Trung Quốc: Lo ngại “thảm họa” sinh thái vì chất thải y tế Covid-19

(Dân trí) - Theo tờ Southern Metropolis Daily, Vũ Hán đã tạo ra hơn 200 tấn chất thải y tế/ngày, trong khi đó hàng tấn khẩu trang y tế đã qua sử dụng đang chất đống trên khắp Trung Quốc.

Đeo khẩu trang để tránh virus corona đã trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của nhiều người trên thế giới, nhưng lượng khẩu trang y tế khổng lồ bị bỏ đi có khả năng sẽ trở thành thảm họa sinh thái.

Làm thế nào để đối phó với lượng rác thải đó? Con số hàng triệu hoặc thậm chí hàng tỷ chiếc khẩu trang bỏ đi là một vấn đề đau đầu khác đối với các nhà chức trách Trung Quốc.

Hơn nữa, họ còn đang bị mắc kẹt giữa việc chữa bệnh do virus corona gây ra và khắc phục những thiệt hại về mặt kinh tế.

Các cơ quan y tế và môi trường cho biết khẩu trang và các thiết bị bảo vệ khác, đặc biệt là các vật dụng được sử dụng bởi nhân viên y tế và người nhiễm virus corona, nên được coi là chất thải lâm sàng và được khử trùng trước khi đốt ở nhiệt độ cao tại các cơ sở chuyên dụng.

Mặc dù rất khó để có được một con số chính xác về số lượng khẩu trang y tế bị bỏ đi, nhưng theo tờ Southern Metropolis Daily và các phương tiện truyền thông Trung Quốc khác, khối lượng chất thải y tế ở Vũ Hán - thành phố nơi dịch bệnh bắt đầu vào tháng 12/2019, đã tăng gấp 4 lần, lên hơn 200 tấn/ngày.

Trung Quốc: Lo ngại “thảm họa” sinh thái vì chất thải y tế Covid-19 - 1
Trung Quốc vật lộn đối phó với núi chất thải y tế được tạo ra bởi dịch bệnh corona

Theo Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia nước này, khi nhu cầu về khẩu trang y tế tăng vọt trên khắp thế giới, các nhà sản xuất Trung Quốc đang sản xuất khoảng 116 triệu mỗi ngày phải sản xuất tăng gấp 12 lần trong tháng qua.

Với hơn 90.000 người ở Trung Quốc bị nhiễm bệnh và ít nhất 3.200 người thiệt mạng, cuộc khủng hoảng virus corona đã cho thấy sự gia tăng mạnh mẽ về khối lượng chất thải y tế. Trong khi số lượng lò đốt xử lý chất thải y tế của Trung Quốc vẫn không có sự cải tiến nhiều trong thập kỷ qua.

Số lượng lò đốt rác thải của Trung Quốc đã gia tăng gần gấp 6 lần, từ 74 lò đốt trong năm 2009 đã tăng lên 430 lò đốt vào năm ngoái, với hơn 100 công trình đang được xây dựng.

Tuy nhiên, các lò đốt xử lý chất thải y tế được xây dựng sau sự bùng nổ của Sars 17 năm trước lại gần như đã hết tuổi thọ hoạt động và chưa được cải tạo lại.

Trung Quốc là quốc gia gây ô nhiễm và sản xuất rác lớn nhất thế giới. Đất nước này tạo ra khoảng 2 triệu tấn chất thải y tế vào năm 2018, nhưng vẫn chưa đưa ra một tiêu chuẩn kiểm soát ô nhiễm cụ thể nào đối với chất thải lâm sàng.

Hiện nay, nó vẫn chỉ được phân loại đơn giản là chất thải nguy hại. Điều đó đã phần nào giải thích lý do tại sao các nhà chức trách ở Vũ Hán - thành phố có 11 triệu người là nơi cư trú của 75% những người bị thiệt mạng bởi virus corona - dường như đã bị choáng ngợp bởi khối lượng chất thải y tế trong vài tháng qua.

Các quan chức của Bộ Môi trường cho hay, chỉ có nơi nào được trang bị cơ sở xử lý chất thải y tế chuyên dụng mới có khả năng xử lý được hết số rác thải y tế đó.

Những đống khẩu trang khổng lồ và các thiết bị bảo hộ y tế bị vứt bỏ khác đã được nhìn thấy tại các bệnh viện trên khắp Vũ Hán, Cổng thông tin The Paper nói rằng: “3 tấn rác thải y tế đã chất đống tại Bệnh viện Puren chỉ trong vòng 4 ngày”.

Những người thu gom rác nói rằng, họ bị choáng ngợp bởi lượng rác thải khổng lồ và thành phố Vũ Hán hoàn toàn không được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất để xử lý lượng rác thải lớn như vậy.

Trung Quốc: Lo ngại “thảm họa” sinh thái vì chất thải y tế Covid-19 - 2
Các nhà sản xuất Trung Quốc đang sản xuất khoảng 116 triệu khẩu trang mỗi ngày. Ảnh: Bloomberg

Tổng số rác thải y tế được thu thập trên khắp tỉnh Hồ Bắc vào ngày 24 tháng 2 tổng cộng là 365 tấn, trong đó có 60% rác thải đến từ các bệnh viện. Còn tại tỉnh Vũ Hán, ước tính có khoảng 17.000 tấn chất thải y tế trong cả năm 2018.

Eric Liu, một chuyên gia về chất thải độc hại tại văn phòng Greenpeace, ở Bắc Kinh, cho biết Trung Quốc đang thiếu rất nhiều cơ sở xử lý chất thải, đặc biệt là những cơ sở có khả năng xử lý chất thải lâm sàng.

Ông còn chia sẻ thêm: “Khả năng xử lý chất thải ở Trung Quốc, đặc biệt là về chất thải y tế và chất thải nguy hại, chỉ đủ để đáp ứng nhu cầu hàng ngày, chứ đừng nói đến cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua.”

Ông Du Huanzheng - Giám đốc Viện Kinh tế Tái chế tại Đại học Tongji, Thượng Hải - cũng bày tỏ lo ngại về sự gia tăng khoảng cách cung-cầu trong xử lý chất thải y tế. Nhưng ông cho biết một số lượng lớn các cơ sở xử lý chất thải mới đang được xây dựng hoặc lên kế hoạch.

Ông Huanzheng còn nói thêm, việc xử lý chất thải y tế là một phần quan trọng trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh, đây là một lời cảnh tỉnh cho chính phủ nhằm đẩy nhanh việc xây dựng các cơ sở mới và nghiên cứu các công nghệ xử lý chất thải.

Theo báo cáo của China Economy Daily, Vũ Hán đang gấp rút xây dựng thêm các nhà máy xử lý chất thải y tế gần các bệnh viện, bao gồm các nhà máy gần bệnh viện Huoshenshan, Leishenshan và Jinyintan sẽ xử lý lần lượt là 9, 15 và 4 tấn rác lâm sàng hàng ngày. Tổng cộng có 17 cơ sở lưu trữ tạm thời chất thải y tế, với sức chứa kết hợp lên đến hơn 1.000 tấn.

Thùy Dung

Theo SCMP