung Quốc sản xuất cũng đã bị nhiều nước cấm tiêu thụ do có chứa diethylene glycol, thành phần độc hại thường có trong chất chống đông.

 

Ngày 4/7, tờ China Daily của Trung Quốc, cho biết thực phẩm xuất khẩu của Trung Quốc đôi khi không đáp ứng được tiêu chuẩn của nước nhập khẩu do vấp phải hệ thống quy định về chất lượng khác nhau. Vì thế, cần sớm có tài liệu hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp.

 

Hãng tin Tân Hoa Xã đã trích lời ông Li Yuanping, phụ trách vấn đề an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu của AQSIQ, cho biết trong 2 năm qua, 99% thực phẩm của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn, đây là tỷ lệ rất cao.

 

Tuy nhiên, ở Mỹ vẫn liên tiếp xảy ra các vụ thu giữ, cấm hoặc thu hồi hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Gần đây nhất là vụ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) tuyên bố sẽ thu giữ các mặt hàng cá da trơn, cá basa, tôm, cá chình và cá chầy của Trung Quốc, sau nhiều lần phát hiện dư lượng hóa chất mà Mỹ đã cấm sử dụng trong thủy sản nuôi.

 

Trước tình hình đó, AQSIQ đã áp dụng một số biện pháp mới nhằm đảm bảo chất lượng thủy sản nuôi xuất khẩu, đồng thời yêu cầu các chi cục địa phương phải “nhận thức rõ hậu quả và những thiệt hại mà quyết định của FDA gây ra cho ngành thủy sản Trung Quốc”.

 

Bên cạnh việc tăng cường công tác thanh kiểm tra, AQSIQ tuyên bố sẽ đăng công khai trên website của mình tên các doanh nghiệp vi phạm quy định và cấm xuất khẩu trong thời gian 2 năm.

 

Bắc Kinh đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm xóa đi “tiếng nhơ” về chất lượng sản phẩm. Gần đây, thanh tra Trung Quốc cho biết đã đóng cửa 180 nhà máy sản xuất thực phẩm trong nước chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm nay và tịch thu hàng tấn kẹo, dưa góp, bánh quy và thủy sản có chứa formaldehyde, phẩm màu bất hợp pháp và sáp công nghiệp.

 

Giới chức Trung Quốc cho biết hầu hết các doanh nghiệp vi phạm đều là cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ hoặc các xưởng sản xuất thực phẩm không có giấy phép hoạt động, với chưa đến 10 nhân viên. Theo tin từ các phương tiện truyền thông của Trung Quốc, 75% trong tổng số khoảng 1 triệu cơ sở chế biến thực phẩm của Trung Quốc có quy mô nhỏ và thuộc sở hữu tư nhân.

 

Kết quả khảo sát của AQSIQ cho thấy hơn 93% sản phẩm của các công ty lớn của Trung Quốc đáp ứng được tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn, trong khi chỉ có khoảng 73% sản phẩm của các công ty nhỏ đáp ứng tiêu chuẩn. Tuy nhiên, AQSIQ lại không nói rõ tiêu chí phân loại quy mô doanh nghiệp.

 

Đặng Lê

Theo AP