1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Trung Quốc không có nhiều lựa chọn trong cuộc chiến kinh tế với Mỹ

Thùy Dung

(Dân trí) - Bởi vì cần dòng vốn đầu tư từ Mỹ nên Bắc Kinh phải cẩn thận trong việc xử phạt các công ty Mỹ.

Trung Quốc không có nhiều lựa chọn trong cuộc chiến kinh tế với Mỹ - 1

Lockheed Martin, nhà thầu quân sự lớn nhất thế giới, là công ty đầu tiên của Mỹ mà chính phủ Trung Quốc nhắm mục tiêu trừng phạt.

Thông báo của Trung Quốc rằng họ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với công ty Mỹ, Lockheed Martin vì liên quan đến việc bán vũ khí của Mỹ cho Đài Loan đã nêu bật một thực tế khắc nghiệt đối với Bắc Kinh: họ có ít sự lựa chọn hơn khi trừng phạt các doanh nghiệp Mỹ so với việc Washington trừng phạt các công ty Trung Quốc

Lockheed Martin, nhà thầu quân sự lớn nhất thế giới, là công ty đầu tiên của Mỹ mà chính phủ Trung Quốc chính thức nhắm mục tiêu trừng phạt kể từ khi ông Donald Trump chuyển đến Nhà Trắng. Tuy nhiên, Bắc Kinh chưa công bố chi tiết về các lệnh trừng phạt.

Việc trừng phạt Lockheed Martin đánh dấu một bước tiến xa hơn trong chiến lược thận trọng của Bắc Kinh về việc đe dọa trả đũa các doanh nghiệp Mỹ trong khi cố gắng tránh làm tổn hại đến lợi ích của chính họ.

Thực tế, hơn một năm sau khi Bắc Kinh cảnh báo rằng họ đang lập “Danh sách các thực thể không đáng tin cậy” có các công ty gây tổn hại cho Trung Quốc – một phản ứng rõ ràng với Danh sách thực thể của Bộ Thương mại Mỹ mà Washington đã sử dụng để trừng phạt một số công ty Trung Quốc, cụ thể là Huawei - Chính phủ Trung Quốc vẫn chưa công bố những doanh nghiệp nước ngoài nào sẽ có tên trong danh sách hoặc những hình phạt nào họ sẽ phải đối mặt

Lockheed Martin, nhà thầu quân sự lớn nhất thế giới, là công ty Mỹ đầu tiên mà chính phủ Trung Quốc nhắm đến để trừng phạt.

Các phương tiện truyền thông chính thức của nhà nước Trung Quốc, bao gồm tờ Global Times, đã ám chỉ năm ngoái rằng: Honeywell, Oshkosh, General Dynamics và công ty con của Công ty hàng không vũ trụ vùng Vịnh, đã được nhắm mục tiêu. Tuy nhiên, Bắc Kinh chưa bao giờ chính thức xác nhận danh sách này.

Và khi Mỹ trừng phạt các công ty Trung Quốc như Huawei, Trung Quốc vẫn tiếp tục có những động thái khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp Mỹ. Chủ tịch Tập Cận Bình tuần trước đã gửi một lá thư cho một nhóm các nhà điều hành đa quốc gia với cam kết rằng: Bắc Kinh sẽ tiếp tục theo đuổi các cải cách cần thiết và sẽ mở cửa thị trường trong nước hơn nữa.

Điều này nhấn mạnh vấn đề nan giải của Bắc Kinh: Nếu nước này trừng phạt các doanh nghiệp Mỹ sẽ có nguy cơ làm chùn bước dòng vốn đầu tư nước ngoài mà Trung Quốc đang phụ thuộc để thúc đẩy nền kinh tế, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19 gây ra.

“Vì vậy, các biện pháp trừng phạt mà Bắc Kinh áp đặt lên các doanh nghiệp Mỹ, nếu có, dự kiến ​​sẽ được nhắm mục tiêu kĩ lưỡng và vừa phải”, theo các nhà phân tích.

Các lệnh trừng phạt của Trung Quốc có thể được giảm bớt, như trường hợp của Boeing, một trong hai nhà cung cấp máy bay chở khách chính cho các hãng hàng không Trung Quốc nhưng cũng là nhà thầu quốc phòng lớn của Mỹ.

Năm 2010, Trung Quốc tuyên bố sẽ xử phạt Boeing vì có liên quan đến thỏa thuận vũ khí với Đài Loan - lần đầu tiên chính phủ Trung Quốc đã đưa ra thông báo như vậy. Nhưng Boeing đã tiếp tục bán máy bay thương mại cho Trung Quốc và “hòa quyện sâu sắc” với ngành hàng không thương mại Trung Quốc.

Các nhà phân tích cho rằng, bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với Boeing sẽ có tác dụng phụ vì Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào các linh kiện nhập khẩu cho máy bay thương mại của riêng họ.

Trung Quốc đã không nói rõ các biện pháp trừng phạt mới đối với Lockheed Martin thực tế sẽ như thế nào. Lockheed, giống như Boeing, có quan hệ sản phẩm dân sự mạnh mẽ với Trung Quốc, ví dụ như bán máy bay trực thăng thông qua công ty con Shanghai Sikorsky Airplane.

Jake Parker, phó chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Mỹ - Trung, cho biết các cuộc trò chuyện của nhóm với các quan chức chính phủ Trung Quốc và các bên liên quan khác sau khi công bố “Danh sách thực thể không đáng tin cậy” rằng chính phủ Trung Quốc vẫn đang thảo luận nội bộ về lý do pháp lý cho việc tạo danh sách.

Trong một cuộc phỏng vấn với Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Nhà nước Trung Quốc, cho biết các công ty tuân thủ việc kiểm soát xuất khẩu của Mỹ có thể bị Bắc Kinh coi là lạm dụng sự thống trị thị trường ở Trung Quốc - một hành vi phạm tội có thể bị trừng phạt theo luật chống độc quyền của Trung Quốc

Ngoài các quy định này, năm nay Trung Quốc cũng tăng cường các hình phạt gián điệp kinh tế để đáp trả các cáo buộc của Mỹ về hành vi trộm cắp bí mật thương mại. Là một phần của sửa đổi rộng hơn đối với bộ luật hình sự của đất nước, dự thảo sửa đổi, đang được Chính phủ nước này hiện đưa ra lấy ý kiến công khai.

Andy Mok, một nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Toàn cầu hóa, cho biết, Trung Quốc sẽ chỉ xử phạt hoặc thực hiện các hành động trừng phạt khác đối với các công ty Mỹ khi bị cưỡng ép bởi Mỹ, bởi vì một số biện pháp sẽ là “Gây tác động rất tốn kém đến Trung Quốc”.

“Tuy nhiên, đồng xu nào cũng có 2 mặt, các công ty công nghệ Mỹ cũng rất phụ thuộc vào Trung Quốc. Hãy nhìn vào Intel, Qualcomm và Nvidia, tất cả các công ty bán dẫn này, hơn 50% doanh số của họ đến từ Trung Quốc. Vì vậy, nếu không có lượng doanh số đó, các công ty này sẽ không thể tài trợ đầu tư vào thế hệ công nghệ tiếp theo của họ”, Mok nói.

“Trung Quốc phải thực hiện một số hành động, nhưng họ cũng không muốn leo thang tình hình. Hy vọng là, bằng những dấu hiệu đầu tiên báo hiệu rằng việc trừng phạt này đang được dự tính, nó có thể khiến Mỹ chùn chân và ít thái độ thù địch hơn”, ông nói thêm.