Trung Quốc muốn xây đường sắt Cần Thơ: Chờ Bộ quyết
Đó là khẳng định của ông Trịnh Ngọc Vĩnh - Phó Giám đốc thường trực Sở GTVT Cần Thơ, trước việc Trung Quốc muốn hợp tác xây đường sắt ở Cần Thơ.
Bộ GTVT là cơ quan lựa chọn chủ đầu tư
Bên cạnh đó, trước câu hỏi đặt ra tại sao không lựa chọn nhà đầu tư Hàn Quốc hay Nhật Bản mà lại chọn Trung Quốc, ông Vĩnh cho biết thêm: "Chúng tôi cũng sẽ tìm hiểu thật kỹ rồi mới lựa chọn nhà đầu tư để phối hợp, chứ không phải đã quyết định lựa chọn nhà đầu tư Trung Quốc".
Theo ông Vĩnh cho hay thì để lựa chọn nhà đầu tư nào thì cũng phải nghiên cứu, xem xét, cân nhắc lợi ích. Bây giờ mới chỉ có nhà đầu tư Trung Quốc đặt vấn đề biết đâu sau này có thêm nhiều nhà đầu tư khác.
Đặc biệt, trước những lo ngại được đặt ra khi hợp tác với Trung Quốc trong việc mở rộng các tuyến đường sắt, đó là họ muốn đầu tư ồ ạt vào đường sắt, đơn giản, bởi vì đường sắt là huyết mạch của nền kinh tế, quốc phòng, ông Vĩnh thẳng thắn: "Việc quyết định lựa chọn nhà đầu tư là do Bộ GTVT quyết định, chứ Cần Thơ thì chỉ thực hiện theo và nhận trách nhiệm theo dõi khi thực hiện thi công".
Trung Quốc muốn hợp tác xây dựng đường sắt ở Cần Thơ |
Và việc tiếp theo của Cần Thơ, theo ông Vĩnh là đợi xem chỉ đao của Bộ ra sao, bản thân địa phương chỉ là đầu mối.
Tăng cường hệ thống giao thông của tỉnh
Riêng ý nghĩa của tuyến đường sắt mới đối với Cần Thơ, ông Vĩnh nhấn mạnh: "Tuyến đường sắt này theo quy hoạch đi từ Bắc vào Nam, từ Sài Gòn xuống Cần Thơ, nối dài xuống các tỉnh tiếp theo, chắc chắn sẽ tăng cường sự phát triển hệ thống giao thông của tỉnh, nhưng thời gian còn về lâu dài".
Trước đó, ngày 13/3, đoàn chuyên gia cố vấn Hàn Quốc đã có buổi giới thiệu về tầm nhìn phát triển của Thành phố Cần Thơ với chuyên đề "Hơn cả điều mong ước".
Tại đây, đoàn đã thông tin về dự án mà phía Tổng công ty Xây dựng Trung Quốc mong muốn có sự hợp tác là dự án xây dựng đường sắt từ Cần Thơ tới Phnom Penh, Siêm Riệp.
Ông Kim Hak Min - Trưởng khoa Hợp tác công nghệ, Trường Đại học Soon Chun Hyang, cố vấn đặc biệt cho Thành phố Cần Thơ, thông tin thêm: “Tôi nghĩ vấn đề liên quan đến dự án đường sắt này, Tổng công ty xây dựng Trung Quốc có thể bỏ tiền ra xây dựng dự án này. Sau khi xây dựng dự án xong có thể cùng với các đơn vị có chức năng của Chính phủ VN để vận hành trên cơ sở là chia sẻ lợi nhuận”.
Đưa ra lý do chọn nhà đầu tư Trung Quốc thay vì Nhật Bản, ông Kim nhận định, đường sắt của Nhật làm tốn nhiều tiền và thời gian hơn so với Trung Quốc. Ví dụ 100m đường sắt của Nhật tốn hết 100.000 USD thì của Trung Quốc chỉ khoảng 70.000 USD.
Tờ Doanh nhân Sài Gòn từng dẫn nhận định của The Economist nói rằng, trong một khu vực đang có khuynh hướng nghiêng về phía Mỹ, Trung Quốc muốn lôi kéo các nước láng giềng vào vòng ảnh hưởng kinh tế của mình.
Báo này dẫn lời giáo sư Evgeni Kanaev, Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế (Viện Hàn lâm Khoa học Nga) nhận xét về "bẫy chiến lược" của Trung Quốc:
“Trung Quốc đang tích cực bỏ vốn đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng giao thông của các nước Đông Nam Á. Nhưng sẽ có thể thành một cái bẫy chiến lược đối với các quốc gia Đông Nam Á là chuyện Trung Quốc sẽ ràng buộc các quốc gia này vào các tỉnh Vân Nam và khu vực tự trị Choang - Quảng Tây”.